Việt Nam bình luận trước phán quyết của tòa án Seoul về vụ thảm sát ở Quảng Nam

Liên quan đến phán quyết của tòa án Seoul yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho 1 công dân trong vụ thảm sát tại Quảng Nam 55 năm trước, Việt Nam quan tâm đến phán quyết này và rất coi trọng, bảo vệ đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Tòa án trung tâm quận Seoul ngày 7/2 đã ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho 1 công dân Việt Nam bị mất người thân và bị thương trong vụ thảm sát dân thường do binh lính thuộc Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 2 của Thủy quân lục chiến Hàn Quốc thực hiện khi tham chiến tại Việt Nam.

Trong họp báo chiều 9/2, phóng viên đã hỏi quan điểm của Việt Nam về phán quyết trên.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, vụ thảm sát ở Phong Nhất, Phong Nhị thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam diễn ra vừa tròn cách đây 55 năm (12/2/1968). Đây là một trong nhiều vụ thảm sát mà quân đội nước ngoài gây ra cho nhân dân Việt Nam ở một số địa phương trong những năm cuối thế kỷ XX.

Quang cảnh bên ngoài Tòa án trung tâm quận Seoul. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN phát

Quang cảnh bên ngoài Tòa án trung tâm quận Seoul. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN phát

"Liên quan đến phán quyết của tòa án Seoul, chúng tôi quan tâm đến phán quyết này và rất coi trọng, bảo vệ đến quyền lợi chính đáng của người dân Việt Nam.

Trên tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam mong muốn cùng Hàn Quốc phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, khuyến khích các hành động thiết thực hiệu quả nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần vào củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước và nhân dân Việt Nam-Hàn Quốc", phó phát ngôn nhấn mạnh.

Khoảng 70 người đã thiệt mạng trong vụ thảm sát tại làng Phong Nhị, tỉnh Quảng Nam vào năm 1968. Phán quyết của Tòa án trung tâm quận Seoul đánh dấu lần đầu tiên 1 tòa án Hàn Quốc thừa nhận trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các nạn nhân của vụ thảm sát năm 1968 tại Quảng Nam.

Vào năm 2020, bà Nguyễn Thị Thanh, 1 người sống sót sau vụ thảm sát đó đã đệ đơn kiện Chính phủ Hàn Quốc để đòi bồi thường khoảng 30 triệu won (23.894 USD). Tòa án Seoul đã yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc phải trả khoảng 30 triệu won cho bà Thanh, cùng với tiền lãi.

Vẫn chưa tìm được 2 công dân Việt Nam mất tích trong vụ chìm tàu

Cũng trong họp báo, Bộ Ngoại giao đã cung cấp thông tin về vụ việc đêm 4/2, một tàu đánh cá bị chìm ngoài khơi huyện Sinan, tỉnh Jeonnam Hàn Quốc khiến 9/12 thuyền viên mất tích, trong đó có 2 công dân Việt Nam.

Phó phát ngôn cho biết, ngày 6/2, Bộ Ngoại giao đã cung cấp thông tin về việc này. Tuy nhiên, đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết hiện chưa tìm được 2 công dân Việt Nam mất tích và công tác cứu nạn vẫn đang tiếp tục được triển khai.

Trong những ngày qua, Đại sứ quán đã liên hệ gia đình của 2 công dân và thông báo hướng dẫn các thủ tục cần thiết để giải quyết các vấn đề lãnh sự và bảo hộ công dân.

Cứu hộ tại hiện trường lật tàu cá. Ảnh: Yonhap

Cứu hộ tại hiện trường lật tàu cá. Ảnh: Yonhap

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc này và sẵn sàng triển khai đến các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Theo thông tin từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, 2 lao động Việt mất tích trong vụ chìm tàu tại Hàn Quốc được xác định là anh N.V.D (38 tuổi, quê tại xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) và anh N.V.Đ (35 tuổi, quê tại xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nguồn nhân lực Đông Anh phối hợp Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, đối tác Mijin Power và chủ tàu đề nghị cơ quan chức năng của Hàn Quốc tích cực tìm kiếm, cứu hộ và có biện pháp hỗ trợ xử lý tiếp theo.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng yêu cầu doanh nghiệp thông báo tới gia đình và chính quyền địa phương nơi cư trú để phối hợp giải quyết và hỗ trợ khi cần thiết.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/viet-nam-binh-luan-truoc-phan-quyet-cua-toa-an-seoul-ve-vu-tham-sat-o-quang-nam-2108504.html