Việc khoan hầm Núi Vung trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo gặp sự cố nền đất yếu
Ban QLDA 85 cho biết, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ hoàn thành các hạng mục đường, cầu và các công trình phụ trợ ngày 30/9/2023. Dự kiến 30/3/2024 hoàn thành công trình hầm Núi Vung, rút ngắn thời gian thực hiện toàn dự án tối thiểu 03 tháng...
Đã bàn giao 100% mặt bằng thi công, sẽ về đích sớm ít nhất 3 tháng
Theo đại diện Ban QLDA 85 (Bộ GTVT), đến thời điểm hiện tại, địa phương đã tổ chức bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án 78,5km/78,5km (100%).
Hiện các hạng mục công trình đã cơ bản triển khai thi công trên toàn dự án, sản lượng thực hiện đến nay được 45,86% giá trị hợp đồng. Cơ bản đáp ứng tiến độ chung của dự án.
Cụ thể, phân đoạn từ Km54 - Km92+200 (Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Xây dựng 194 quản lý, thực hiện) đang triển khai thi công 5/7 gói thầu xây lắp chính, tổng giá trị xây lắp là 3.041 tỷ đồng. Có 03 mũi thi công phá đá nổ mìn, 08 mũi thi công đường, 08 mũi thi công cầu và xây dựng 04 bãi đúc dầm trên công trường.
Phân đoạn từ Km92+200 - Km134 (Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đèo Cả quản lý, thực hiện) đang triển khai thi công 12/15 gói thầu xây lắp chính, tổng giá trị xây lắp là 4.546 tỷ đồng.
Hiện Đèo Cả đang triển khai 32 mũi thi công đường, 35 mũi thi công cầu, 10 mũi thi công hầm; xây dựng 05 bãi đúc dầm trên công trường. Sản lượng thực hiện đến nay khoảng 2.292 tỷ đồng (được 50,42% tổng giá trị xây lắp; đạt 102,9% so với kế hoạch là 2.227 tỷ đồng, nhanh 2,9%).
Đối với hạng mục hầm Núi Vung dài 2,25km, tính đến ngày 28/3/2023, hầm trái đã đào được 1.915/2.250m dài, hầm phải đào được khoảng 1.610/2.250m.
“Chúng tôi cam kết đến ngày 30/9/2023 hoàn thành các hạng mục đường, cầu và các công trình phụ trợ trên đường. Đến ngày 30/3/2024 hoàn thành công trình hầm Núi Vung. Hiện Ban QLDA 85 cùng doanh nghiệp dự án cam kết thời gian hoàn thành dự án là 31/12/2023 (rút ngắn 03 tháng)”, đại diện Ban QLDA 85 cho biết.
Theo đại diện Ban QLDA 85, đối với các gói thầu chậm tiến độ trong thời gian vừa qua, hiện DNDA đã rà soát và điều chỉnh tiến độ, có phương án huy động bổ sung máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công trong thời gian tới
Hiện nay dự á cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, nguồn vật liệu đất đắp phục vụ thi công gặp khó khăn, đến cuối tháng 6/2023 dự án mới hoàn thành thủ tục khai thác 02 mỏ đất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Tại phân đoạn Km54 – Km92+260 đang thiếu trên 200.000m3 đất chưa có nguồn cấp.
Giá các loại nguyên, nhiên vật liệu thông thường phục vụ thi công Dự án có sự biến động tăng mạnh so với thời điểm dự thầu, các nhà thầu gặp khó khăn về chi phí phục vụ thi công. Bên cạnh đó, thời tiết năm 2022 mùa mưa trong khu vực dự án thi công đến sớm, mưa nhiều, ảnh hưởng lớn đến công tác thi công.
“Đặc biệt là phần thi công hạng mục hầm Núi Vung đang gặp vấn đề về địa chất yếu ở đầu hầm phía Nam, đầu phía Ninh Thuận. Do đó chúng tôi đã có nhiều cuộc họp với các bên, của Bộ GTVT để thống nhất phương án thi công”, đại diện Ban QLDA 85 cho biết.
Cần sớm thống nhất giải pháp kỹ thuật và các phát sinh
Theo hợp đồng ký kết với Bộ GTVT, thời gian hoàn thành hạng mục hầm núi Vung là 30/03/2024. Trên cơ sở số liệu về khảo sát địa chất bước thiết kế kỹ thuật của Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), Tập đoàn Đèo Cả đã lập tiến độ chi tiết công tác đào và gia cố hầm sẽ hoàn thành vào cuối tháng 03/2023.
Với mốc tiến độ này, Đèo Cả đã tổ chức thi công 3 ca, đào từ 2 đầu phía Bắc và phía Nam với tốc độ đào trung bình 2 - 4m/ngày. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, mũi đào hầm phía Nam địa gặp địa chất yếu, khác với với hồ sơ thiết kế kỹ thuật ban đầu làm chậm tiến độ đào và có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chung của dự án. Hiện nay, mũi đào hầm phía Bắc đã đào được hơn 1.600m, trong khi mũi đào hầm phía Nam mới chỉ đạt 300m do gặp địa chất yếu.
Vấn đề địa chất yếu, ông Hoàng Công Doanh – Chỉ huy trưởng Gói thầu XL09 (thi công phía Nam hầm núi Vung) cho biết trong thiết kế kỹ thuật của đơn vị tư vấn TEDI đã không dự báo, hồ sơ thiết kế lập không đáp ứng được yêu cầu đối với công tác thi công hầm khi không dự kiến cụ thể địa chất các đoạn hầm đi qua như những hồ sơ thiết kế kỹ thuật của hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân…
“Nhiều thời điểm, công tác thi công phía Nam hầm núi Vung phải dừng đào để thực hiện bổ sung các biện pháp chống đỡ, gia cố… vì bất cứ lúc nào, hàng trăm tấn đất đá cũng có thể đổ sập xuống”, ông Doanh thông tin.
Đại diện Ban điều dự án cho biết, từ ngày 05/12/2022 đến nay, với các điều kiện địa chất sai khác so với dự báo trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bằng năng lực và kinh nghiệm đã tổ chức thi công các công trình hầm giao thông, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động xử lý điều chỉnh biện pháp thi công, kết cấu chống đỡ để đảm bảo an toàn và chất lượng.
Tập đoàn Đèo Cả cho biết đã nhiều lần mời chuyên gia của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Ban QLDA 85, tư vấn thiết kế TEDI vào dự án để thống nhất giải pháp kỹ thuật, xác định các phát sinh ngoài điều kiện hợp đồng của dự án.
“Xác định đây là tình huống bất khả kháng đối với doanh nghiệp, vì thế chúng tôi kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hiện trạng thực tế, thống nhất điều chỉnh tiến độ bị kéo dài do phát sinh xử lý sai khác về địa chất, giao bổ sung công việc xử lý địa chất yếu bất thường ở hạng mục hầm núi Vung cho dự án, đồng thời xác định chi phí tăng thêm để làm cơ sở cho các bên bổ sung phụ lục hợp đồng” ông Lê Quỳnh Mai – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nói.
Hầm núi Vung có quy mô 3 làn xe, bề rộng 14m, đây là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Các biện pháp đảm bảo an toàn và tiến độ, chất lượng khi thi công gặp phải địa chất yếu (phía Nam hầm núi Vung) mà không được dự báo trước trong thiết kế kỹ thuật dẫn đến tốc độ đào hầm giảm xuống chỉ còn 1/3 so với bình thường.
Cũng theo ông Mai, để tối ưu về tiến độ cho dự án, Tập đoàn Đèo Cả tổ chức tối đa số mũi thi công ở phía Bắc hầm núi Vung, hiện nay 2 ống hầm phía Bắc đang tổ chức 10 mũi thi công đồng thời để thực hiện đào gương hầm, đào hạ nền, làm hệ thống thoát nước, làm hệ thống phòng nước, làm vỏ hầm…
“Đối với mũi thi công đào hầm phía Nam, Tập đoàn Đèo Cả đặt tiêu chuẩn an toàn cho người lao động đang thi công và chất lượng công trình lên trên hết, trước hết, không vì mục tiêu tiến độ mà bỏ qua công tác an toàn cho con người, an toàn và chất lượng của công trình”, ông Lê Quỳnh Mai khẳng định.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, đại diện Ban QLDA 85 cho biết, việc thi công hầm Núi Vung gặp phải vấn đề địa chất yếu ở đầu hầm phía Nam, Ban QLDA 85 và đơn vị thi công là Tập đoàn Đèo Cả đã họp với Bộ GTVT, Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông bàn giải pháp xử lý.
“Địa chất hầm Núi Vung đầu phía Ninh Thuận gặp vấn đề về địa chất yếu, cụ thể là đất đá bị lún ổn định, do mạch nước ngầm và biến dạng ổn định của địa chất, không phải là lún cục bộ. Đây là vấn đề không lường trước được khi thi công và khoan thăm dò. Do đó, hiện các đơn vị đang phải vừa làm vừa theo dõi, việc này sẽ không thể thi công nhanh được. Trong đó, sẽ thực hiện điều chỉnh kết cấu, gia cố hầm và điều chỉnh thi công cho phù hợp”, đại diện Ban QLDA 85 thông tin./.
Khoan hầm Núi Vung trên cao tốc Can Lâm-Vĩnh Hảo