Việt Nam có nhiều lợi thế để đón dòng vốn đầu tư vào trung tâm dữ liệu
Theo nghiên cứu mới nhất do Savills Việt Nam công bố, đầu tư cho thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu trong năm 2024 đã đạt đỉnh mới.
Nghiên cứu của McKinsey công bố vào cuối năm 2024 cho thấy, nhu cầu toàn cầu đối với trung tâm dữ liệu có thể tăng 19-22% từ năm 2023 đến 2030 để đạt nhu cầu hàng năm từ 117 đến 219 gigawatts (GW). Trong khi nhu cầu hiện tại chỉ ở mức 60GW.
![Sự phát triển liên tục của AI trong năm 2025 được nhận định sẽ tiếp tục làm gia tăng nhu cầu về hạ tầng, buộc thị trường phải cân nhắc về địa điểm đặt các trung tâm dữ liệu và đảm bảo nguồn điện trong bối cảnh nhu cầu tăng cao - Ảnh: Chính Phủ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_114_51411513/18e7a2419a0f73512a1e.jpg)
Sự phát triển liên tục của AI trong năm 2025 được nhận định sẽ tiếp tục làm gia tăng nhu cầu về hạ tầng, buộc thị trường phải cân nhắc về địa điểm đặt các trung tâm dữ liệu và đảm bảo nguồn điện trong bối cảnh nhu cầu tăng cao - Ảnh: Chính Phủ
Trong năm ngoái, các đại bàng công nghệ như Microsoft, Meta, Alphabet hay Amazon đã đầu tư hơn 200 tỉ USD chủ yếu vào các trung tâm dữ liệu và phát triển các công cụ liên quan đến AI. Các hoạt động đầu tư vào trung tâm dữ liệu phát triển AI được dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2025 trước nhiều thông tin về các khoản đầu tư lớn.
Ví như, Microsoft đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá 128 tỉ USD để phát triển hệ thống hạ tầng AI và các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu, bao gồm việc triển khai 3 tỉ USD tại Ấn Độ và 2,9 tỉ USD tại thị trường Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Stargate - dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu hỗ trợ phát triển AI tại Mỹ với mức đầu tư ban đầu là 100 tỉ USD và dự kiến đầu tư lên tới 500 tỷ USD.
Thực tế cho thấy, phần lớn nguồn cung trung tâm dữ liệu tại châu Á hiện nay vẫn chưa được trang bị để lưu trữ máy chủ AI. Hầu hết là vẫn các trung tâm dữ liệu với công suất 10-40MW tập trung tại các thị trường phát triển. Đây được xem là sức hút đầu tư để nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm dữ liệu phát triển AI với công suất lớn hơn tại thị trường này.
Báo cáo từ MSCI Real Capital Analytics cho thấy tổng lượng giao dịch trung tâm dữ liệu tại khu vực Châu Á trong năm 2024 đạt USD 21.6 tỷ USD, gấp gần 10 lần năm 2023. Dẫn đầu về vốn đầu tư vẫn là các thị trường phát triển như Úc (39%), Nhật Bản (31%), Singapore (8%) và Hong Kong (8%).
Nhận định thị trường trung tâm dữ liệu tại các thị trường Châu Á, ông Thomas Rooney, phó giám đốc, bộ phận dịch vụ công nghiệp, Savills Hà Nội cho biết: “Nhu cầu đối với trung tâm dữ liệu tại Châu Á hiện nay là rất lớn, đặc biệt tại các thị trường nhóm 1 như Seoul, Tokyo, Hong Kong, Kuala Lumpur, Singapore hay Bangkok”.
![Ông Thomas Rooney, phó giám đốc, bộ phận dịch vụ công nghiệp, Savills Hà Nội - Ảnh: Savills](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_114_51411513/6b83db25e36b0a35537a.jpg)
Ông Thomas Rooney, phó giám đốc, bộ phận dịch vụ công nghiệp, Savills Hà Nội - Ảnh: Savills
Tuy nhiên, cũng theo ông Thomas, với mức độ cạnh tranh cao, các thị trường này cho thấy tốc độ tăng giá thuê giảm. Trong khi đó, các thị trường Nhóm 2 như Johor, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Bengaluru lại cho thấy sức hút khi đang trong thời kỳ tăng trưởng về giá thuê”.
Trước sức cạnh tranh trong khu vực, lợi nhuận từ đầu tư tại thị trường nhóm 1 như Seoul, Tokyo, Bangkok hay Singapore bắt đầu giảm, với lợi nhuận trung bình khoảng 5%.
Trong khi đó, đầu tư trung tâm dữ liệu tại các thị trường mới nổi như Việt Nam hay Ấn Độ được kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao hơn, dao động từ 9,5% - 10%, từ đó thu hút sự quan tâm ngày một lớn từ các nhà đầu tư.
Các trung tâm dữ liệu phát triển AI yêu cầu lượng điện năng gấp từ hai đến năm lần so với các trung tâm dữ liệu thông thường, do vậy đặt ra yêu cầu cấp thiết về thay đổi phương pháp thiết kế, vận hành cũng như các lựa chọn địa điểm và tìm kiếm các giải pháp năng lượng tái tạo.
“Việt Nam cần tận dụng lợi thế về chi phí nhân công và nguồn nhân lực trẻ để cạnh tranh với các quốc gia khác. Song song với đó là ưu tiên hoàn thiện các khung pháp lý, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng điện, đảm bảo cơ sở điện lưới, an ninh mạng, nâng cao nhận thức về dữ liệu và thúc đẩy chia sẻ dữ liệu. Đồng thời cũng cần học hỏi từ các mô hình thành công về việc xây dựng hệ sinh thái AI bền vững”, ông Thomas nhấn mạnh.