Việt Nam bắt đầu có sàn giao dịch khoa học và công nghệ

Sàn giao dịch khoa học và công nghệ được thành lập với mục tiêu thúc đẩy giao dịch công nghệ, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tối 30/6, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Lễ ra mắt Sàn giao dịch KH&CN Việt Nam và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Sàn giao dịch do Bộ KH&CN xây dựng, phát triển theo mô hình hợp tác công - tư. Nhà nước đầu tư hạ tầng, nền tảng trực tuyến, cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ, đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua bán công nghệ, đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong giao dịch.

Trong giai đoạn đầu, sàn cung cấp thông tin về 600 công nghệ chào bán dưới dạng thiết bị, máy móc, 50 nhu cầu tìm mua công nghệ và 150 chuyên gia tư vấn, môi giới. Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thể trưng bày và giới thiệu công nghệ qua các gian hàng trực tuyến. Ở giai đoạn tiếp theo, sàn sẽ bổ sung các chức năng như tương tác cung - cầu công nghệ trực tuyến, thống kê giá trị giao dịch, tư vấn tài chính, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Sự ra đời của Sàn giao dịch KH&CN Việt Nam đóng vai trò là “bàn tay nối dài” giữa nghiên cứu, sản xuất và thị trường.

Sự ra đời của Sàn giao dịch KH&CN Việt Nam đóng vai trò là “bàn tay nối dài” giữa nghiên cứu, sản xuất và thị trường.

Theo Thứ trưởng KH&CN Hoàng Minh, nhiều doanh nghiệp hiện chưa xác định được nhu cầu công nghệ của mình, hoặc chưa biết tìm công nghệ ở đâu và sử dụng ra sao. Việc hình thành các đầu mối như sàn giao dịch giúp giải quyết bài toán cung cầu công nghệ, thúc đẩy ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Vị này cho biết thêm, Sàn giao dịch KH&CN Việt Nam sẽ tích hợp dữ liệu sở hữu trí tuệ để người mua - bán có thể tra cứu, đồng thời kết nối với các chuyên gia nhằm hỗ trợ giao dịch công nghệ. Bộ KH&CNsẽ xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy mô hình sàn giao dịch khoa học công nghệ, tùy điều kiện, có thể áp dụng mô hình đầu tư công quản trị công, đầu tư công, quản trị tư hoặc đầu tư, quản trị tư.

Tại lễ ra mắt, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, viện, trường đánh giá cao việc thành lập Sàn giao dịch KH&CN Việt Nam.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đang là xu thế toàn cầu, thị trường công nghệ đang nổi lên như một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tại các quốc gia phát triển. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Ngân hàng Thế giới, những nền kinh tế có thị trường công nghệ phát triển hiệu quả thường ghi nhận mức đầu tư nghiên cứu - phát triển (R&D) và thương mại hóa sáng chế cao gấp 3-5 lần so với các quốc gia chưa có thị trường công nghệ chuyên nghiệp.

Tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thị trường công nghệ đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia, là cầu nối giữa nghiên cứu và ứng dụng, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ và chuyển giao tri thức. Từ những năm 1990, mô hình sàn giao dịch công nghệ đã hình thành và phát triển mạnh mẽ tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, không chỉ là nền tảng kết nối mà còn là thiết chế tích hợp dịch vụ đánh giá, định giá, tư vấn pháp lý, tài chính, tiêu chuẩn chất lượng và sở hữu trí tuệ.

Là quốc gia tiên phong tại Châu Á, Trung Quốc đã xây dựng và vận hành thành công Sàn giao dịch công nghệ Thượng Hải (STEX) vào năm 1993. Từ một trung tâm môi giới công nghệ quy mô nhỏ, STEX đã trở thành hạt nhân trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thượng Hải. Tính đến năm 2023, STEX ghi nhận hơn 4.000 giao dịch công nghệ với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD. Mô hình này đã minh chứng rõ nét về vai trò quan trọng của sàn giao dịch công nghệ trong việc kết nối cung – cầu công nghệ, giúp công nghệ trở thành một loại hàng hóa đặc biệt có thể đo lường, chuyển nhượng minh bạch.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/viet-nam-bat-dau-co-san-giao-dich-khoa-hoc-va-cong-nghe--i773362/