Việc sửa Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là cấp thiết
Ngày 10/5, tại trụ sở Công an TPHCM, Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội Công an TPHCM tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Căn cước năm 2023 và Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) trong Công an TPHCM.
Ngoài những điểm mới trong Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Hội nghị tập trung vào những tồn tại trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành và đưa ra thảo luận về những điểm mới trong Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Một số khái niệm trong luật hiện hành không đáp ứng thực tế
Khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã bộc lộ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thực tế trong 05 năm, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án, trong đó: Tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao làm công cụ, phương tiện gây án chiếm tỷ lệ rất cao, phát hiện 27.161 vụ, bắt giữ 46.693 đối tượng (chiếm 94,5% tổng số vụ, 92,8% tổng số đối tượng).
Như vậy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Riêng đối tượng sử dụng dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ cao, phát hiện 16.841 vụ, bắt giữ 26.472 đối tượng (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng). Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn có tính sát thương rất cao, gây án với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Trung tá Nguyễn Văn Trường – Đội trưởng Đội 3 - Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM nêu một số vụ việc điển hình như vụ các đối tượng sử dụng hung khí là dao, mã tấu đánh nhau tại Q.Bình Tân. Cụ thể, do có mâu thuẫn từ trước, khoảng 20 giờ ngày 05/6/2020, Mai Nguyễn Xuân Thành (SN 1996, ngụ Q.Bình Tân) đã chuẩn bị nhiều hung khí gồm: chĩa, đao, mã tấu, chai bia có chứa xăng… cùng đồng phục áo màu cam để dễ nhận diện, sau đó kéo đến xông vào đập phá tài sản của quán Ốc Hương địa chỉ số 86-88 và 92-94 Đường số 6, KP.6, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân.
Lúc này, anh Lâm Thành Long đang ngồi ăn trong quán, cầm điện thoại lên nghe thì nhóm "áo cam" tưởng anh Long quay phim nên xông vào chém anh này gây thương tích 35%. Quá trình điều tra, Cảnh sát thu giữ 44 dao, 02 tuýp sắt, 31 cây chĩa. Ngày 18/9/2023, Tòa án nhân dân TPHCM đã mở phiên tòa xét xử vụ án băng nhóm "áo cam" gồm 94 bị cáo với các tội danh: Cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản.
Một vụ việc điển hình nữa được Trung tá Trường nhắc đến là vụ đối tượng Trần Huy (36 tuổi, quê Lâm Đồng) thuê trọ tại hẻm 645 đường Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7, là hàng xóm với ông H.U.V (47 tuổi). Do mâu thuẫn trong sinh hoạt từ trước, vào khoảng 16 giờ ngày 26/9/2021, Huy cầm một con dao dài 32,5cm tìm ông V tại nhà không số, đầu hẻm 645 đường Trần Xuân Soạn để giết ông này. Khi gặp ông V, Huy cầm dao đâm, chém liên tiếp 3 nhát vào vùng ngực cho đến khi nạn nhân nằm bất động. Lúc này, Huy tiếp tục cầm dao cắt lìa phần đầu ông V rồi cầm ra ngã ba hẻm 645 vứt xuống đất. Ngày 05/01/2023, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên tử hình Huy về tội “giết người".
Thực tế từ 2 vụ án trên cho thấy, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: Giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích..., không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí.
Bên cạnh đó, đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với đối tượng sử dụng trái phép súng quân dụng (1.783/333 vụ, 2.589/546 đối tượng). Các loại vũ khí này khi đối tượng sử dụng gây án, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm như vũ khí quân dụng nhưng theo quy định của Luật thì súng tự chế không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ và nghiêm cấm chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí này. Do đó, loác đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế, dao và công cụ, phương tiện tương tự vũ khí thô sơ.
Nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Các quy định, thủ tục rườm rà, không còn phù hợp
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành có 30 điều quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó, yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo rất nhiều các loại giấy tờ. Để thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần thiết phải cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành.
Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân của các nước cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức trong nước để nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ thì cần thiết phải bổ sung quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ.
Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ có thời hạn 05 năm, sau khi hết thời hạn được cấp đổi; một số loại công cụ hỗ trợ cấp giấy xác nhận đăng ký và không có thời hạn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ không có sự thay đổi về nhãn hiệu, ký hiệu, 5 số hiệu; hằng năm cơ quan quản lý, cấp phép đã tiến hành kiểm tra, trong khi đó, việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều chi phí.
Bên cạnh đó, giấy phép sử dụng và giấy xác nhận đều là giấy phép cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng.
Ngoài ra, một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 chưa phù hợp với thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc.
Những điểm mới trong dự thảo luật sửa đổi
Quy định “Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao” là vũ khí quân dụng nếu sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Bổ sung thêm 01 trường hợp người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo, cụ thể: Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ; Cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nhưng vẫn phải đảm bảo trong việc cấp và quản lý Ngoài ra, Dự án Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng.
Được biết, trong 5 năm qua, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp 99.689 khẩu súng các loại và nhiều bom, mìn, lựu đạn, thuốc nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ khác; Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh quyết liệt, hiệu quả đối với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong 05 năm, toàn quốc đã phát hiện 34.109 vụ, bắt giữ 56.027 đối tượng, thu 4.975 khẩu súng các loại.