Việt Nam chào đón các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trên tất cả các lĩnh vực

Trong chương trình tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Đại Liên 2024) và làm việc tại Trung Quốc, chiều 25-6, tại TP Đại Liên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của WEF, với chủ đề 'Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo tại các nước đang phát triển'.

Chia sẻ về các biện pháp và ưu tiên của Việt Nam trong phát triển công nghệ, nguồn lực và đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong quá trình phát triển, Việt Nam luôn nhận thức đúng đắn về đổi mới sáng tạo, lập nghiệp. Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo như: xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và lập nghiệp; xây dựng các chiến lược, chương trình phát triển, tập trung vào kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, nhất là các ngành mang lại giá trị gia tăng cao như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, hydrogen…

 Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: VGP

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: VGP

Cùng với đó, Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng bao gồm hạ tầng số, điện, nước, giao thông, hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động các nguồn lực bao gồm: nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử và nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, gồm nguồn tài chính, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực… Việt Nam lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân và kích hoạt, huy động mọi nguồn lực xã hội vào thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lập nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Apple, Intel, Synopsys, Meta, Nvidia… đã và đang tìm hiểu, đầu tư vào Việt Nam.

Cũng tại tọa đàm, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của WEF đặt nhiều câu hỏi với Thủ tướng Phạm Minh Chính về các vấn đề quan tâm. Trao đổi về những sáng kiến để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; triển khai các chương trình và đề án cấp quốc gia về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam...

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ để hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo, trong đó xây dựng, triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030…; huy động các nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ về bí quyết giúp Việt Nam có nền giáo dục mà trong đó giáo dục phổ thông phát triển đạt kết quả cao hơn các nước trong khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đặt giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu và dành nguồn lực thỏa đáng cho lĩnh vực này; con người Việt Nam có tố chất thông minh, hiếu học...

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VGP

Trả lời câu hỏi về vai trò của công ty khởi nghiệp nước ngoài trong quá trình tăng trưởng với động lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, Thủ tướng cho biết, các công ty khởi nghiệp nước ngoài là động lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, thể hiện ở 3 vai trò chính là chuyển giao công nghệ và kiến thức; tạo sự cạnh tranh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Do đó, Việt Nam luôn chào đón, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo hướng xanh, sạch, bền vững.

Về băn khoăn đối với vấn đề bảo mật và sử dụng dữ liệu, Thủ tướng cho rằng dù mang lại các lợi ích, việc phát triển công nghệ cũng có những rủi ro, mặt trái; đây là vấn đề toàn cầu, tác động toàn dân. Việt Nam đã ban hành các quy định về bảo vệ, bảo mật thông tin và sử dụng dữ liệu; có giải pháp, đầu tư đảm bảo an ninh mạng thông tin...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trao đổi nhiều vấn đề liên quan kế hoạch phát triển và cơ hội cho giới trẻ Việt Nam trong các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, dữ liệu lớn; về tình trạng suy thoái toàn cầu hóa và các vấn đề mang tính toàn cầu khác...

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/viet-nam-chao-don-cac-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-dau-tu-tren-tat-ca-cac-linh-vuc-post746225.html