Việt Nam cam kết đủ điện, đẩy mạnh thu hút FDI
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam không thiếu điện, có các ưu tiên tăng trưởng và thu hút FDI trong các lĩnh vực ưu tiên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại phiên thảo luận với GS. Klaus Schwab và lãnh đạo các tập đoàn lớn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 26/6 rằng, Việt Nam không thiếu điện.
Ông nhấn mạnh các biện pháp đồng bộ nhằm đảm bảo cung ứng điện cho toàn quốc và đồng thời chia sẻ các ưu tiên của Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
Việt Nam không thiếu điện
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết mặc dù sản lượng điện tiêu thụ năm 2024 tăng 15%, có những ngày vượt 1 tỷ kWh/ngày, cao nhất trong lịch sử, song cung ứng điện vẫn được bảo đảm.
Ông khẳng định Việt Nam sẽ không thiếu điện nhờ các giải pháp đồng bộ về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện và giá điện.
Các dự án đường dây 500 kV hiện chỉ mất khoảng 6 tháng, thay vì mất 2-4 năm để hoàn thành như trước.
Việt Nam cũng đang chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng sạch và Chính phủ sẽ sớm ban hành các nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.
Ưu tiên tăng trưởng kinh tế
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tập trung vào các nhóm giải pháp lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính sách tiền tệ sẽ được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, bao gồm giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ và giữ ổn định tỷ giá phù hợp.
Chính phủ cũng sẽ phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tiếp tục miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và đẩy mạnh đầu tư công.
Về chính sách thương mại, Việt Nam sẽ đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.
Chính phủ sẽ khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có, phát triển các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường mới, đồng thời ủng hộ thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Việt Nam tập trung đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Thể chế được coi là nguồn lực và động lực cho sự phát triển, và Thủ tướng sẽ đứng đầu ban chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Về hạ tầng, Việt Nam phát triển đồng bộ cả hạ tầng cứng như giao thông, y tế, giáo dục và hạ tầng mềm như chuyển đổi số và ứng phó biến đổi khí hậu. Đối với nhân lực, Việt Nam sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Thu hút FDI
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, đồng thời đẩy mạnh cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, hoạt động lâu dài và hiệu quả tại Việt Nam.
Ông cũng nhấn mạnh Việt Nam sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối.
Chính phủ sắp ban hành nghị định liên quan thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư từ chủ yếu ưu đãi thuế sang ưu đãi tài chính, chi phí, đất đai… đối với dự án ưu tiên.
Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và kinh tế tri thức, một số lĩnh vực mới có tính đột phá, chiến lược như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây đang là xu thế phát triển của thế giới và Việt Nam sẽ tận dụng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Để thúc đẩy phát triển xanh, Thủ tướng cho rằng phải triển khai các giải pháp đồng bộ gồm nâng cao nhận thức về phát triển xanh; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp; huy động nguồn lực hợp tác công tư;
Đồng thời xây dựng hạ tầng chuyển đổi xanh, nhất là hạ tầng về điện, sóng viễn thông; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; nâng cao năng lực quản trị xanh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả nước, cả hệ thống chính trị và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, Việt Nam đang rất tích cực giảm phát thải trong nông nghiệp, trong đó có chương trình một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long, đây là dự án đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này.
Tại phiên thảo luận, các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện. Ông Brand Cheng, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Foxconn thông tin đã đặt thêm nhà máy tại Việt Nam và nhà máy này đã sản xuất vào tháng 4 vừa qua.
Đến nay, các nhà máy của Foxconn đã hiện diện tại 5 tỉnh với 80.000 nhân viên và tổng đầu tư khoảng 4 tỷ USD. "Việt Nam đang phát triển nhanh và chúng tôi phát triển cùng Việt Nam", lãnh đạo Foxconn cho biết.
Đại diện Pepsico cho hay sau 30 năm, công ty này đã đầu tư 850 triệu USD vào Việt Nam và sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, tái chế nhựa…