Viện trợ quân sự Mỹ - Phao cứu sinh của Ukraine

Mỹ viện trợ quân sự 1,5 tỷ USD cho Ukraine từ năm 2014 tới tháng 6/2019. Khoản viện trợ là tâm điểm trong bê bối luận tội Tổng thống Mỹ chính là phao cứu sinh với Ukraine.

Tổng thống Trump bị cáo buộc trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Trump bị cáo buộc trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Politico, Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cáo buộc trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine để gây sức ép với Tổng thống Ukraine, muốn Kiev điều tra con trai của cựu Phó Tổng thống Joe Biden – người có khả năng là đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Cáo buộc này đã trở thành lý do để Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump.

Khoản viện trợ quân sự có ý nghĩa rất quan trọng với Ukraine. Nhờ khoản tiền này trong những năm qua mà Ukraine có thể cải tổ quân đội từ một lực lượng bệ rạc thành lực lượng chuyên nghiệp, trang bị tốt hơn. Khoản viện trợ này tạm thời bị Tổng thống Trump trì hoãn đã gây bất lợi lớn cho Ukraine.

Ông Ash Carter, Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 2015-2017, nhận định: “Ukraine sẽ không đi tới đâu nếu thiếu hỗ trợ từ Mỹ. Chúng ta huấn luyện lực lượng quân sự, Vệ binh Quốc gia cho họ, tăng cường tính chuyên nghiệp và giảm tham nhũng trong Bộ Quốc phòng. Tất cả đều quan trọng”.

Bà Mariya Omelicheva, Giáo sư chiến lược an ninh quốc gia tại Đại học Quốc phòng thuộc Lầu Năm góc, cho biết trước khi có làn sóng viện trợ, quân đội Ukraine ở trong tình trạng rất tồi tệ. Viện trợ đã tạo ảnh hưởng cụ thể, có thể đo đếm. Sự giúp đỡ này đã cũng có tác động tâm lý.

Trong khi vụ bê bối đang bủa vây chính trường Mỹ, các ủy ban giám sát hạ viện đề nghị Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng cung cấp thêm dữ liệu về thời điểm và tình huống dẫn tới quyết định cắt viện trợ quân sự cho Ukraine. Các ủy ban cũng đề nghị gửi tài liệu tới Đồi Capitol vào ngày 1/10.

Chương trình viện trợ của Mỹ cho Ukraine trong những năm gần đây chủ yếu nghiêng về an ninh. Trước đó, Mỹ viện trợ phát triển kinh tế và chống tham nhũng cho Ukraine sau khi nước này tách khỏi Liên Xô.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP

Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine năm 2014, ngay sau sự kiện lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Phần lớn viện trợ dùng để mua các vũ khí như súng trường bắn tỉa, bệ phóng súng phóng lựu phản lực, hệ thống liên lạc, kiểm soát và chỉ huy, kính nhìn đêm, thiết bị y tế, và phục vụ công tác hỗ trợ hậu cần, huấn luyện…

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặc biệt quan tâm tới mua tên lửa chống tăng Javelin. Đây là một chủ đề mà ông đề cập trong cuộc điện đàm ngày 25/7 với Tổng thống Trump.

Cuộc điện đàm diễn ra một tuần sau khi Tổng thống Trump ra lệnh quyền Chánh văn phòng Mick Mulvaney chỉ thị cho Văn phòng Quản lý và Ngân sách ngừng khoản tiền viện trợ quân sự còn lại cho Ukraine. Khoản tiền này đã được Quốc hội phân bổ cho năm nay trong ngân sách của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm góc. Chính quyền Mỹ đã giải ngân khoản viện trợ đầu tháng này sau khi Quốc hội yêu cầu.

Trước khi xảy ra vụ bê bối hiện nay, Mỹ đã vướng vào cuộc tranh cãi về việc nên giúp bao nhiêu cho quân đội Ukraine đối phó với Nga. Ông Samuel Charap, cựu cố vấn cấp cao phụ trách vấn đề Nga và Á Âu thuộc Bộ Ngoại giao, nhận định: “Việc này không liên quan tới tên lửa Javelin hay vấn đề cái gì hiệu quả và quan trọng nhất trong giúp đỡ Ukraine”.

Binh sĩ Mỹ sử dụng hệ thống Javelin trong tập trận năm 2016. Ảnh: Lục quân Mỹ

Binh sĩ Mỹ sử dụng hệ thống Javelin trong tập trận năm 2016. Ảnh: Lục quân Mỹ

Chính quyền thời Tổng thống Barack Obama đã đau đầu với vấn đề này nhưng không bao giờ đồng ý bán Javelin vì sợ leo thang xung đột với Nga. Ông Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 2013 tới 2015, nói: “Mục đích là làm mọi thứ có thể trong phạm vi một cách thông minh để tránh gây xung đột với Nga”.

Tên lửa Javelin đã trở thành cuộc tranh cãi trong đảng Cộng hòa năm 2016 sau khi ứng cử viên Trump khi đó đã giảm nhẹ giọng điệu chống Nga và đảm bảo Mỹ sẽ không cung cấp vũ khí phòng thủ sát thương cho Ukraine.

Tuy nhiên, khi ông Trump trở thành tổng thống, Chính phủ Ukraine và đồng minh trong Quốc hội Mỹ đã tiếp tục thúc đẩy đề nghị bán Javelin. Cuối cùng, năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp nhận bán 210 tên lửa Javelin cho Ukraine cùng với bệ phóng và gói đào tạo sử dụng với giá 47 triệu USD.

Thiếu tướng Lục quân Mỹ John Gronski cho biết Ukraine rất coi trọng tên lửa Javelin vì nó giúp bình ổn khủng hoảng trong quân đội Ukraine, giúp ngăn phe ly khai mang thiết giáp vào khu vực. Trong khi đó, theo ông Carter, tên lửa Javelin có ý nghĩa chính trị hơn là ý nghĩa quân sự. Tuy nhiên, khoản viện trợ quân sự ít tranh cãi hơn và dự kiến sẽ tới Ukraine trong năm nay mới là phao cứu sinh cho quân đội Ukraine.

Video binh sĩ Mỹ sử dụng Javelin trong tập trận (nguồn: AiirSource Military):

Lầu Năm góc cho rằng khoản tiền này sẽ giúp cải tổ quân đội và ngành vũ khí Ukraine vốn khét tiếng tham nhũng. Ông John Rood, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, trình bày với các ủy ban giám sát: “Mỹ đã giúp đỡ Ukraine hiệu quả trong thúc đẩy cải cách hiến pháp thông qua một số động thái quan trọng, giúp doanh nghiệp quốc phòng Ukraine tiến gần hơn các nguyên tắc, tiêu chuẩn của NATO”. Ông Rood cho biết quân đội Ukraine đã thực hiện nhiều hành động quan trọng để đối phó tham nhũng, tăng cường trách nhiệm và duy trì năng lực chiến đấu nhờ viện trợ Mỹ.

Hiệu quả được thể hiện sau các đợt huấn luyện quân sự diễn ra tại trung tâm huấn luyện Yavoriv ở Ukraine với sự tài trợ của Mỹ. Ban đầu, binh sĩ các nước huấn luyện các lực lượng Ukraine với quy mô tăng dần. Sau đó, các binh sĩ Ukraine dạn dày kinh nghiệm chinh chiến đã tự mình huấn luyện và Mỹ chỉ đóng vai trò quan sát viên.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/quan-su/vien-tro-quan-su-my-phao-cuu-sinh-cua-ukraine-20191002085459047.htm