Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu sữa sang Singapore
Việt Nam đang là đối tác xuất khẩu sữa lớn thứ bảy nhóm sữa tiềm năng vào Singapore và còn nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch.

Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu sữa vào Singapore
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, trong giai đoạn 2019-2023, Singapore nhập khẩu trung bình khoảng 2,5 triệu USD/năm giá trị (tương đương khoảng 344 tấn/năm) sữa và các sản phẩm sữa từ Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Singapore cũng xuất khẩu sữa và các sản phẩm sữa sang Việt Nam với giá trị trung bình khoảng 7,4 triệu USD/năm (tương đương khoảng 2,1 nghìn tấn).
Tuy vậy, thương vụ đánh giá thương mại song phương về sữa và sản phẩm sữa giữa Singapore và Việt Nam chưa thực sự cho thấy sự ổn định. Trong khi xuất khẩu của Singapore tới Việt Nam có xu hướng giảm dần trong cả giá trị và khối lượng thì nhập khẩu từ Việt Nam đang tạm duy trì được về giá trị nhưng cũng đang giảm dần về khối lượng.
Về chủng loại, trong giai đoạn 2019-2023, nhập khẩu của Singapore đối với sữa và sản phẩm sữa từ Việt Nam nổi lên nhóm 040630 (Phô mai đã chế biến trừ phô mai dạng bào/dạng bột) đạt giá trị vượt trội, trên 2,3 triệu USD/năm.
Ngoài nhóm này, hiện chỉ có 3 nhóm khác có kim ngạch trên 10 nghìn USD như: Các sản phẩm khác có thành phần sữa tự nhiên; Sữa và kem sữa không cô đặc, không thêm đường, không thêm chất tạo ngọt, có hàm lượng chất béo sữa trên 1% đến tối đa 6% và sữa/ kem sữa ở dạng khác, có thêm chất tạo ngọt. Do vậy, nhóm 040630 có thể được xem là nhóm có tiềm năng nhất để phát triển.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết thêm, Singapore là thị trường có tiêu chuẩn cao, tuy không phát triển ngành công nghiệp sản xuất sữa và các chế phẩm từ sữa nhưng Singapore có các quy định quản lý chất lượng mặt hàng sữa và sản phẩm sữa rất rõ ràng, chặt chẽ.
Thị trường Singapore là thị trường nhỏ và có sự hiện diện của nhiều tên tuổi lớn tới từ các nước có ngành sản xuất sữa và sản phẩm sữa mạnh và lâu năm như: Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Hà Lan…
Bên cạnh việc phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về thành phần, về ghi nhãn sản phẩm, thương vụ khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng đến các yêu cầu khác, như các giấy chứng nhận quốc tế về chất lượng, an toàn thực phẩm như: ISO, HACCP, Organic USDA/EU, Halal.