Việt Nam có thể trở thành nước có dân số 'siêu già' vào năm 2049

Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và 'siêu già' vào năm 2049. Điều này sẽ để lại nhiều hệ lụy: thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số.

Theo báo cáo triển vọng dân số thế giới năm 2024 của Liên Hợp Quốc, ngày nay, phụ nữ sinh ít hơn trung bình 1 con so với năm 1990. Hiện tại, mức sinh toàn cầu là 2,3 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,3 con/phụ nữ vào năm 1990. Hơn một nửa các quốc gia và khu vực trên toàn cầu có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế.

Kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ tại Việt Nam năm 2024 cho thấy, tổng tỷ suất sinh (TFR) là 1,91 con/phụ nữ. Đây là mức sinh thấp nhất từ trước đến nay. Trong suốt gần 15 năm (năm 2009 - 2022), mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định, cân bằng với mức sinh thay thế. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây (2023 – 2024), mức sinh tại Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn.

Năm 2023, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024. Tổng tỷ suất sinh của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ).

Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới như: các nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… khi mức sinh đã giảm thì khó có xu hướng tăng trở lại.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, với 2 người trong độ tuổi lao động thì có 1 người phụ thuộc. Trong đó, tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi chiếm 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3%.

Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới (Ảnh minh họa: KT)

Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới (Ảnh minh họa: KT)

Năm 2024, số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024. Như vậy, Việt Nam đang ở trong thời kỳ già hóa nhanh do tuổi thọ người dân tăng cao và mức sinh giảm.

“Nếu chúng ta không sớm có những chính sách kịp thời, mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Do đó, cần nghiên cứu ban hành các chính sách khuyến khích sinh phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa Việt Nam để mức sinh không giảm quá nhanh khi kinh tế phát triển”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai cho hay.

Bà Mai cho biết thêm, bên cạnh thực trạng đáng lo ngại là suy giảm dân số thì cũng cần khẳng định rằng, già hóa dân số phản ánh sự thành công trong việc cải thiện điều kiện kinh tế, sức khỏe và phúc lợi xã hội của người dân. Sự tiến bộ của y tế và các chính sách chăm sóc sức khỏe đã giúp giảm nguy cơ tử vong, giúp người dân khỏe mạnh hơn và có tuổi thọ cao hơn. Vì vậy, ngoại trừ chính sách duy trì ổn định mức sinh, không để mức sinh giảm quá nhanh, thì việc đặt vấn đề ngăn chặn tình trạng già hóa dân số là không phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển. Thay vào đó, chúng ta cần phải tìm giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ hoặc hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì Việt Nam chỉ mất 26 năm. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và “siêu già” vào năm 2049.

Nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp ứng phó thì đến năm 2054-2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh.

Đáng nói, khi tỷ lệ sinh giảm, số lượng người trong độ tuổi lao động cũng giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai, năng suất lao động thấp, áp lực lớn về chi phí an sinh xã hội, đặc biệt là chi phí chăm sóc y tế và hưu trí. Điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phát triển kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Cần có chính sách để ứng phó với tốc độ già hóa dân số

Theo các chuyên gia, chi phí nuôi dưỡng và giáo dục con cái ngày càng cao là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn sinh ít con hoặc không sinh con. Đặc biệt ở các thành phố lớn, chi phí sinh hoạt, học hành và y tế tăng cao làm giảm khả năng kinh tế của các gia đình. Nhiều gia đình trẻ lựa chọn sinh ít con để tập trung vào sự nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để ứng phó với tình trạng này, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường truyền thông, giáo dục về lợi ích của việc sinh con và nuôi dưỡng con cái. Các chương trình truyền thông cần tập trung vào việc thay đổi nhận thức của người dân về gia đình và vai trò của con cái trong cuộc sống.

TS. BS. Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho hay, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Vừa qua Bộ Y tế đã có đề xuất không xử lý kỷ luật với Đảng viên sinh con thứ 3 trở lên, đây là một đề xuất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Việc bỏ các hạn chế về số con là một việc phù hợp. Việc quyết định số con là quyền sinh sản của các cặp vợ chồng. Ở bình diện vĩ mô, nhà nước cần có các chính sách để đảm bảo quyền, mong muốn của các gia đình phù hợp và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước.

TS. BS. Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số

TS. BS. Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số

Bà Hoàng Tú Anh nhận định, thực tế hiện nay có rất nhiều lý do khiến các cặp vợ chồng trẻ ngại sinh con. Nhà nước cần có chính sách hay khuyến khích làm sao để họ hết ngại sinh con và muốn sinh thêm con, chứ nếu chỉ đưa ra yêu cầu muốn các cặp vợ chồng sinh con thì không hiệu quả.

Sự lo ngại của các cặp vợ chồng rất đa dạng, phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, nơi sinh sống, truyền thống gia đình, giá trị của bản thân… Do vậy, để các chính sách phù hợp và hiệu quả, trước hết nhà nước cần thực hiện ngay các nghiên cứu để biết được nhu cầu sinh con và sự lo lắng của các cặp vợ chồng, rồi dựa vào đó để đưa ra chính sách.

Để thực hiện được chủ trương này của nhà nước cũng cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp. Có thể nêu lên một thực tế, một trong những nơi có đông lao động trẻ, các cặp vợ chồng trẻ và có thể gặp khó khăn trong việc sinh con, chăm sóc con là các khu công nghiệp. Nhiều cặp vợ chồng không dám sinh con hoặc sinh con xong thì phải gửi con về quê nhờ bố mẹ, ông bà chăm sóc, vì các khu công nghiệp này không có sẵn nhà trẻ, còn các nhà trẻ tư thục thì thường đắt đỏ hoặc không đảm bảo chất lượng…

Như vậy, nhà nước phải đưa quy định về việc quy hoạch các khu công nghiệp, bắt buộc phải có nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế hoặc các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, phải đảm bảo cung cấp các dịch vụ này cho người lao động. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đảm bảo được các tiêu chí này. Đồng thời tuyên truyền để các doanh nghiệp thấy rằng, nếu các doanh nghiệp đảm bảo được các dịch vụ cơ bản cho người lao động thì họ sẽ có lực lượng lao động khỏe mạnh hơn, ổn định và bền vững hơn.

Bà Hoàng Tú Anh kể: “Có một bộ phim của Mỹ rất hay, trong phim, một bạn sinh viên nữ đã hỏi một chính trị gia “Hãy cho biết làm sao tôi có thể đóng góp cho đất nước, làm cho nước Mỹ vĩ đại, nếu tôi chỉ dự định là sau khi học sẽ kết hôn và ở nhà, sinh con?”. Chưa kịp để cô gái nói hết câu, vị chính trị gia đã ngắt lời và nói “Ôi bạn ơi, sinh con chính là một công việc, một công việc cao quý và vĩ đại. Bạn sinh ra một đứa trẻ, nuôi dạy con bạn trở thành một công dân tốt, một người có ích, đó chính là đóng góp to lớn nhất của một công dân với đất nước”.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/viet-nam-co-the-tro-thanh-nuoc-co-dan-so-sieu-gia-vao-nam-2049-post1153100.vov