Việt hóa gameshow quốc tế

Hầu hết các gameshow, chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam đều mua bản quyền của nước ngoài nên 'Việt hóa' là tất yếu. Tuy nhiên làm thế nào để vừa thu hút khán giả, vừa phù hợp với văn hóa trong nước, không tạo ra sự lai căng, kệch cỡm lại là việc không đơn giản.

Một hoạt động trong chương trình “2 ngày 1 đêm”. Ảnh: NSX.

Một hoạt động trong chương trình “2 ngày 1 đêm”. Ảnh: NSX.

Tạo sức hút

Không thể phủ nhận các gameshow, chương trình truyền hình thực tế đã trở thành “món ăn” quen thuộc với khán giả. Không chỉ đa dạng về nội dung từ ca múa nhạc, thời trang cho đến hẹn hò, trải nghiệm, ẩm thực… mà hầu hết còn được ưu ái phát sóng trên các khung giờ vàng. Thậm chí, trong thời điểm truyền thông đầy tính cạnh tranh như hiện nay, các chương trình còn nở rộ. Hầu hết các đài truyền hình đều xem đây là đặc sản thu hút khán giả, thậm chí nhiều kênh đang duy trì sản xuất và phát sóng 3 - 4 chương trình mỗi tuần.

Sau thành công của “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”, phiên bản “Anh trai vượt ngàn chông gai” cũng chính thức ra mắt công chúng với những kỳ vọng và cả sự hoài nghi. Tuy nhiên, tập đầu tiên phát sóng, chương trình đã tạo được hiệu ứng với công chúng, quy tụ 33 anh tài đều là những gương mặt đình đám tại nhiều lĩnh vực. Trong đó có NSND Tự Long, diễn viên Tiến Luật, ca sĩ Bằng Kiều, Tuấn Hưng, các rapper Binz, Đinh Tiến Đạt, Hà Lê…

Bên cạnh đó, sức hút của “Anh trai vượt ngàn chông gai” mang lại chính là việc đưa bản sắc văn hóa Việt Nam vào nội dung của chương trình, điểm cộng của chương trình là việc chọn các ca khúc chủ đề có sự gắn kết giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại…

Cũng là một chương trình mang đậm màu sắc văn hóa Việt, thậm chí tiếp sức trong việc quảng bá du lịch, “2 ngày 1 đêm” cũng đang tạo được dấu ấn sau 3 mùa. Thay vì các hoạt động chỉ diễn ra trong trường quay, “2 ngày 1 đêm” là hành trình khám phá các điểm đến của các nghệ sĩ. Bên cạnh yếu tố giải trí, chương trình cũng cung cấp nhiều thông tin bổ ích về đất nước, con người Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Nguyễn Phương Hòa, dựa trên những chất liệu văn hóa có sẵn, lợi thế từ đội ngũ sáng tạo trẻ, thông qua các gameshow giải trí nếu được khai thác một cách triệt để, sẽ có nhiều sản phẩm du lịch, văn hóa để phát triển nền kinh tế. Các chương trình truyền hình cũng là kênh truyền thông hiệu quả điểm đến cho những khán thính giả qua màn ảnh nhỏ, tạo động lực kích cầu du lịch.

Loại bỏ những “hạt sạn”

Tuy nhiên, vẫn còn đó những tình huống, chi tiết thiếu tinh tế, đôi khi là phản cảm. Việc phụ thuộc vào các đơn vị tài trợ khiến nội dung nhiều chương trình đang bị chèn quảng cáo một cách vô tội vạ. Thậm chí nhiều nghệ sĩ, người chơi được lồng ghép trong những tình huống để nói về sản phẩm với lời khen rập khuôn “có cánh” rất lộ liễu. Ngoài ra, việc vừa phải thu hút khán giả trong nước, lại vừa phải làm “mát lòng” ông chủ bản quyền khiến việc Việt hóa các chương trình truyền hình mua bản quyền không hề dễ dàng.

Ông Phan Văn Tú - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) nhận định, việc sản xuất lại các chương trình truyền hình nổi tiếng trên thế giới góp phần nâng cao khả năng thưởng thức của công chúng. Tuy nhiên, nếu không Việt hóa đúng cách, khai thác tốt những nét văn hóa đặc trưng của quốc gia thì sẽ dẫn tới câu chuyện lai căng trên sóng truyền hình. Bên cạnh đó, công tác kiểm duyệt trước khi lên sóng phải chặt chẽ, nhằm bảo đảm chất lượng của chương trình.

Nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất thời gian qua chính là các gameshow về hẹn hò. Trong đó có những phát ngôn gây sốc, những cách ứng xử trở mặt phũ phàng. PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, không phủ nhận một số gameshow có thể dàn dựng kịch bản để tăng lượng view và rating. Tuy nhiên ở một khía cạnh chủ quan khác, có một bộ phận các bạn trẻ hiện đang ở trong một nỗi sợ “mất cảm giác yêu”. Họ hoàn toàn không có cảm giác muốn yêu một ai đó và họ sợ họ bất thường, sợ họ bị lệch chuẩn và vô cảm. Vì vậy, họ muốn bước vào những chương trình để bắt buộc phải thể nghiệm để kiểm chứng xem thực sự mình có mất đi sự rung cảm hay chỉ là vì chưa tìm được những đối tác phù hợp.

Vì vậy, để có những chương trình truyền hình thực tế, các gameshow Việt hóa đạt chuẩn, nhiều ý kiến cho rằng cần cân bằng giữa yếu tố văn hóa và giải trí ở cả mặt nội dung và hình thức để thu hút sự quan tâm của công chúng. Bên cạnh đó, các chương trình gameshow Việt cũng phải tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong cuộc cạnh tranh này. Ngoài sự hấp dẫn, cuốn hút, mỗi chương trình cũng phải mang bản sắc riêng, chuyển tải được thông điệp mạnh mẽ trong bảo tồn và phát huy, gìn giữ văn hóa Việt.

Gameshow bản quyền nước ngoài thường thiên về thi thố tài năng, sử dụng nhiều chiêu trò để hút khán giả. Thành phần tham gia thường là các ngôi sao, người nổi tiếng. Trong khi gameshow thuần Việt bên cạnh tính giải trí lại thiên nhiều về yếu tố chia sẻ kiến thức, gắn kết cộng đồng và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/viet-hoa-gameshow-quoc-te-10286030.html