Viện kiểm sát rút kinh nghiệm bản án hành chính sơ thẩm có vi phạm bị sửa án

VKSND cấp cao tại Hà Nội (Viện cấp cao 1) thấy Tòa án cấp sơ thẩm có sai lầm trong đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật, do đó Viện cấp cao 1 vừa ban hành Thông báo số 46/TB-VC1-HC ngày 23/5/2024 rút kinh nghiệm đối với bản án hành chính sơ thẩm có vi phạm bị sửa án.

Nội dung vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”, giữa người khởi kiện là chị Nguyễn Thị Hồng V với người bị kiện là UBND huyện B, tỉnh L, VKSND cấp cao tại Hà Nội (Viện cấp cao 1) thấy Tòa án cấp sơ thẩm có sai lầm trong đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật, do đó Viện cấp cao 1 vừa ban hành Thông báo số 46/TB-VC1-HC ngày 23/5/2024 rút kinh nghiệm trong kiểm sát giải quyết vụ án này.

Nội dung và quá trình giải quyết vụ án thể hiện, năm 2001, chị V kết hôn với anh Đ.T.G và được bố đẻ anh G cho diện tích đất 180m² tại xã H, huyện B, tỉnh L (gồm đất thổ cư và đất vườn), trên đất đã có 1 ngôi nhà gỗ 5 gian và công trình phụ (diện tích 80m²). Vợ chồng chị V trực tiếp quản lý, sử dụng ổn định, liên tục nhà, đất từ khi được tặng cho đến năm 2005 thì đăng ký kê khai quyền quản lý, sử dụng thửa đất tại UBND xã H (diện tích đăng ký là 597,6m² đất các loại).

Năm 2014, chị V và anh G thuận tình ly hôn. Ngày 8/9/2015, chị V và anh G lập văn bản tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng sau ly hôn (có xác nhận, chứng thực của UBND xã H), nội dung: Chị V được quản lý, sử dụng nhà cấp 4 hiên tây, công trình bếp, đồ dùng trong nhà, nhà vệ sinh và cây cối trên thửa đất số 45, tờ bản đồ số 133, diện tích 100m². Anh G được quản lý, sử dụng nhà gỗ 5 gian, công trình vệ sinh trên thửa đất số 48, tờ bản đồ số 133, diện tích 80m². Sau khi phân chia tài sản, chị V và anh G đều sử dụng nhà, đất đã chia theo đúng thỏa thuận, không phát sinh tranh chấp và đã tách khẩu thành 2 hộ gia đình.

Năm 2019, thực hiện Dự án các hạng mục phụ trợ đền B.H, huyện B, tỉnh L, UBND huyện B ban hành Quyết định thu hồi đất số 2579/QĐ-UBND ngày 4/11/2019 thu hồi toàn bộ diện tích 597,6m² đối với chủ sử dụng đất là anh G (gồm thửa số 45 và thửa số 48 thuộc tờ bản đồ số 133, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo đó, anh G được bồi thường, hỗ trợ toàn bộ số tiền về đất (trong đó có diện tích 100m² đất thuộc thửa số 45 thuộc tờ bản đồ số 133 do chị V đang quản lý, sử dụng) và được phê duyệt cấp 1 suất đất ở tái định cư. Chị V được phê duyệt bồi thường giá trị tài sản, hoa màu, nhà và vật kiến trúc xây dựng trên thửa đất 100m² và được giao 1 suất đất tái định cư có thu tiền sử dụng đất.

Không nhất trí với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất của UBND huyện B, chị V nhiều lần gửi đơn đến UBND huyện B đề nghị xem xét lại việc cấp đất tái định cư. Ngày 9/8/2022, chị V nhận được văn bản số 75/UBND-TTPTQĐ của UBND huyện B có nội dung trả lời: Chị V không được cấp đất ở tái định cư mà chỉ được xem xét giao 1 suất đất có thu tiền sử dụng đất. Không đồng ý với văn bản trả lời trên, chị V có đơn khởi kiện đến TAND tỉnh L.

 Quang cảnh phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án hành chính. (Ảnh minh họa)

Quang cảnh phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án hành chính. (Ảnh minh họa)

Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 10/2023/HCST ngày 8/6/2023 của TAND tỉnh L, quyết định: Bác yêu yêu cầu khởi kiện của chị V về việc hủy Quyết định số 2579/QĐ-UBND ngày 4/11/2019 của UBND huyện B về việc thu hồi đất của hộ anh G; buộc UBND huyện B thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thống kê bồi thường, chi trả chính sách hỗ trợ và cấp tái định cư cho chị V theo đúng quy định của pháp luật.

Sau xét xử sơ thẩm, Viện trưởng VKSND tỉnh L ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội sửa Bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị V; anh G (là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Bản án hành chính phúc thẩm số 827/2023/HC-PT ngày 20/11/2023 của TAND cấp cao tại Hà Nội, quyết định: Chấp nhận kháng cáo của chị V và anh G; chấp nhận một phần kháng nghị số 07/QĐ-VKS-HC ngày 22/6/2023 của VKSND tỉnh L; sửa Bản án hành chính sơ thẩm số 10/2023/HC- ST ngày 08/6/2023 của TAND tỉnh L.

Cụ thể: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị V về việc hủy Quyết định số 2579/QĐ-UBND ngày 4/11/2019 của UBND huyện B; buộc UBND huyện B thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thống kê bồi thường, chi trả chính sách hỗ trợ và xem xét cấp tái định cư cho chị V theo đúng quy định của pháp luật.

Tòa sơ thẩm vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật

Trong vụ án trên, theo Viện cấp cao 1 có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm. Trước hết, Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ nên xác định đối tượng bị thu hồi đất không đúng.

Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ của TAND tỉnh L, đã xác định diện tích thửa đất của anh G bị thu hồi tại Quyết định số 2579/QĐ-UBND ngày 04/11/2019 của UBND huyện B có tổng diện tích là 597,6m² các loại, trong đó có 2 thửa được công nhận là đất ở, gồm thửa số 48 (do anh G quản lý, sử dụng) và thửa số 45 (do chị V quản lý, sử dụng).

Xét thấy, tại thời điểm thu hồi đất, 2 thửa đất (thửa số 45 và thửa số 48) được UBND huyện B công nhận là đất ở và đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ cho chị V (đối với thửa số 45) và anh G (đối với thửa số 48) theo quy định của pháp luật. Nguồn gốc 2 thửa đất nêu trên là do bố đẻ anh G tặng cho.

Tại thời điểm đo đạc và lập bản đồ địa chính năm 2005, chị V và anh G đang là vợ chồng nên 2 thửa đất này là tài sản chung vợ chồng. Năm 2015, chị V và anh G lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản sau khi ly hôn có chứng thực của Chủ tịch UBND xã là hoàn toàn tự nguyện và không trái quy định của pháp luật (Điều 59 Luật hôn nhân gia đình) nên có giá trị pháp lý. Sau đó, chị V và anh G trực tiếp quản lý, sử dụng ổn định các thửa đất để ở theo ranh giới đã được phân chia đến khi bị thu hồi đất, không có tranh chấp, không bị xử phạt vi phạm hành chính, đã tách hộ khẩu riêng. Thực tế, khi thu hồi đất, anh G cũng chỉ kê khai quyền sử dụng đất đối với thửa số 48.

Như vậy, tại thời điểm UBND huyện B thu hồi đất, chị V là chủ sử dụng đối với thửa đất số 45. Vì vậy, UBND huyện B ban hành Quyết định số 2579/QĐ-UBND ngày 4/11/2019 thu hồi toàn bộ 2 thửa đất (thửa số 45 và thửa số 48) đối với anh G là không đúng quy định của pháp luật đất đai (không đúng chủ sử dụng đất). Việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định thỏa thuận phân chia tài sản giữa anh G và chị V chưa có hiệu lực pháp luật (lý do chưa được cấp GCNQSDĐ), từ đó bác yêu cầu khởi kiện của chị V về việc hủy Quyết định thu hồi đất 2579 là đánh giá chứng cứ phiến diện, vi phạm Điều 95 Luật Tố tụng hành chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị V.

Về yêu cầu khởi kiện buộc UBND huyện B thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thống kê, bồi thường, chi trả chính sách hỗ trợ và cấp tái định cư cho chị V, theo Viện cấp cao 1, trong vụ án này, chị V bị thu hồi toàn bộ quyền sử dụng đất ở tại thửa số 45 và phải di chuyển chỗ ở nhưng không có nơi ở nào khác trên địa bàn. Vì vậy, UBND huyện B phải căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 69, Điều 74 Luật Đất đai năm 2013; điểm a, khoản 1 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ để xem xét phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho chị V. Tuy nhiên, do có vi phạm trong việc ban hành quyết định thu hồi đất (như đã phân tích ở trên) nên UBND huyện B chỉ phê duyệt phương án giao 1 suất tái định cư có thu tiền sử dụng đất cho chị V là không đúng.

Khi chị V khởi kiện, Tòa án cấp sơ thẩm có sai lầm trong đánh giá chứng cứ nên quyết định bác yêu cầu khởi kiện này của chị V cũng là không chính xác. TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định sửa Bản án sơ thẩm, buộc UBND huyện B phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ thống kê, bồi thường, chi trả chính sách hỗ trợ và xem xét cấp tái định cư cho chị V theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo Viện cấp cao 1, do Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật nên TAND cấp cao tại Hà Nội đã sửa toàn bộ Bản án sơ thẩm để khắc phục các vi phạm như đã nêu ở trên. Trong vụ án này, VKSND tỉnh L đã thực hiện tốt công tác kiểm sát bản án, kịp thời phát hiện vi phạm nghiêm trọng trong Bản án sơ thẩm để kháng nghị phúc thẩm, được TAND cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng nghị

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/vien-kiem-sat-rut-kinh-nghiem-ban-an-hanh-chinh-so-tham-co-vi-pham-bi-sua-an-158967.html