Việt Nam chủ động tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu

Là quốc gia đang phát triển và chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia vào các thỏa thuận, cam kết của khu vực và quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, được thế giới đánh giá tích cực.

Thách thức nghiêm trọng với nhân loại

Mới đây, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Diễn đàn Nghị viện thuộc Diễn đàn Chính trị cấp cao Liên hợp quốc (HLPF) đã tiến hành phiên họp về các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có việc đối phó với biến đổi khí hậu. Ông Vũ Hải Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự diễn đàn.

Khí thải nhà kính đang gây ra hiện tượng Trái đất nóng lên

Khí thải nhà kính đang gây ra hiện tượng Trái đất nóng lên

Tại phiên thảo luận về chủ đề “Tăng cường thích ứng và tài chính khí hậu vì một thế giới bền vững và tự cường”, đoàn Việt Nam nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là thách thức đứng đầu trong những thách thức lớn nhất đối với toàn cầu, là vấn đề nghiêm trọng với nhân loại, và thậm chí có những tác động mang tính sống còn đối với một số quốc gia và nhiều cộng đồng trên thế giới.

Đúng là biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức toàn cầu. Theo Cơ quan Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Dự báo nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên 3,2 độ C vào năm 2100 nếu không có các biện pháp giảm thiểu khí nhà kính. Biến đổi khí hậu đã làm tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt..., gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Nó làm thay đổi các hệ sinh thái trên toàn thế giới, khiến nhiều loài động thực vật phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do không thể thích nghi với sự thay đổi của môi trường.

Biến đổi khí hậu còn làm tan chảy băng ở hai cực và các sông băng, dẫn đến mực nước biển tăng lên. Mực nước biển tăng lên gây ra ngập lụt ở các vùng ven biển và các đảo nhỏ. Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn gây ra nhiều tác động tiêu cực khác như gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đất. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam do Chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản lượng kinh tế và y tế do biến đổi khí hậu được ước tính vào khoảng 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050.

Việt Nam có lãnh thổ trải dài trên nhiều vĩ tuyến, địa hình đa dạng và phức tạp, nên có sự khác biệt khá lớn về khí hậu. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến đổi môi trường và tác động xấu đối với nền kinh tế và cuộc sống của con người. Hiện Việt Nam được đánh giá là một trong 6 nước trên thế giới chịu tác động nhiều nhất từ biến đổi khí hậu.

Dữ liệu nhiệt độ gần đây của Việt Nam cho thấy xu hướng nóng lên ngày càng tăng trong những thập kỷ gần đây, với giá trị trung bình gần 0,2 độ C/thập kỷ trong 40 năm qua và mức tăng cao nhất trong thập kỷ qua. Trong cùng thời gian, lượng mưa hàng năm tăng nhẹ trung bình 5,5%, nhưng có xu hướng trái ngược nhau tùy theo khu vực. Ngoài ra, mực nước biển đang dâng cao với xu hướng trung bình 3,6 mm/năm trong giai đoạn 1993-2018. Một bộ dữ liệu khí hậu mới đã được xây dựng riêng cho báo cáo này nhằm đánh giá rõ hơn các xu hướng khí hậu gần đây trên cả nước.

Đặc biệt, các loại hình thời tiết cực đoan có xu hướng phức tạp, khó dự đoán xuất hiện ngày càng nhiều, gây hậu quả nặng nề. Cụ thể, chỉ chưa đầy một tuần lễ trong tháng 10-2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình liên tiếp xuất hiện 2 trận lũ lịch sử lớn nhất trong 100 năm qua. Toàn bộ vùng đồng bằng thuộc các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh trên lưu vực sông Nhật Lệ đều bị ngập sâu, có nơi lên tới 4-5m. Nắng nóng xuất hiện nhiều nơi với nhiệt độ cao nhất vượt giá trị lịch sử trong vòng 40 năm qua như huyện Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ C, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) 43,2 độ C...

Ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam

Là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đặt vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, chủ động, tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng, đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) năm 2021, Việt Nam đã bày tỏ sự đồng hành mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ - năm 2050. Việt Nam cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Tuyên bố Glassgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố Toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động 2 thích ứng an toàn.

Ngay sau COP26, Việt Nam đã triển khai các công việc liên quan để thực hiện các cam kết, trong đó Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2022 và các cam kết tại COP26, Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030; thực hiện Quy hoạch Điện VIII…

Đặc biệt, các địa phương của Việt Nam mạnh dạn, chủ động quan tâm phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng. Đây không chỉ là xu hướng chung của thế giới mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, là “chìa khóa” mang lại lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu. Mới đây, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2018-2024 cho Ngân hàng Thế giới (WB) với giá 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được tiền từ bán tín chỉ carbon rừng từ WB. Theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ, 96,5% số tiền trên sẽ được phân bổ về địa phương. Đây thực sự là một nguồn lực, tạo động lực để giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Những cam kết cũng như hành động trong xử lý, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam đã được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Nhiều đối tác quốc tế, như Anh, Mỹ và EU nói riêng cũng như Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nói chung, đều đánh giá Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp và kế hoạch để biến cam kết thành hành động, thể hiện là một quốc gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong thực hiện các cam kết quốc tế.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-chu-dong-tham-gia-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-post583459.antd