Viễn cảnh đàm phán hòa bình Nga – Ukraine trong mùa đông đầy thách thức

Mùa đông năm nay có thể sẽ chứng kiến tình trạng bế tắc kéo dài trên chiến trường ở Ukraine khi không bên nào từ bỏ các cuộc tấn công. Mặc dù vậy, có những diễn biến gần đây khiến một số người nhận định, có khả năng hai bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán trong năm tới.

Nga và Ukraine vạch chiến lược cho mùa đông

Giới chuyên gia quân sự nhận định rằng, tình hình cuộc xung đột Nga – Ukraine trong mùa đông sắp tới sẽ trở nên khó khăn hơn, khi cả Moscow và Kiev đều không lùi bước trước các cuộc tấn công của đối phương, nhưng cũng không bên nào có thể giành chiến thắng trong trung hạn. Tuy nhiên, kịch bản Nga và Ukraine ngồi xuống bàn đàm phán có thể diễn ra vào năm tới.

“Mùa đông sẽ chỉ làm tăng thêm khó khăn trên chiến trường. Không bên nào có thể đạt được đột phá về chiến thuật hoặc trong hoạt động chiến đấu”, Đại tá đã nghỉ hưu Seth Krummrich, hiện là phó chủ tịch của Global Guardian, một công ty tư vấn an ninh, nói với Al Jazeera.

Các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine. Ảnh: The New York Times

Các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine. Ảnh: The New York Times

Ukraine đã phát động một cuộc phản công lớn vào đầu tháng 6. Tuy nhiên, Ukraine vẫn chưa đạt được mục tiêu chiến lược là chia cắt các lực lượng Nga cũng như cô lập lực lượng Nga ở Kherson, Zaporizhzhia và Crimea. Các chỉ huy cấp cao của Ukraine cho biết cuộc phản công sẽ tiếp tục kéo dài suốt mùa đông.

Trong tháng 11, Nga đã đáp trả Ukraine bằng một loạt cuộc tấn công mới ở phía Đông, hướng tới các thành phố Kupiansk, Lyman, Avdiivka và Mariinka. Không bên nào giành được bước ngoặt lớn, nhưng Nga vẫn tiếp tục các cuộc tấn công bất chấp tuyết và băng giá.

Konstantinos Grivas, chuyên gia giảng dạy về các hệ thống vũ khí và địa chính trị tại Học viện Quân sự Hellenic, cho rằng cả Nga và Ukraine đều chưa tìm ra được lợi thế về công nghệ hoặc chiến thuật để tạo ra bước đột phá, mà chỉ tập trung vào xây dựng hệ thống phòng thủ.

“Hỏa lực và hệ thống phòng thủ thụ động, ví dụ như các bãi mìn, chiến hào, dường như đã làm giảm khả năng của các lực lượng cơ giới hóa và không quân”, ông Grivas nói.

Cả Nga và Ukraine đều có những chiến lược riêng để đạt thành công trên chiến trường. Mùa đông năm ngoái, Nga đã nhắm mục tiêu vào các nhà máy điện, gây mất điện trên diện rộng tại Ukraine. Vào tháng 7, Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng cảng của Ukraine để ngăn chặn việc xuất khẩu ngũ cốc của Kiev. Ukraine đã ứng phó bằng cách sử dụng các hệ thống phòng không, phụ tùng thay thế và máy phát điện khẩn cấp do phương Tây cung cấp để duy trì nguồn điện.

Ukraine cũng áp dụng chiến lược tấn công của riêng mình. Kiev sử dụng những vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào phía sau tiền tuyến của Nga nhằm làm gián đoạn việc cung cấp vũ khí cho tiền tuyến, nhưng Nga đã chuyển kho dự trữ ra khỏi tầm bắn của vũ khí. Các chuyên gia cho rằng máy bay chiến đấu F-16 mà Ukraine sắp nhận được từ một số nước NATO khó có khả năng phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường.

Triển vọng Nga và Ukraine ngồi xuống bàn đàm phán

Theo chuyên gia Grivas, tất cả những điều này dường như là nỗ lực của Ukraine nhằm tiếp tục yêu cầu sự giúp đỡ của phương Tây và ngăn áp lực ngồi xuống bàn đàm phán với Nga.

Tháng 8/2022, tình báo Ukraine ước tính Nga còn khoảng 585 tên lửa các loại trong kho dự trữ, nhưng Moscow dự kiến sản xuất hơn 100 tên lửa mỗi tháng. Trong tháng 11, quân đội Ukraine cho biết, Nga đã dự trữ hơn 800 tên lửa chỉ riêng ở Crimea và đang chuẩn bị khai hỏa.

Ngày 29/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Nga tích trữ lượng lớn tên lửa để tấn công hạ tầng năng lượng Ukraine vào mùa đông, khiến Kiev sống trong tối tăm và lạnh lẽo.

Một số nhà quan sát cho rằng, khả năng duy trì kho dự trữ vũ khí và huy động nguồn nhân lực dự trữ lớn của Nga cho thấy thời gian đang ủng hộ họ.

Trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã từ bỏ bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga cho đến khi quân đội Nga rút khỏi Ukraine, phía Nga nói rằng họ chưa bao giờ từ bỏ đàm phán hòa bình với Ukraine.

Trong bài phát biểu trực tuyến với Nhóm G20 hôm 22/11, Tổng thống nhấn mạnh rằng Nga chưa bao giờ từ chối bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Ukraine. Trong khi trên thực tế, Tổng thống Zelensky ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Putin. Sắc lệnh này loại trừ mọi khả năng Ukraine tiến hành đàm phán với Nga khi ông Putin vẫn nắm quyền.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cho biết Nga không tìm cách né tránh việc xem xét các đề xuất nghiêm túc nhằm hạ nhiệt cuộc xung đột với Ukraine, nhưng không có đề xuất nào có thể thực hiện.

Giới quan sát đang đưa ra những đánh giá rằng liệu Nga và Ukraine có đàm phán hòa bình vào mùa đông tới hay không, trong bối cảnh cả hai bên vẫn đang thể hiện khả năng chiến đấu.

Các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Putin có thể đang tìm kiếm một chiến thắng mang tính biểu tượng trước cuộc bầu cử vào năm 2024. Tổng thống Putin được cho là sẽ tuyên bố tái tranh cử vào tháng 12. Nếu tái đắc cử, ông sẽ lãnh đạo nước Nga thêm 6 năm nữa.

Theo các chuyên gia, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024 cũng có thể tác động đến tình hình xung đột Nga – Ukraine. Họ cho rằng nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine sẽ bị ảnh hưởng. Ông Trump phản đối việc viện trợ lớn cho Ukraine và từng tuyên bố chỉ mất 24 giờ để chấm dứt xung đột ở Ukraine nếu tái đắc cử.

Mai Trang/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vien-canh-dam-phan-hoa-binh-nga-ukraine-trong-mua-dong-day-thach-thuc-post1062810.vov