Viện trợ y tế giữa 'ngã ba đường' của ngoại giao, chiến lược phát triển và công bằng
Viện trợ y tế nằm ở giao điểm của ngoại giao, nhân đạo và hoạch định chính sách chiến lược.
Đó là nhận định của ông Darryl Scarborough (*) trong bài viết Health Aid and Global Influence: Balancing Diplomacy, Development, and Equity (tạm dịch: Hỗ trợ y tế và ảnh hưởng toàn cầu: Cân bằng ngoại giao, phát triển và công bằng) đăng tải trên Modern Diplomacy ngày 6/2 vừa qua.
Theo ông Scarborough, viện trợ y tế không chỉ nhằm giải quyết những thách thức y tế công cộng cấp bách, mà còn là công cụ để các quốc gia tài trợ mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch với đầy rẫy bất bình đẳng và cơ sở hạ tầng y tế mong manh, nhu cầu về một cơ chế viện trợ y tế hiệu quả, công bằng lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Có thể nói, viện trợ y tế vừa là nhu cầu nhân đạo vừa là công cụ chính trị, đòi hỏi sự phân tích sâu sắc về động cơ, tác động và hệ quả dài hạn.
Bài viết của ông Darryl Scarborough trên Modern Diplomacy xem xét cách tiếp cận viện trợ y tế ở từng khu vực, sự tham gia của chủ thể nhà nước và phi nhà nước, cũng như vai trò của những khuôn khổ bền vững, ưu tiên công bằng y tế hơn là cạnh tranh giữa những nhà tài trợ.
Hiểu rõ sự tương tác phức tạp giữa quyền lực và chính sách trong viện trợ y tế toàn cầu sẽ giúp địa phương xây dựng các sáng kiến y tế hiệu quả hơn, trao quyền cho cộng đồng và củng cố hệ thống y tế trên toàn thế giới.
Washington và chương trình tại Kenya
Vào năm 2003, Tổng thống Mỹ thời điểm đó là George W. Bush đã triển khai Kế hoạch cứu trợ AIDS khẩn cấp (PEPFAR) nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng HIV/AIDS toàn cầu. Đây cũng chính là một ví dụ điển hình về tính chiến lược của viện trợ y tế.
Theo ông Scarborough, chương trình này đã cung cấp phác đồ điều trị HIV/AIDS cứu sống hàng triệu người, củng cố cơ sở hạ tầng y tế và tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Mỹ-Kenya.
Tuy nhiên, các nhà phê bình lại cho rằng, cách tiếp cận theo chiều dọc của PEPFAR ưu tiên tính hình ảnh và kết quả đo lường hơn là tích hợp vào hệ thống y tế tổng thể, khiến nhiều nhu cầu y tế quan trọng khác thiếu hụt tài trợ.
![Các bé gái tại Trung tâm Cộng đồng St. John ở Nairobi, Kenya, tham dự một sự kiện do PEPFAR hỗ trợ. (Nguồn: PEPFAR)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_194_51461128/546d32770539ec67b528.jpg)
Các bé gái tại Trung tâm Cộng đồng St. John ở Nairobi, Kenya, tham dự một sự kiện do PEPFAR hỗ trợ. (Nguồn: PEPFAR)
Bên cạnh đó, ông Scarborough nhận định, PEPFAR chú trọng vào các can thiệp khẩn cấp đối với HIV/AIDS song điều này cũng đặt ra bài toán lớn hơn: Làm thế nào để cân bằng giữa chương trình điều trị bệnh cụ thể với xây dựng một hệ thống y tế bền vững?
Việc phụ thuộc vào nguồn tài trợ nước ngoài cũng làm dấy lên lo ngại về tính lâu dài của chương trình, bởi nếu các nhà tài trợ thay đổi ưu tiên, những thành tựu đạt được có thể bị đe dọa.
Nếu không tích hợp chặt chẽ hơn vào hệ thống y tế địa phương, những tiến bộ trong điều trị HIV/AIDS có thể bị ảnh hưởng dễ dàng trước biến động tài trợ và các điều chỉnh trong chiến lược địa chính trị.
Dấu ấn của Bắc Kinh tại Ethiopia
Trái ngược với cách tiếp cận của Mỹ, Trung Quốc đã triển khai các dự án y tế tại Ethiopia trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) bằng cách xây dựng nhiều bệnh viện và đào tạo nhân lực y tế.
Ông Scarborough cho rằng, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng này không chỉ nâng cao hình ảnh và quan hệ ngoại giao của Bắc Kinh mà còn giúp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng trong tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy nhiên, các dự án này thường thiếu một hệ thống hỗ trợ cần thiết nhằm đảm bảo tính bền vững lâu dài.
Sự khác biệt giữa PEPFAR và mô hình của Trung Quốc cũng phản ánh ưu tiên khác nhau của các nhà tài trợ. Trong khi Washington tập trung vào các can thiệp y tế khẩn cấp và có mục tiêu cụ thể, Bắc Kinh lại đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng y tế dài hạn.
Ngoài ra, thành công của các bệnh viện do Trung Quốc xây dựng không chỉ nằm ở hạ tầng mà còn phụ thuộc vào việc đầu tư đồng bộ vào đào tạo nhân lực và đảm bảo nguồn tài chính để vận hành. Nếu không có những yếu tố này, các dự án có nguy cơ trở thành biểu tượng đầu tư nước ngoài hơn là giải pháp y tế bền vững.
![Trung Quốc đã triển khai các dự án y tế tại Ethiopia trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) bằng cách xây dựng nhiều bệnh viện và đào tạo nhân lực y tế. (Nguồn: Tân Hoa Xã)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_194_51461128/569f38850fcbe695bfda.jpg)
Trung Quốc đã triển khai các dự án y tế tại Ethiopia trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) bằng cách xây dựng nhiều bệnh viện và đào tạo nhân lực y tế. (Nguồn: Tân Hoa Xã)
Tác động trong khu vực
Ông Scarborough nhấn mạnh, việc phân bổ viện trợ y tế cũng cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các khu vực.
Tại khu vực cận Sahara, đặc biệt là Đông Phi - nơi có khoảng 64% người nhiễm HIV trên thế giới, số ca nhiễm mới đã giảm đáng kể trong 30 năm qua. Tuy nhiên, dù đã đạt nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ, nơi đây vẫn phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng: Tỷ lệ tử vong mẹ (maternal mortality) cao.
Năm 2020, khu vực cận này chiếm tới 69% tổng số ca tử vong mẹ trên toàn cầu, cho thấy nhiều vấn đề y tế khác vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trong khi đó, tại vùng Balkan, nhiều chương trình của Liên minh châu Âu cũng đang tiếp tục hỗ trợ cải thiện hệ thống y tế song tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị kéo dài vẫn cản trở các cải cách toàn diện về quản trị y tế.
Ông Scarborough chỉ rõ, hiệu quả của viện trợ y tế gắn liền với cấu trúc quản trị và sự ổn định chính trị.
Tại Đông Phi, bên cạnh các chương trình phòng chống bệnh truyền nhiễm, cần phải ưu tiên đầu tư vào sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tương tự, các mô hình viện trợ y tế bền vững tại những khu vực bất ổn chính trị cần phải phù hợp với ưu tiên địa phương và tập trung xây dựng năng lực dài hạn.
Sự cạnh tranh giữa các nhà tài trợ
Cũng theo vị chuyên gia, những quốc gia tiếp nhận viện trợ ngày càng phải linh hoạt trước nhiều ưu tiên khác nhau nhằm tối đa hóa lợi ích của các nhà tài trợ.
![Viện trợ y tế không chỉ nhằm giải quyết những thách thức y tế công cộng cấp bách, mà còn là công cụ để các quốc gia tài trợ mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của mình. (Nguồn: Stanford Medicines)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_194_51461128/9254e54ed2003b5e6211.jpg)
Viện trợ y tế không chỉ nhằm giải quyết những thách thức y tế công cộng cấp bách, mà còn là công cụ để các quốc gia tài trợ mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của mình. (Nguồn: Stanford Medicines)
Chẳng hạn, Uganda hợp tác chiến lược với cả Mỹ và Trung Quốc, tận dụng nguồn lực từ Washington cho điều trị HIV/AIDS và từ Bắc Kinh cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Sự cân bằng này minh chứng cho vai trò ngày càng chủ động của các nước tiếp nhận trong việc định hình cách phân bổ viện trợ.
Bên cạnh đó, để quản lý hiệu quả những chương trình viện trợ đa dạng, các quốc gia cần có thể chế trong nước vững mạnh, có khả năng điều phối dòng viện trợ, đảm bảo phù hợp với ưu tiên quốc gia.
Tuy nhiên, động thái này cũng tiềm ẩn rủi ro: Sự cạnh tranh giữa các nhà tài trợ có thể dẫn đến phụ thuộc chính trị và chiến lược y tế manh mún.
Do đó, các nước tiếp nhận cần xây dựng thể chế vững chắc nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn tài trợ bên ngoài, đồng thời đàm phán viện trợ một cách có chiến lược.
Động cơ chính trị
Ông Scarborough khẳng định, viện trợ y tế thường phản ánh các chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn.
Trong Chiến tranh Lạnh, viện trợ y tế của Mỹ đóng vai trò như một công cụ đối phó với ảnh hưởng của Liên Xô thông qua ngoại giao quyền lực mềm.
Còn ngày nay, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào y tế toàn cầu lại phù hợp với mục tiêu mở rộng ảnh hưởng tại những nước thuộc khu vực Nam Bán cầu.
Vì vậy, những động cơ này cho thấy viện trợ y tế hiếm khi là một hoạt động trung lập.
Khi các quốc gia tài trợ sử dụng viện trợ y tế để củng cố vị thế địa chính trị của mình, nước tiếp nhận cần cân bằng những ảnh hưởng từ bên ngoài trong khi vẫn phải ưu tiên nhu cầu y tế trong nước.
Giờ đây, thách thức cốt lõi chính là đảm bảo viện trợ y tế thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương thay vì trở thành công cụ kiểm soát từ bên ngoài.
![Cuba triển khai các đoàn bác sĩ đến Mỹ Latinh, không chỉ nhằm cung cấp dịch vụ y tế thiết yếu mà còn mở rộng ảnh hưởng tư tưởng của đất nước mình. (Nguồn: Peoples Dispatch)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_194_51461128/8ce2f3f8c4b62de874a7.jpg)
Cuba triển khai các đoàn bác sĩ đến Mỹ Latinh, không chỉ nhằm cung cấp dịch vụ y tế thiết yếu mà còn mở rộng ảnh hưởng tư tưởng của đất nước mình. (Nguồn: Peoples Dispatch)
Bên cạnh đó, viện trợ y tế còn gắn liền với mục tiêu chính trị của các quốc gia. Tiêu biểu, tại Đông Nam Á, chính sách ngoại giao y tế của Nhật Bản tập trung vào công tác chuẩn bị ứng phó thảm họa, nhằm đối phó với tình trạng thiên tai thường xuyên xảy ra trong khu vực. Trong khi đó, Cuba triển khai các đoàn bác sĩ đến Mỹ Latin, không chỉ nhằm cung cấp dịch vụ y tế thiết yếu mà còn mở rộng ảnh hưởng tư tưởng của đất nước mình.
Có thể nói, hai mô hình viện trợ khác biệt này phản ánh cách các chiến lược y tế vừa thể hiện cam kết nhân đạo vừa phục vụ mục tiêu ngoại giao quốc gia.
Việc Nhật Bản chú trọng xây dựng khả năng chống chịu cho thấy tầm quan trọng của các biện pháp y tế dự phòng, trong khi hoạt động xuất khẩu chuyên gia y tế của Cuba lại nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực trong ngoại giao y tế.
Cả hai cách tiếp cận đều thể hiện sự giao thoa giữa ưu tiên y tế toàn cầu và chiến lược chính trị, khẳng định tiềm năng của viện trợ y tế như một cầu nối nhân đạo - ngoại giao.
Chủ thể phi quốc gia
Các chủ thể phi quốc gia (non-state actors), bao gồm tổ chức phi chính phủ (NGO), quỹ từ thiện và tập đoàn đa quốc gia, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong định hình viện trợ y tế toàn cầu.
Chẳng hạn, Gates Foundation (quỹ từ thiện tư nhân thành lập năm 2000 bởi người đồng sáng lập Microsoft Bill Gates và vợ, nữ doanh nhân Melinda Gates) đã có những đóng góp đáng kể vào các nỗ lực xóa sổ bệnh sốt rét trên toàn cầu, bổ trợ cho nhiều sáng kiến do nhà nước điều hành.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào các chủ thể phi quốc gia cũng đặt ra những thách thức, đặc biệt khi các chương trình của họ không được lồng ghép hiệu quả vào chiến lược y tế quốc gia.
Ngoài ra, ảnh hưởng ngày càng lớn của các tổ chức tư nhân đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn với các sáng kiến y tế do chính phủ điều hành. Khi các chủ thể phi quốc gia hoạt động theo đúng định hướng ưu tiên của quốc gia, những can thiệp y tế sẽ không chỉ phát huy hiệu quả mà còn góp phần củng cố, thay vì phân mảnh thống y tế hiện có.
Hơn hết, các mô hình viện trợ y tế bền vững cũng cần kết hợp nỗ lực từ cả nhà nước và phi nhà nước nhằm thúc đẩy khả năng chống chịu và tạo ra tác động dài hạn.
![Gates Foundation đã có những đóng góp đáng kể vào các nỗ lực xóa sổ bệnh sốt rét trên toàn cầu, bổ trợ cho nhiều sáng kiến do nhà nước điều hành. (Nguồn: The Independent)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_194_51461128/d8bea1a496ea7fb426fb.jpg)
Gates Foundation đã có những đóng góp đáng kể vào các nỗ lực xóa sổ bệnh sốt rét trên toàn cầu, bổ trợ cho nhiều sáng kiến do nhà nước điều hành. (Nguồn: The Independent)
Hướng tới viện trợ y tế bền vững
Để viện trợ y tế đạt hiệu quả và bền vững, các nhà tài trợ cần định hình chiến lược phù hợp với cơ cấu quản trị địa phương và ưu tiên xây dựng năng lực dài hạn.
Việc củng cố hệ thống y tế tuyến cơ sở và thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa các chủ thể nhà nước và phi nhà nước có thể nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống y tế, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
Theo ông Scarborough, viện trợ y tế bền vững cần có sự cân bằng giữa các giải pháp khẩn cấp trong ngắn hạn và đầu tư dài hạn vào năng lực y tế địa phương.
Các mô hình đổi mới, như hợp tác công - tư hay sáng kiến do cộng đồng dẫn dắt, đang mở ra những hướng đi đầy triển vọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.
Cách tiếp cận này không chỉ tận dụng hiệu quả nguồn lực và chuyên môn trong nước mà còn giúp viện trợ quốc tế gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển của từng quốc gia.
---
Tựu trung, viện trợ y tế vẫn luôn là một công cụ quan trọng của ngoại giao toàn cầu, vừa mang lại các giải pháp nhân đạo vừa phục vụ lợi ích chiến lược của từng quốc gia tài trợ. Tuy nhiên, kết quả không đồng đều của chương trình viện trợ giữa các khu vực khác nhau như Đông Phi, Balkan, Đông Nam Á, Mỹ Latin, càng cho thấy sự cần thiết của một chiến lược cân bằng giữa tính hiệu quả và công bằng.
Hơn hết, trong tương lai, viện trợ y tế cần vượt ra khỏi tham vọng địa chính trị để ưu tiên tính minh bạch, hợp tác và quyền chủ động của các quốc gia tiếp nhận. Khi các bên liên quan cùng chung tay xây dựng quan hệ đối tác bền chặt và trao quyền nhiều hơn cho địa phương, viện trợ y tế có thể trở thành một công cụ phát triển bền vững thay vì chỉ phản ánh lợi ích chính trị cạnh tranh.
(*) Ông Darryl Scarborough là một cựu chiến binh dày dặn kinh nghiệm và là chuyên gia phát triển quốc tế, với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực viện trợ nhân đạo và gìn giữ hòa bình, hoạt động trong cả lĩnh vực tư nhân và quốc phòng.