'Việc làm nhỏ, khơi nguồn yêu thương'

Đã thành thông lệ vào ngày Chủ nhật tuần cuối tháng, những bước chân 'tình nguyện' quen thuộc của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4 lại hành quân đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An tại xã Giang Sơn Đông, (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) để thực hiện mô hình 'việc làm nhỏ, khơi nguồn yêu thương' giúp đỡ những bệnh nhân và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại trung tâm.

Công việc của họ bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như: Quét dọn, cắt tóc, tặng quà, ca hát, nói chuyện và chăm sóc người bệnh… với mục đích đem lại tiếng cười, tạo sức lan tỏa về tình yêu thương con người của những người lính trẻ cho người bệnh nơi đây.

Theo bước chân cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An từ rất sớm. Vừa đặt chân đến Trung tâm chúng tôi đã nghe thấy tiếng hò reo vui mừng cùng tiếng vỗ tay không ngớt của các bệnh nhân nơi đây. Kèm theo đó là những lời hát trong bài hát “Vì nhân dân quên mình” được các bệnh nhân hát vang lên để chào đón cán bộ, chiến sĩ đến với “mái nhà thứ hai của mình”, khiến ai nấy không khỏi dậy lên những xúc cảm.

 Chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4 cắt tóc cho bệnh nhân bị tâm thần của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An.

Chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4 cắt tóc cho bệnh nhân bị tâm thần của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An chỉ có chưa đầy 30 cán bộ, công chức, việc chăm sóc 145 bệnh nhân tâm thần và các đối tượng già yếu là quá sức, bởi thế sự có mặt của các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị là điều rất cần thiết. Đã thành thói quen, không ai bảo ai, các chiến sĩ Trung đoàn chia ra từng nhóm, ai nấy như tự bảo nhau về công việc của mình, dường như việc làm này đã trở nên gắn bó, thân thiết với họ. Công việc ấy rất giản dị, đó là giặt quần áo, chăm sóc bệnh nhân, quét dọn vệ sinh trung tâm, cắt tóc, tu sửa bồn hoa cây cảnh, ca hát, nói chuyện hay tặng những món quà nhỏ như tấm bánh, hộp sữa, cái kẹo cho từng người bệnh. Với những người lính trẻ, đây không còn là trách nhiệm nữa mà là tình thương yêu giữa con người với con người, giữa quân với dân. Không gian này trở nên ấm áp, nghĩa tình hơn khi có các anh bộ đội.

Như để chúng tôi hiểu hơn về hoạt động của mô hình này, Trung tá Nguyễn Thanh Quang, Chính ủy Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 chia sẻ: “Thời gian qua, qua khảo sát đơn vị, chúng tôi thấy người bệnh ở đây thiếu thốn cả về vật chất và tình cảm. Từ trong đáy lòng mình, tập thể cán bộ, chiến sĩ trong toàn Trung đoàn muốn đóng góp một điều gì đó cho những bệnh nhân không may có hoàn cảnh cơ nhỡ, vơi đi phần nào nỗi vất vả, khó khăn. Đồng thời, góp phần nhân lên tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia của những người lính trẻ với mọi người nơi đây. Chính vì vậy, mô hình “việc làm nhỏ, khơi nguồn yêu thương” đã ra đời. Xuất phát từ mục đích đó, cứ đến Chủ nhật tuần cuối tháng, chúng tôi lại cắt, cử cán bộ, chiến sĩ đến giúp trung tâm bằng những việc làm nhỏ bé, thiết thực của mình”.

Đang cặm cụi, cẩn thận lấy từng chiếc khăn lau sạch chân tay cho một bệnh nhân là cụ ông năm nay 75 tuổi bị liệt chân tay, tinh thần vô thức, Binh nhất Phan Sĩ Đạt, chiến sĩ Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 xúc động chia sẻ: “Được tham gia những hoạt động ý nghĩa này của đơn vị, tôi thấy mình trưởng thành hơn và coi trung tâm này như ngôi nhà thứ hai của mình, bởi lẽ ở đây tôi có những người ông, người bà, người mẹ cần bàn tay chăm sóc, yêu thương của mình để họ sớm khỏi bệnh, yêu cuộc sống này hơn”.

 Chăm sóc bệnh nhân bị bệnh nhân bị tâm thần của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An.

Chăm sóc bệnh nhân bị bệnh nhân bị tâm thần của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Hồng Nam, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi rất trân trọng và biết ơn sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn. Bởi qua mô hình “việc làm nhỏ, khơi nguồn yêu thương” của các đồng chí đã góp phần rất lớn giúp cho các bệnh nhân tại trung tâm có thêm nghị lực sống, không còn bi quan, chán nản nữa, họ có thêm niềm tin vượt lên những mảnh đời bất hạnh của mình”.

Ông Nam diễn giải thêm: “Trong phác đồ trị liệu tâm lý của chúng tôi đã xác định bao gồm các hoạt động kể chuyện, ca hát, tổ chức các hoạt động vui chơi… là những hoạt động quan trọng giúp bệnh nhân sang chấn về tâm lý sớm tái hòa nhập với cộng đồng. Thông qua những hoạt động giao lưu, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, đã giúp các đối tượng ấy cởi mở hơn, vui vẻ hơn, tinh thần, sức khỏe ngày càng cao hơn, sớm phục hồi được các chức năng của cơ thể mình”.

Chia sẻ về cảm nhận của mình qua hoạt động thiết thực này, Đại úy Chu Văn Kiên, Chính trị viên Tiểu đoàn 3 cho hay: “Qua những việc làm này, đã góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị về vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ, rằng hãy làm một điều gì đó dù là nhỏ nhất, để góp một phần sức lực nhỏ bé của mình đối với hoạt động an sinh xã hội cũng như giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đóng quân. Đây đồng thời cũng là hoạt động giúp đội ngũ chiến sĩ trẻ trong đơn vị trưởng thành, chín chắn hơn, hiểu sâu sắc về giá trị của cuộc sống và tình yêu thương con người để có quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao của đơn vị cũng như trở thành các công dân có ích cho xã hội sau khi xuất ngũ về với địa phương và gia đình, xã hội”.

Bài, ảnh: ĐÀO HIỆP – QUANG MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/viec-lam-nho-khoi-nguon-yeu-thuong-643697