Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất xe điện, nhưng vốn ở đâu?

Việt Nam còn có cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện - một sự lựa chọn tất yếu của tương lai, nếu có những hành động quyết liệt, cụ thể và kịp thời bên cạnh những nỗ lực chuyển đổi xanh nền kinh tế nói chung mà Chính phủ đang rất thúc đẩy.

Việt Nam có cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện

Việt Nam hiện nay có tới 6,5 triệu ô tô và 74 triệu xe máy là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính thông qua vận tải đường bộ cao thứ nhì Đông Nam Á, sau Indonesia và tốc độ tăng phát thải bằng phương tiện đường bộ rất nhanh.

 Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư. (Ảnh: ĐT)

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư. (Ảnh: ĐT)

Tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến” diễn ra vào sáng 29/8, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, nếu mỗi chiếc xe hơi lưu thông trên đường được ví như một trạm phát thải di động, thì Việt Nam đang có gần 6,5 triệu trạm phát thải như vậy.

“Những chiếc xe hơi này cũng được coi là 1 tác nhân chính gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến sức khỏe người dân”, ông Minh nói.

Vì vậy, việc chuyển đổi, thay thế hay thậm chí “đóng cửa” những trạm phát thải này không chỉ là hành động phù hợp với xu thế chung trên toàn thế giới, mà còn là một nhiệm vụ cấp bách nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu đề ra, đó là đạt mức phát thải ròng bằng 0 - còn gọi là Net Zero vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia có dân số lớn và tiếp tục gia tăng, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, nếu không có những giải pháp kịp thời để “xanh hóa” ngành ô tô được dự báo còn rất nhiều dư địa phát triển, thì các trạm phát thải di động sẽ ngày càng trở thành một ẩn số lớn trong bài toán phát triển bền vững.

Nhận thức rõ thực trạng đó, thời gian qua, cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hành động thiết thực để cùng chung tay tạo động lực mới cho ngành ô tô, mở lối cho những chiếc xe “xanh” lăn bánh, tạo nên một không gian giao thông xanh, sạch hơn.

Theo ông Lê Trọng Minh, thị trường ô tô ít hoặc không phát thải (gọi chung là ô tô “xanh”) đang đứng trước một cơ hội to lớn để phát triển mạnh mẽ.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng được đánh giá là sẽ không vấp phải vấn đề quá lớn khi phải “rẽ ngang” từ sản xuất ô tô động cơ đốt trong sang những loại xe thuần điện - vấn đề đang gặp nhiều trăn trở như ở một số cường quốc về sản xuất ô tô.

Thậm chí, Việt Nam còn có cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện - một sự lựa chọn tất yếu của tương lai, nếu có những hành động quyết liệt, cụ thể và kịp thời bên cạnh những nỗ lực chuyển đổi xanh nền kinh tế nói chung mà Chính phủ đang rất thúc đẩy.

Khó khăn lớn nhất chính là vốn

Liên quan tới vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, để phát triển được ô tô điện, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn, cần phải có khối lượng tín dụng lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ thậm chí hàng tỷ đô la Mỹ với lãi vay thấp và kỳ hạn vay dài cho một lần đầu tư.

 Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: ĐT)

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: ĐT)

“Đây có thể coi là một trong những thách thức lớn của các doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam được phân hóa lớn với phần lớn là ngân hàng nhỏ cạnh tranh nhau khốc liệt và dựa trên nền tảng cho vay bất động sản hoặc thế chấp bằng tài sản là bất động sản. Tình hình này đã đẩy mặt bằng lãi suất lên cao mà các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là công nghiệp cơ khí chế tạo hiện nay không thể phát triển được cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

“Đặc biệt là công nghệ liên quan đến công nghiệp cơ khí chế tạo trong đó có cả công nghệ phát triển ô tô điện và các hạng mục khác có liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính”, ông Nghĩa nói.

Trước thực trạng này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, ở một số nước trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp ô tô thường duy trì hệ thống ngân hàng lớn đủ tiềm lực tài chính tài trợ cho phát triển công nghiệp nặng hoặc Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay bên ngoài để phát triển ngành công nghiệp này.

Bên cạnh đó, việc mở cửa thị trường ngành công nghiệp ô tô hoàn toàn như hiện nay cũng là một trở ngại lớn cho công nghiệp ô tô nội địa.

Tất nhiên đây là yêu cầu của toàn cầu hóa, tuy nhiên, kinh nghiệm của một số nước cho thấy, chính sách của các Chính phủ hỗ trợ mà không làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh ví dụ như tài trợ thông qua giá đất, mua sắm công như xe công vụ phải là xe điện nội địa hoặc khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe điện nội địa, hoặc là sản phẩm của ngành công nghiệp nội địa nói chung.

“Tấm gương lớn về phương diện này là Hàn Quốc nên đã hình thành một thói quen tiêu dùng hỗ trợ doanh nghiệp nội địa không chỉ trong công nghiệp ô tô mà còn nhiều ngành khác”, ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, có thể thực hiện một số chính sách khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, phí cầu đường, cơ sở hạ tầng cho các trạm sạc điện để đảm bảo doanh nghiệp có thể phát triển trạm sạc ở nhiều nơi với địa điểm thuận tiện cùng chi phí thấp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô điện giảm thiểu được chi phí trạm sạc, duy tu, bảo trì sửa chữa pin…

Tóm lại, sử dụng ô tô giảm phát thải khí nhà kính có tác dụng làm sạch môi trường, giảm cả khói bụi carbon và tiếng ồn tuy nhiên chi phí đầu tư cho loại hình công nghiệp này khá lớn.

Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt cần có chính sách hỗ trợ của Chính phủ với một chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô và ngành cơ khí chế tạo lưỡng dụng cho cả kinh tế tiêu dùng và quốc phòng.

Đồng thời, thông qua đó để đào tạo một đội ngũ kỹ sư cho cả công nghiệp và quốc phòng kể cả những ngành đang có vai trò quyết định thời đại công nghệ, an ninh quốc phòng mới.

“Ví dụ như Robot, AI đều đang dựa trên nền tảng công nghệ cơ khí hùng mạnh và đội ngũ kỹ sư lành nghề đủ khả năng chuyển giao, nghiên cứu và phát triển công nghệ mới của riêng Việt Nam”, ông Nghĩa nói thêm.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-co-the-tro-thanh-cuong-quoc-san-xuat-xe-dien-nhung-von-o-dau-post309820.html