Viện trưởng IBPD Đinh Văn Hoàng: Cần chính sách đột phá giúp DN tư nhân nâng cao công nghệ

Ông Đinh Văn Hoàng – Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách (IBPD) - cho rằng Việt Nam cần kết hợp hài hòa các chính sách tài chính (ưu đãi thuế, trợ cấp), chính sách phát triển hệ sinh thái (vườn ươm, mạng lưới), chính sách nhân lực (đào tạo, thu hút chuyên gia) và cải cách thể chế.

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST), với vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN), thể hiện qua Nghị quyết 57-NQ/TW và 68-NQ/TW. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp (DN) tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), còn hạn chế, đồng thời tiềm năng tư vấn, chuyển giao công nghệ từ đội ngũ trí thức trẻ KHCN chưa được khai thác tối ưu.

Phóng viên Một Thế Giới vừa có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Hoàng - Viện trưởng IBPD - về những nội dung xoay quanh vấn đề này.

- Theo ông, các chính sách hiện hành hỗ trợ DN tư nhân đổi mới công nghệ tại Việt Nam đang phát huy hiệu quả đến đâu và bộc lộ những hạn chế nào?

- Chuyên gia Đinh Văn Hoàng: Việt Nam đang từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ DN tư nhân nâng cao năng lực công nghệ. Nhìn lại các nhóm chính sách chủ yếu, có thể thấy nhóm chính sách ưu đãi tài chính và thuế đã nhận được sự quan tâm tương đối sớm và liên tục được bổ sung. Đáng chú ý, chủ trương nâng tỷ lệ khấu trừ chi phí R&D lên đến 200% theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW là một tín hiệu chính sách mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm khuyến khích đầu tư vào R&D.

Mặc dù vậy, hiệu quả thực tế của nhóm chính sách này còn đối mặt với nhiều thách thức. Quy trình, thủ tục để DN, đặc biệt là DNNVV, có thể tiếp cận và thụ hưởng các ưu đãi này thường bị phản ánh là còn phức tạp, kéo dài, đòi hỏi nhiều điều kiện chứng minh. Mức độ hấp dẫn của các ưu đãi, ngay cả với tỷ lệ 200%, vẫn cần được đánh giá một cách cẩn trọng, trong bối cảnh chi phí và rủi ro của hoạt động R&D là rất cao, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.

Các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo còn hạn chế

Các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo còn hạn chế

Một điểm hạn chế mang tính hệ thống là các ưu đãi này chủ yếu tập trung vào hoạt động R&D nội bộ của DN, mà chưa có những thiết kế chính sách đặc thù, đủ mạnh để khuyến khích việc DN chủ động tìm kiếm, thuê hoặc hợp tác với các nguồn tri thức bên ngoài, cụ thể là các viện nghiên cứu, trường đại học và trực tiếp là đội ngũ trí thức trẻ KHCN trong hoạt động tư vấn và chuyển giao công nghệ.

Đối với nhóm chính sách phát triển hệ sinh thái ĐMST và vườn ươm, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng ghi nhận thông qua việc khuyến khích thành lập các khu công nghệ cao, vườn ươm công nghệ, trung tâm ĐMST và triển khai các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo như Đề án 844. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hệ sinh thái này còn ở giai đoạn sơ khai, thiếu chiều sâu và tính liên kết hữu cơ giữa các cấu phần.

Cơ chế thử nghiệm chính sách có kiểm soát (sandbox) - một công cụ quan trọng để tạo không gian an toàn cho các công nghệ và mô hình kinh doanh mới, đã được bước đầu áp dụng trong lĩnh vực Fintech và tiếp tục được nhấn mạnh trong các nghị quyết mới.

Mặc dù vậy, việc triển khai sandbox trên thực tế còn rất hạn chế; khung pháp lý điều chỉnh hoạt động sandbox còn chưa đầy đủ, thiếu sự linh hoạt cần thiết và các quy định về quản lý rủi ro, đánh giá tác động, và cơ chế "ra khỏi" sandbox (exit mechanism) còn chưa rõ ràng. Điều này làm giảm tính hấp dẫn của sandbox, chưa thực sự tạo động lực mạnh mẽ cho các DN, đặc biệt là các startup công nghệ và các nhà khoa học trẻ, dám thử nghiệm những ý tưởng đột phá.

Nhóm chính sách hỗ trợ nhân lực và kết nối viện - trường - DN luôn được đề cao, nhưng sự hợp tác giữa các viện/trường và DN thường vẫn mang tính hình thức, hiệu quả chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn thấp.

Một thiếu sót nghiêm trọng và cần được nhấn mạnh là sự thiếu vắng các chính sách chuyên biệt, trực tiếp và đủ sức hấp dẫn để huy động và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trẻ KHCN trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn và tham gia vào các dự án chuyển giao công nghệ cho DN tư nhân.

Các chính sách hiện có nếu đề cập đến thu hút nhân tài thường tập trung vào các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học có học hàm, học vị cao, mà chưa có cơ chế phù hợp để khai thác sức trẻ, sự năng động và khả năng cập nhật công nghệ mới của lực lượng trí thức kế cận.

- Ông có nhắc đến khoảng trống về vai trò của đội ngũ trí thức trẻ KHCN trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn và tham gia vào các dự án chuyển giao công nghệ cho DN tư nhân. Xin ông nói rõ hơn điều này?

- Chuyên gia Đinh Văn Hoàng: Trong bối cảnh nhiều DN tư nhân, đặc biệt là DNNVV, thiếu hụt nguồn lực R&D nội bộ và năng lực hấp thụ còn hạn chế, các dịch vụ tư vấn công nghệ (Technology Consulting) và hoạt động chuyển giao công nghệ (Technology Transfer) đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Ông Đinh Văn Hoàng – Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách (IBPD)

Ông Đinh Văn Hoàng – Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách (IBPD)

Tư vấn công nghệ giúp DN vượt qua các rào cản về thông tin và kiến thức, hỗ trợ họ trong việc xác định chính xác nhu cầu và thách thức công nghệ; tìm kiếm, đánh giá và lựa chọn công nghệ phù hợp từ các nguồn bên ngoài; xây dựng chiến lược công nghệ tích hợp với chiến lược kinh doanh; giải quyết các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình triển khai và vận hành công nghệ mới.

Trong bức tranh này, đội ngũ trí thức trẻ KHCN nổi lên với những vai trò đặc thù và tiềm năng lớn.

Do được đào tạo trong môi trường học thuật năng động và thường xuyên tiếp xúc với các xu hướng mới nhất, trí thức trẻ có lợi thế trong việc nắm bắt và làm chủ các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong các lĩnh vực như AI, khoa học dữ liệu, công nghệ sinh học, vật liệu mới, và các giải pháp chuyển đổi số.

Ngoài ra, thế hệ trẻ thường có tư duy cởi mở, linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc đa dạng, bao gồm cả bối cảnh đặc thù của các DNNVV vốn thường thiếu quy trình chuẩn hóa và nguồn lực hạn chế.

Trí thức trẻ còn có thể đóng vai trò là cầu nối hiệu quả giữa tư duy học thuật và thực tiễn sản xuất kinh doanh, giữa các thế hệ lãnh đạo và nhân viên trong DN, góp phần thúc đẩy văn hóa đổi mới từ bên trong. Do đó, việc xây dựng mối quan hệ hợp tác sớm với trí thức trẻ có thể tạo nền tảng cho các dự án R&D sâu rộng hơn trong tương lai, thậm chí thu hút họ trở thành nhân sự chủ chốt hoặc đối tác chiến lược của DN.

- Từ những phân tích về thực trạng và các khoảng trống chính sách còn tồn tại, theo ông, cần giải pháp chính sách đột phá nào để mang lại hiệu quả thực chất?

- Chuyên gia Đinh Văn Hoàng: Mục tiêu tổng thể là kiến tạo một môi trường thể chế và kinh tế thuận lợi, không chỉ kích thích DN tư nhân chủ động đầu tư, hấp thụ công nghệ mà còn đặc biệt chú trọng khai thác và phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ trí thức trẻ KHCN, như một nhân tố xúc tác và cầu nối tri thức quan trọng trong quá trình này.

Chuyên gia cho rằng cần kiến tạo một môi trường thể chế và kinh tế thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư KHCN

Chuyên gia cho rằng cần kiến tạo một môi trường thể chế và kinh tế thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư KHCN

Theo đó, cần có sự đột phá trong các cơ chế ưu đãi tài chính, hướng tới việc tăng cường mức độ hỗ trợ và đảm bảo tính linh hoạt, dễ tiếp cận. Để giải quyết căn bản rào cản về chi phí và rủi ro trong R&D và ĐMST, việc áp dụng cơ chế "siêu khấu trừ thuế R&D" cần được nghiên cứu nghiêm túc.

Thay vì dừng ở mức 200% như tinh thần Nghị quyết 68, có thể xem xét áp dụng tỷ lệ khấu trừ cao hơn, ví dụ 250% hoặc 300%, đối với các chi phí R&D thuộc lĩnh vực công nghệ ưu tiên quốc gia hoặc các dự án có tính đột phá cao.

Đặc biệt, cần thiết kế ưu đãi thuế bổ sung hoặc hệ số tính chi phí cao hơn cho các khoản chi mà DN tư nhân trực tiếp chi trả cho việc thuê dịch vụ tư vấn, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hoặc triển khai các dự án R&D hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và cá nhân nhà khoa học trẻ.

Song song đó, cơ chế hoàn thuế R&D (Refundable R&D Tax Credit) cần được áp dụng cho các DN chưa có lợi nhuận hoặc DNNVV, giúp họ tiếp cận được nguồn lực tài chính ngay lập tức thay vì phải chờ đến khi có lãi.

Tiếp theo, cần tập trung nguồn lực để phát triển một hệ sinh thái hỗ trợ ĐMST chuyên sâu, đặc biệt chú trọng vào việc tạo dựng các nền tảng kết nối hiệu quả giữa DNTN và nguồn lực tri thức trẻ.

Thay vì các vườn ươm dàn trải, chính sách cần khuyến khích và hỗ trợ (về thể chế, đất đai, hạ tầng, tài chính ban đầu) việc hình thành mạng lưới vườn ươm công nghệ chuyên biệt, gắn kết chặt chẽ với thế mạnh nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trong từng lĩnh vực ưu tiên.

Điểm khác biệt then chốt là các vườn ươm này cần được yêu cầu và hỗ trợ để triển khai các chương trình cố vấn (mentorship) và hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu, bắt buộc cho các DN tham gia, với sự đóng góp tích cực từ chính đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ của các đơn vị liên kết.

Để đưa trí thức trẻ trực tiếp vào DN, cần thí điểm chương trình "trí thức trẻ làm việc tại DN", tạo cơ chế tài trợ và pháp lý cho phép các nhà khoa học, kỹ sư trẻ có thể dành một phần thời gian đáng kể (biệt phái hoặc bán thời gian) để làm việc, tư vấn và triển khai các dự án công nghệ ngay tại các DN tư nhân có nhu cầu, tương tự mô hình T-UP của Singapore nhưng được điều chỉnh phù hợp.

Song song đó, cần thể chế hóa việc ghi nhận thành tích hợp tác với DN vào hệ thống đánh giá hiệu quả công tác của giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu công lập. Kết quả cụ thể từ hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ thành công phải trở thành một tiêu chí quan trọng, có trọng số xứng đáng trong việc xét duyệt chức danh khoa học, thi đua khen thưởng và các cơ hội phát triển sự nghiệp khác.

Ông Đinh Văn Hoàng cho rằng việc cải cách hành chính cần được thực hiện quyết liệt

Ông Đinh Văn Hoàng cho rằng việc cải cách hành chính cần được thực hiện quyết liệt

Tiếp theo, việc cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, nguồn lực cho DN phải được thực hiện một cách triệt để; quyết liệt triển khai cơ chế "một cửa liên thông" thực chất đối với tất cả các thủ tục liên quan đến việc xin hưởng ưu đãi, tài trợ cho hoạt động KHCN, ĐMST và chuyển giao công nghệ, giảm thiểu tối đa các giấy tờ, quy trình không cần thiết và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hóa, tăng tốc độ xử lý.

- Nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trong việc thúc đẩy ĐMST và nâng cao năng lực công nghệ của khu vực tư nhân, theo ông Việt Nam có thể tham khảo được bài học gì?

- Chuyên gia Đinh Văn Hoàng: Nhiều quốc gia đã phát triển các mô hình hiệu quả để DNNVV tiếp cận công nghệ. Ví dụ, Singapore với chương trình biệt phái chuyên gia (T-UP) của ASTAR giúp đưa năng lực R&D trực tiếp vào DNNVV.

Đức thành công với mô hình viện nghiên cứu ứng dụng Fraunhofer hoạt động theo hợp đồng với công nghiệp và chương trình ZIM hỗ trợ R&D linh hoạt cho DNNVV. Hàn Quốc tập trung vào các chương trình R&D quy mô lớn, có định hướng chiến lược, với sự tham gia tích cực của DNNVV; Đài Loan dựa vào vai trò của ITRI trong việc phát triển và chuyển giao công nghệ nền tảng cho ngành công nghiệp…

Cần kết hợp giữa nghiên cứu ứng dụng chất lượng cao và cơ chế chuyển giao, hỗ trợ trực tiếp, phù hợp với nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp

Cần kết hợp giữa nghiên cứu ứng dụng chất lượng cao và cơ chế chuyển giao, hỗ trợ trực tiếp, phù hợp với nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp

Điểm chung của các mô hình này là sự kết hợp giữa nghiên cứu ứng dụng chất lượng cao và cơ chế chuyển giao, hỗ trợ trực tiếp, phù hợp với nhu cầu và khả năng của DNNVV.

Để thúc đẩy liên kết viện/trường - DN, nhiều nước áp dụng các chính sách cụ thể như cho phép nhà khoa học nghỉ phép sabbaticals công nghiệp để làm việc tại DN; xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích minh bạch và hấp dẫn từ thương mại hóa sở hữu trí tuệ giữa nhà khoa học, viện/trường và DN; thành lập các quỹ tài trợ chuyên biệt cho các dự án R&D hợp tác, thường yêu cầu sự tham gia và đối ứng kinh phí từ phía DN.

Những chính sách này tạo động lực trực tiếp để các nhà khoa học, bao gồm cả trí thức trẻ, tích cực tham gia vào quá trình ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Bài học cho Việt Nam là cần kết hợp hài hòa các chính sách tài chính (ưu đãi thuế, trợ cấp), chính sách phát triển hệ sinh thái (vườn ươm, mạng lưới), chính sách nhân lực (đào tạo, thu hút chuyên gia), và cải cách thể chế.

Việt Nam cần đầu tư phát triển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng mạnh và các nền tảng kết nối hiệu quả để làm cầu nối giữa nguồn cung và cầu công nghệ. Các chương trình hỗ trợ cần có thiết kế riêng, thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận và có các cơ chế cụ thể, đủ mạnh để khuyến khích sự hợp tác sâu rộng và thực chất giữa viện/trường (và trí thức trẻ) với DN tư nhân, vượt ra ngoài các hoạt động mang tính hình thức.

- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Trí Lâm (thực hiện)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vien-truong-ibpd-dinh-van-hoang-can-chinh-sach-dot-pha-giup-dn-tu-nhan-nang-cao-cong-nghe-232915.html