Viễn cảnh tranh chấp có thể diễn ra sau Ngày bầu cử Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này đã từ chối trả lời câu hỏi liệu ông có chấp nhận kết quả cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới hay không.
Nhà lãnh đạo Mỹ nhắc lại đánh giá rằng phiếu bầu có thể bị ảnh hưởng bởi hình thức bỏ phiếu qua thư và nguy cơ tranh cãi liên quan đến sự kiện này có thể phải mất nhiều tuần, nhiều tháng để giải quyết. Hãng thông tấn Reuters (Anh) đã đưa ra một số viễn cảnh về sự cố liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới có thể gây tranh cãi trong thời gian dài.
Bỏ phiếu qua thư được coi sẽ gây trì hoãn kết quả kiểm phiếu. Tại nhiều bang, thư đựng phiếu bầu có thể đến sau Ngày Bầu cử và các quan chức phải mở thư bằng tay đồng thời xác nhận chữ ký. Năm nay một số cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra với hình thức bỏ phiếu bầu qua thư bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc cho phép áp dụng hình thức bỏ phiếu này trong cuộc tổng tuyển cử ngày 3/11 tới vẫn là điều gây tranh cãi lớn.
Thành viên đội vận động tranh cử của cựu Phó Tổng thống Joe Biden nói rằng họ đã chuẩn bị cho “viễn cảnh ác mộng”, trong đó ông chủ Nhà Trắng Trump tuyên bố chiến thắng dựa trên phiếu tại các bang chiến địa vào ngày 3/11. Nhưng đến những ngày sau khi phiếu bầu qua thư từ những khu vực thành thị đông người được kiểm, lợi thế của nhà lãnh đạo Mỹ có thể biến mất.
Các tiểu bang có luật khác biệt về bỏ phiếu bầu qua thư và bỏ phiếu vắng mặt liên quan đến chữ ký, dấu bưu điện, hạn nộp. Bất cứ yếu tố nào cũng có thể khiến đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tranh cãi rằng lá phiếu có hợp lệ hay không. Có nhiều lo ngại về việc chuyển phiếu bầu qua thư đúng thời điểm bởi các thành viên tổ bầu cử và nhân viên bưu điện đều có nguy cơ bị quá tải.
Các chuyên gia còn lo ngại về khả năng xảy ra tranh cãi Đại cử tri đoàn. Tổng thống Mỹ trên thực tế không được bầu bởi đa số phiếu phổ thông. Theo Hiến pháp, 538 Đại cử tri sẽ quyết định người thắng cuộc.
Giáo sư Lawrence Douglas tại Đại học Amherst (Mỹ) đã nhấn mạnh đến viễn cảnh 3 bang dao động là Michigan, Wisconsin và Pennsylvania có kết quả sát nút khiến cả 2 đảng tự nhận phần thắng.
Theo Đạo luật Kiểm phiếu, Quốc hội chịu trách nhiệm xử lý tranh cãi liên quan tới các phiếu Đại cử tri. Nhưng trong trường hợp Thượng viện vẫn nằm trong tay đảng Cộng hòa, còn Dân chủ kiểm soát Hạ viện thì sẽ khó tìm ra giải pháp.