Việt Nam có 559 công trình xanh

Tính lũy kế, Việt Nam có 559 công trình với 13,6 triệu m2 diện tích sàn được chứng nhận xanh. Con số này vượt xa các mục tiêu đặt ra trước đó (80 công trình xanh năm 2025 và 160 vào năm 2030).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Báo cáo Tổng quan Thị trường Công trình Xanh Việt Nam năm 2024 đã đưa ra những thông tin rất triển vọng về sự phát triển của lĩnh vực dự án xanh, công trình xanh tại Việt Nam.

Theo báo cáo, Việt Nam hiện có 559 dự án với tổng 13,579,588 m2 sàn xây dựng đã đạt chứng chỉ Công trình Xanh theo các chứng chỉ phổ biến như EDGE, LEED, LOTUS và Green Mark.

Trong đó Chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies), IFC, World Bank Group có 258 dự án, chiếm 41.80% tổng số lượng công trình xanh, với 5,687,647 m2 sàn xây dựng đạt chứng nhận.

Chứng chỉ LEED (Leadership in Energy and Environmental Design), USGBC có 208 dự án, chiếm 39.48% tổng số lượng công trình xanh, với 5,354,195 m2 sàn xây dựng đạt chứng nhận.

Các chứng chỉ LOTUS (Vietnam Green Building Council) và GREEN MARK (Singapore Building & Construction Authority) tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định.

Đặc biệt, năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của công trình xanh tại Việt Nam, với 163 công trình, gấp 2.1 lần so với năm 2023, và gấp 3.0 lần so với năm 2022.

Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích sàn đạt chứng nhận xanh cao nhất, với 3,406,387 m2, theo sau là Hà Nội với 2,161,328 m2, và Bình Dương với 1,589,517 m2 sàn xây dựng.

Trong năm nay, mảng công nghiệp xanh (bao gồm nhà máy, nhà kho, và nhà xưởng) chiếm đến 56.45%, theo sau là mảng văn phòng xanh (chiếm 15.61%) và mảng chung cư xanh (chiếm 14.15%). Việc dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam cung như đẩy mạnh công nghiệp hóa, mở rộng sản xuất và kho vận tại Việt Nam là lý do chính cho việc các công trình công nghiệp xanh tăng trưởng mạnh.

Với việc các ngân hàng lớn, như Vietcombank, ban hành Khung trái phiếu xanh (Green Bond) sẽ tăng lực cho sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam, hướng đến việc đạt trung hòa carbon vào 2050.

Theo Nghị định 15 năm 2021, công trình xanh được quy định từ thiết kế, xây dựng đến vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo chất lượng môi trường sống và bảo vệ môi trường.

Các dự án xanh sẽ đóng góp vào mục tiêu giảm 74,3 triệu tấn CO2 đến năm 2030 theo cam kết trong Đóng góp tự quyết định (NDC) của Việt Nam với ngành xây dựng, tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để được công nhận là công trình xanh, ngoài các tiêu chí bền vững về xây dựng thiết kế, vật liệu thi công, các dự án cần phải đáp ứng hiệu suất môi trường, vận hành tiết kiệm năng lượng.

Thực tế, tại Việt Nam hiện nay, đa số các giải pháp công trình xanh mới chỉ được áp dụng tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp. Đây là nơi khách hàng sẵn sàng chi trả cao hơn để có được chất lượng sống tốt hơn, trong lành hơn. Tuy nhiên, phân khúc nhà giá thấp và trung bình (chung cư) mới là khu vực tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, trong khi khả năng chi trả của người dân lại hạn chế hơn so với các phân khúc trên.

Theo bà Nguyễn Thu Nhàn, quản lý Chương trình Công trình xanh Việt Nam của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế châu Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 20 năm qua (bình quân 7,5%/năm). Theo tính toán, các công trình xanh sẽ tiết kiệm cho chủ đầu tư từ 20-40% chi phí vận hành mỗi tháng nhờ thiết kế thông minh, quy trình vận hành được tính toán kỹ. Nhờ vậy, công trình xanh của chung cư còn giúp người sử dụng tiết kiệm nhiều chi phí sinh hoạt từ điện, nước tới các dịch vụ công cộng khác.

M.T

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-co-559-cong-trinh-xanh-96525.html