Việt Nam chủ động giải quyết các yêu cầu chính đáng của Mỹ trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Chiều nay (6/4), tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025.

Ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các nước tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Mỹ. Hình ảnh toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025. (Ảnh: Nhật Bắc)

Ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các nước tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Mỹ. Hình ảnh toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025. (Ảnh: Nhật Bắc)

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, tập trung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I/2025; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Hội nghị nhận định, trong quý I/2025, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường. Đặc biệt, Hoa Kỳ đột ngột công bố chính sách thuế quan đối ứng rất cao, gây căng thẳng thương mại leo thang, có thể gây đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng toàn cầu, tác động mạnh đến tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.

Về quan hệ thương mại Việt Nam-Mỹ, ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như: Tiếp tục nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu, mua hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các nước tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Mỹ; giải quyết các yêu cầu chính đáng của phía Mỹ trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Tăng trưởng kinh tế quý I/2025 cao nhất từ năm 2020 đến nay

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin, Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội 3 tháng đầu năm có nhiều dấu hiệu tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý I/2025 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Các kết quả nổi bật như:

Tăng trưởng quý I/2025 đạt 6,93%, mức tăng cao nhất từ năm 2020 đến nay và vượt kịch bản tăng trưởng ban đầu. Cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt: Nông nghiệp tăng 3,74%; công nghiệp, xây dựng tăng 7,42%; dịch vụ tăng 7,70%. Các địa phương đầu tầu tăng trưởng tốt. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh tăng 7,51%, Hà Nội tăng 7,35% và 9 địa phương tăng trưởng 2 con số (Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định Đà Nẵng, Lai Châu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam).

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2025 tăng 3,22%. Xuất, nhập khẩu tháng 3 tăng 18,2% so với tháng 2 và 16,6% so với cùng kỳ; tính chung quý I/2025 tăng 13,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 17%, xuất siêu 3,16 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 8,3%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 34,7%; vốn FDI thực hiện tăng 7,2% (cao nhất so với quý I/2025 trong 5 năm qua). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung quý I/2025 tăng 9,9%. Khách quốc tế tháng 3 đạt gần 2,1 triệu lượt, tăng 28,5%; quý I/2025 đạt trên 6 triệu lượt, tăng 29,6%.

Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc. Trong tháng 3 có 15.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 54,2% so với tháng 2 và tăng 3,4% so với cùng kỳ. Tính chung quý I có 72.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 18,6%.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, Liên hợp quốc xếp hạng Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 tăng 8 bậc, xếp thứ 46, chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.

Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. (Ảnh: Gia Thành)

Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. (Ảnh: Gia Thành)

10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.

Đó là: Bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, đặc biệt là chính sách thuế quan mới của Mỹ; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao; mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm từ 8% trở lên còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công ở hầu hết bộ, ngành, địa phương còn chưa đạt; cầu tiêu dùng tăng chậm; tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn.

Để khắc phục khó khăn này, các thành viên Chính phủ nêu 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới:

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, ứng phó với chính sách của các nước, nhất là với Mỹ; tinh thần chung là bản lĩnh, bình tĩnh khi gặp khó khăn, phát huy văn hóa và trí tuệ Việt Nam để có giải pháp sáng tạo, chủ động, kịp thời, thích ứng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Thứ tư, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Thứ năm, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ sáu, tiếp tục xử lý có kết quả các dự án tồn đọng kéo dài, chống lãng phí.

Thứ bảy, chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu như: Chuẩn bị tổ chức tốt các ngày lễ lớn của đất nước; tập trung triển khai quyết liệt phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025"; đẩy mạnh thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…

Thứ tám, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thứ chín, củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; chuẩn bị tốt việc đón các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam.

Thứ mười, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, không để những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của các lĩnh vực và cả nước.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-chu-dong-giai-quyet-cac-yeu-cau-chinh-dang-cua-my-tren-co-so-loi-ich-hai-hoa-rui-ro-chia-se-310196.html