'Việt Nam chưa đưa lao động chính thức vào làm việc ở Anh Quốc'
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Gia Liêm - Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trao đổi với PV Dân trí về tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài nói chung và tại khu vực Châu Âu nói riêng.
Thị trường Châu Âu: Mới có 6.000 lao động
Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết: “Phần lớn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống, trong đó thị trường khu vực Đông Bắc Á (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) tăng mạnh, chiếm hơn 90% số lao động đi làm việc ở nước ngoài”.
Trong khi đó, thị trường Malayxia, Trung Đông có xu hướng giảm còn 7-8%, còn lại các thị trường Bắc Phi và Châu Âu. Như vậy tới thời điểm này, lao động đi làm việc theo diện hợp đồng sang Châu Âu chưa nhiều.
Đặc biệt, Việt Nam chưa đưa lao động sang làm việc theo diện hợp đồng tại Anh Quốc.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước: Năm 2015, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 115.980 người, năm 2016 là 126.296 người, năm 2017 là 134.751 người, năm 2018 là 143.000 người và riêng tháng 10 năm 2019 là 120.000 người.
Nhận định của Cục Quản lý lao động cho thấy, Châu Âu, đặc biệt là các nước Đông Âu là thị trường lao động khá khó tính, với yêu cầu thủ tục nhập cảnh vào làm việc chặt chẽ về trình độ tay nghề, kỹ năng, bằng cấp, ngoại ngữ…
Gần đây, do kinh tế phát triển ổn định, nên một số nước khu vực Châu Âu do thiếu nhận lực trong một số lĩnh vực, nên có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc.
Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đã và đang triển khai thực hiện các hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở một số nước thuộc Châu Âu với số lượng chỉ khoảng 6.000 người.
Chủ yếu ở các nước như Rumani, Ba lan, Sip, Slovakia với mức thu nhập trung bình khoảng 500 - 1.000 USD, tùy theo từng ngành nghề, công việc người lao động làm.
Tuy nhiên, do số lượng tiếp nhận lao động của các nước này còn hạn chế, trong khi có rất nhiều người lao động có nhu cầu đến làm việc.
Bên cạnh đó, người lao động không có đủ các điều kiện tiêu chuẩn về nghề nghiệp và ngoại ngữ, tâm lý muốn được đi nhanh, không muốn mất thời gian chờ đợi, làm thủ tục theo quy định để được đi làm việc ở nước ngoài.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Gia Liêm cảnh báo, nhiều người lao động với hy vọng có mức lương, thu nhập cao hơn đã nghe theo lời dụ dỗ, hay các thông tin không trung thực của các tổ chức, cá nhân môi giới, lừa đảo.
“Những điều này sẽ gây ra những hậu quả rủi ro, nguy hiểm không thể lường trước có thể xảy ra trong quá trình di cư bất hợp pháp” - ông Nguyễn Gia Liêm cho biết.
4 loại hình đi làm việc chính thức
Cũng theo ông Nguyễn Gia Liêm, để đi làm việc ở nước ngoài nói chung và đến các khu vực Châu Âu làm việc nói riêng, người lao động đều phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước tiếp nhận lao động.
Việt Nam hiện quy định 4 hình thức đi làm việc chính thức ở nước ngoài. Trong đó, đối với thị trường Châu Âu chủ yếu đi thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và thông qua hình thức hợp đồng cá nhân.
Về quy trình, đối với hình thức qua các doanh nghiệp dịch vụ, sau khi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng với bên nước ngoài sẽ làm thủ tục đăng ký hợp đồng tại Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Nếu như hợp đồng được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận thì doanh nghiệp sẽ tổ chức hiện tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động và đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân, người lao động phải tự đàm phán và ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng ở nước ngoài và làm thủ tục đăng ký hợp đồng với Sở LĐ-TB&XH địa phương nơi người lao động cư trú.
“Việc đăng ký và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý sẽ đảm bảo được sự quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời qua đó người lao động có thể xác định tính pháp lý của những hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo được các quyền lợi, chế độ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài” - ông Nguyễn Gia Liêm cho biết.
4 hình thức đi làm việc theo hợp đồng lao động chính thức ở nước ngoài
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, pháp luật Việt Nam hiện quy định 4 loại hình lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như sau:
- Thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ có Giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (thường gọi là doanh nghiệp XKLĐ hay doanh nghiệp dịch vụ)
- Thông qua tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, như Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, đi Nhật Bản theo Chương trình hợp tác với IM Japan, hay đi học tập và làm việc tại CHLB Đức theo Chương trình hợp tác với công ty Vivantes của Đức.
- Thông qua các doanh nghiệp đưa người lao động của doanh nghiệp đi làm việc ở nước ngoài theo dự án nhận thầu, khoán công trình, đầu tư ra nước ngoài hoặc đưa đi thực tập nâng cao tay nghề.
- Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân.
Ngoài ra, thời gian gần đây mới có thêm hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua thỏa thuận giữa các địa phương Việt Nam với địa phương nước ngoài, chủ yếu là lao động đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc với thời hạn ngắn (3 tháng)…