Việt Nam chưa kiểm soát được nguồn khí thải khổng lồ từ giao thông

Việt Nam hiện có hơn 70 triệu xe mô tô, xe gắn máy, nhiều năm qua khí thải từ các nguồn giao thông khổng lồ này chưa được kiểm soát. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Quy chuẩn khí thải xe mô tô, xe máy và lộ trình áp dụng quy chuẩn, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong khoảng tháng 5, tháng 6 tới đây.

Khí thải từ các nguồn giao thông

Từ ngày 24-25/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới đồng tổ chức Hội thảo khoa học kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - cho biết, một trong những giải pháp cải thiện chất lượng không khí rất quan trọng hiện nay là siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Việt Nam hiện có hơn 70 triệu xe mô tô, xe gắn máy, nhiều năm qua khí thải từ các nguồn giao thông khổng lồ này chưa được kiểm soát.

Luật An toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025 đã bổ sung quy định kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy. Chi tiết hơn, Thông tư 47 năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) quy định, xe mô tô, xe máy dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải.

Đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất trên 5 năm đến 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 24 tháng. Thời gian sản xuất trên 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 12 tháng.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường - chia sẻ tại hội thảo.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường - chia sẻ tại hội thảo.

Để chuẩn bị cho việc thực hiện kiểm định khí thải xe máy cũ, ông Lê Hoài Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng dự thảo Quy chuẩn khí thải xe mô tô, xe gắn máy và dự thảo Lộ trình áp dụng quy chuẩn này.Dự thảo đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường gửi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến.

“Ngay sau khi nhận được góp ý của các bộ, ngành, địa phương, chúng tôi sẽ hoàn thiện trình Chính phủ ban hành trong 1-2 tháng tới”, ông Nam nói.

Với xe ô tô, ông Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã gửi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến về dự thảo Quy chuẩn khí thải phương tiện ô tô lưu hành ở Việt Nam, sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành. Các dự thảo về Quy chuẩn khí thải xe ô tô lưu hành tại Việt Nam và Quy chuẩn khí thải xe mô tô, xe gắn máy được xây dựng theo hướng nâng ngưỡng áp dụng chặt chẽ hơn, có lộ trình áp dụng với các địa phương trong cả nước, nhất là những địa phương có mức độ không khí nghiêm trọng như Hà Nội.

Lãnh đạo Cục Môi trường cũng cho rằng, bên cạnh vấn đề ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải xe cơ giới thì vấn đề tiêu chuẩn và chất lượng nhiên liệu rất quan trọng.

Ông nêu thực tế, Việt Nam đã áp dụng quy chuẩn euro 5 với ô tô lắp ráp, nhập khẩu mới. Tuy nhiên chất lượng nhiên liệu tương ứng lại chưa đáp ứng được. Các loại nhiên liệu cung ứng cho người dân chủ yếu mức euro 2, euro 3. “Để kiểm soát được vấn đề phát thải thì kiểm soát chất lượng nhiên liệu rất quan trọng, đây là nội dung liên quan đến nhiều bộ ngành khác”, ông Nam nói.

Giao thông được xác định là nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội. Ảnh: Lộc Liên.

Giao thông được xác định là nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội. Ảnh: Lộc Liên.

Theo các nghiên cứu, giao thông là nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí lớn nhất của Hà Nội, bên cạnh các nguyên nhân khác là hoạt động xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh khác như đốt rơm rạ, đốt rác.

Bài học từ Bắc Kinh

Theo Giáo sư Shaojun Zhang - Khoa Môi trường, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), việc kiểm soát phát thải từ phương tiện giao thông đóng vai trò then chốt trong giảm thiểu ô nhiễm không khí ở thành phố Bắc Kinh, nơi được coi là bài học thành công lớn trong vấn giải quyết ô nhiễm không khí.

Vị Giáo sư cho biết, tại thủ đô của Trung Quốc, khí thải từ phương tiện giao thông đã trở thành nguồn phát thải bụi mịn chính yếu và kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông vẫn là yếu tố then chốt để cải thiện chất lượng không khí trong tương lai của thành phố này. Trước đó, trong 20 năm thực hiện “cuộc chiến” chống ô nhiễm không khí, Trung Quốc đã thiết lập hệ thống kiểm soát phát thải tích hợp "phương tiện - nhiên liệu - giao thông" với Bắc Kinh đóng vai trò tiên phong.

Cát bụi bao phủ bầu trời tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN.

Cát bụi bao phủ bầu trời tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN.

Thành phố này cũng tiên phong trong việc triển khai đồng thời tiêu chuẩn phát thải và tiêu chuẩn nhiên liệu tại Trung Quốc. Trong đó tiêu chuẩn phát thải Trung Quốc mới nhất đã có những yêu cầu mới như kiểm tra phát thải trong điều kiện lái thực tế.

Bắc Kinh đã thiết lập một hệ thống kiểm tra và bảo trì toàn diện để kiểm soát khí thải từ các phương tiện đang lưu hành, bao gồm kiểm định hàng năm, kiểm tra ngẫu nhiên trên đường. Thành phố này cũng thúc đẩy ứng dụng các công nghệ giám sát tiên tiến và đẩy nhanh xây dựng nền tảng quản lý nhằm tăng cường khả năng theo dõi thực tế khí thải của các phương tiện đang lưu hành.

Theo các chuyên gia, đây là những bài học kinh nghiệm thực tế mà Hà Nội có thể tham khảo để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trầm trọng nhiều năm qua, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người dân.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/viet-nam-chua-kiem-soat-duoc-nguon-khi-thai-khong-lo-tu-giao-thong-post1736909.tpo