VIỆT NAM CẦN NGHIÊN CỨU ĐỊNH GIÁ CARBON TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢM PHÁT THẢI RÒNG

Các chuyên gia cho rằng, việc định giá carbon là một công cụ chính sách hướng đến tính hiệu quả và kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải đề ra với chi phi thấp nhất. Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu bằng cách cân bằng chi phí giảm phát thải giữa các ngành và các nguồn phát thải khí nhà kính.

Thực hiện Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022 của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang cùng với các Bộ ngành, đơn vị liên quan tiến hành giám sát tại một số địa phương. Một trong những nhiệm vụ của Đoàn Giám sát là tiếp nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học đối với việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách luật pháp, khung pháp lý liên quan đến thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).

Việc định giá carbon là một công cụ chính sách hướng đến tính hiệu quả và kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (ảnh minh họa: Internet).

Việc định giá carbon là một công cụ chính sách hướng đến tính hiệu quả và kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (ảnh minh họa: Internet).

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này song song với trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải đổi mặt với thách thức khi phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp nhưng có tốc độ phát triển vượt bậc. Do đó, Việt Nam sẽ cần huy động mọi nguồn lực, áp dụng các giải pháp sáng tạo, trong đó định giá carbon (bao gồm thuế carbon và thị trường carbon) được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi.

Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế carbon qua Thuế Bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá carbon nếu tính trên đơn vị khí nhà kính khi thuế suất cho xăng dầu (32 – 76 USD/tấn CO2) cao hơn nhiều so với than (0,22 – 0,42 USD/tấn CO2 phát thải). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cả hai công cụ thuế carbon và thị trường carbon đều có thể được áp dụng song song một cách linh hoạt để tối ưu hóa việc cắt giảm phát thải. Tuy nhiên, thị trường carbon ngày càng trở nên phổ biến vì đạt được kết quả giảm phát thải một cách chắc chắn hơn và cho phép các doanh nghiệp được linh hoạt, chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí trong cắt giảm phát thải.

Định giá carbon là làm cho các hoạt động phát thải khí nhà kính trở nên đắt đỏ hơn thông qua việc áp chi phí cho mỗi tấn CO2 tương đương thải ra khí quyển. Doanh thu từ việc tính phí phát thải sẽ được sử dụng để thúc đẩy các công nghệ sạch hơn và hỗ trợ cho nhóm dễ bị tổn thương.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2022, các cơ chế định giá carbon đang được áp dụng tại 46 quốc gia và 36 địa phương, chiếm 11,83 tỷ tấn CO2 (khoảng 23,11% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu). Các chuyên gia cho rằng, với cường độ carbon hiện tại của nền kinh tế, Việt Nam có tiềm năng lớn để hình thành thị trường carbon và chứng minh hiệu quả của thị trường này trong việc giảm phát thải, tiến tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025.

Ông Wolfgang Mostert - chuyên gia quốc tế về chính sách năng lượng và khí hậu nhấn mạnh, việc định giá carbon là một công cụ chính sách hướng đến tính hiệu quả và tính kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải đề ra với chi phi thấp nhất. Việc định giá có thể bằng cách cân bằng chi phí giảm phát thải giữa các ngành và các nguồn phát thải khí nhà kính. Trong đó thị trường carbon đóng vai trò quan trọng, nhưng để xây dựng và vận hành thị trường này là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính.

 Bà Trương An Hà - chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam.

Bà Trương An Hà - chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam.

Đưa ra quan điểm về định giá carbon, bà Trương An Hà - chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam khẳng định: Với việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới và trong khu vực cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, thị trường carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.

Đồng quan điểm trên, TS.Nguyễn Hoàng Lan - Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh: Giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là các mục tiêu được Chính phủ Việt Nam đặt ra đồng thời với việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, các biện pháp kỹ thuật và công cụ thị trường cần được kết hợp để có thể đạt được mục tiêu với chi phí thấp nhất.

TS.Nguyễn Hoàng Lan - Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội.

TS.Nguyễn Hoàng Lan - Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo TS.Nguyễn Hoàng Lan, cần có các giải pháp kỹ thuật, công nghệ cũng như các giải pháp về mặt thị trường, trong đó phát triển thị trường carbon là một giải pháp thị trường cần thiết giúp cho việc giảm phát thải khí nhà kính. Xây dựng thị trường carbon trong bối cảnh Việt Nam cần phải có những bài học kinh nghiệm của những quốc gia đã xây dựng thị trường thí điểm hoặc thị trường hoàn chỉnh để có thể nâng cao khả năng thành công trong xây dựng thị trường.

Với những ý kiến đóng góp, đề xuất như trên, các chuyên gia hy vọng Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025 như cam kết đưa ra tại Hội nghị COP 26./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78349