Việt Nam chỉ xếp 103 thế giới về kỹ năng lao động
Tỷ lệ lao động có chứng chỉ thấp, bất cập liên quan tới hệ thống pháp luật, mất cân bằng... là những nguyên nhân mà các chuyên gia nhận định về thị trường lao động Việt Nam.
Sáng ngày 26/4 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cùng sự hỗ trợ từ phía Australia thuộc chương trình Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) đã tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam”. Hội thảo đã bàn luận về những vấn đề bất cập ảnh hưởng đến chất lượng lao động Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) nhận định rẳng, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập.
Đầu tiên đó chính là những vấn đề liên quan đến các văn bản pháp luật, khung pháp lý bao phủ các chủ thể của thị trường lao động vẫn chưa hoàn thiện. Tình trạng dư thừa lao động diễn ra làm đau đầu các nhà pháp lý, chất lượng việc làm chưa cao. Hiện trạng mất cân đối về cung-cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế đang xảy ra tương đối nghiêm trọng. Nếu không khắc phục chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Lao động phi chính thức, không có hợp đồng vẫn chiếm chủ yếu tổng số phần trăm của thị trường. Trong khi đó, lao động có bằng cấp chính quy, đã qua đào tạo kỹ về mặt chuyên môn mới chỉ đạt 24.5% trong năm 2020. Các chính sách đãi ngộ, chế độ bảo hiểm đi kèm dành cho người lao động còn yếu và chưa đạt được độ hiệu quả cần thiết.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến chất lượng nguồn lao động cũng là một điểm tối, nguyên nhân là bởi trong khâu đào tạo thiếu gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và thực hành. Hệ quả là điểm kỹ năng lao động Việt Nam chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), rất xa tầm so với nhóm ASEAN-4, chỉ xếp trên Indonesia và láng giềng Lào.
Ngoài ra, tình trạng già hóa lao động cũng nên được xã hội dần chú ý. Độ tuổi lao động tăng mạnh, số lao động trẻ hóa không đủ thay thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong tương lai.
Theo các chuyên gia, để khắc phục những bất cập vẫn đang còn tồn đọng thì Việt Nam cần chú ý đến vấn đề cải cách tiền lương gắn với hiệu quả lao động.
Tiếp đó các chuyên gia nhấn mạnh nên ưu tiên chính sách và nguồn lực cần thiết để tập trung cải thiện và định hình lại thị trường lao động, nhờ đó thúc đẩy phát triển kinh tế.
Việc hoàn thiện lại thể chế, tiếp tục hoàn thiện các chính sách về lao động cũng tạo dựng nên môi trường tìm việc hiệu quả, cải thiện các vấn đề liên quan đến bảo hiểm an sinh xã hội cũng là một những giải pháp đáng chú ý.
Cuối cùng, các chuyên gia cũng kêu gọi doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào quá trình đào tạo lao động. Ngoài ra, cũng phải góp phần vào việc cải cách mô hình tăng trưởng ở Việt Nam là chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất; ứng dụng sáng tạo khoa học và công nghệ cao trong quản lý, cải thiện chất lượng lao động.
H.S
Từ ngày 15/5 người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề