Mua vàng trang sức ngày vía Thần Tài: Bán lại lời hay lỗ?
Vàng trang sức thường đi kèm khoản phí gia công, chênh lệch giá mua - bán cao và lợi nhuận của cửa hàng nên không tối ưu để đầu tư như vàng miếng, vàng nhẫn.
![Vàng trang sức cũng là một trong những sản phẩm được ưa chuộng trong dịp vía Thần tài. Ảnh: Thế Bằng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_119_51417896/24272ccf1581fcdfa590.jpg)
Vàng trang sức cũng là một trong những sản phẩm được ưa chuộng trong dịp vía Thần tài. Ảnh: Thế Bằng.
Ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) là dịp nhiều người đi mua vàng với mong muốn cả năm tài lộc, may mắn. Trong ngày này, các loại vàng bán chạy nhất thường là vàng miếng, vàng nhẫn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá vàng nhẫn và vàng miếng tăng cao, vàng trang sức trở thành lựa chọn phù hợp hơn về giá cả. Ngoài ra, nhiều người thích mua vàng trang sức bởi tính thẩm mỹ cao, ngoài yếu tố vẫn là vàng có thể tích trữ còn có công dụng làm phụ kiện thời trang.
Vàng trang sức có phải là kênh đầu tư tốt?
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cá nhân khuyến cáo nếu mua vàng trang sức vào ngày vía Thần Tài với kỳ vọng có thể bán lại với giá tốt sau này thì không phải lựa chọn tối ưu.
Lý do là ngoài giá trị vàng nguyên chất, vàng trang sức còn bao gồm công chế tác, thương hiệu và thiết kế mẫu mã, khiến giá bán cao hơn nhiều so với giá vàng nguyên liệu. Khi bán lại, người bán sẽ chịu thiệt do các chi phí này không được tính vào giá trị thu hồi.
Chưa kể trong dịp vía Thần Tài, giá vàng thường bị đẩy lên cao do nhu cầu mua tăng đột biến. Sau ngày này, giá vàng thường hạ nhiệt, khiến những ai mua vàng vào đỉnh giá có thể bị lỗ ngay nếu muốn bán lại.
Khi bán lại, hầu hết tiệm vàng chỉ mua vàng trang sức theo giá vàng nguyên liệu. Tiền công chế tác lúc mua sẽ không được hoàn lại.
Nếu chọn vàng trang sức có tuổi vàng thấp (14K, 18K), mức lỗ sẽ càng lớn cho người mua vì các cửa hàng sẽ áp dụng giá mua vào thấp hơn nhiều so với giá vàng 24K.
![Vàng trang sức có giá trị thẩm mỹ cao nhưng không phải là lựa chọn tối ưu để đầu tư. Ảnh: SCMP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_119_51417896/3762368a0fc4e69abfd5.jpg)
Vàng trang sức có giá trị thẩm mỹ cao nhưng không phải là lựa chọn tối ưu để đầu tư. Ảnh: SCMP.
Mẹo giảm lỗ khi mua vàng trang sức
Có nhiều yếu tố quyết định số tiền có thể thu hồi khi bán lại vàng trang sức. Thứ nhất là loại vàng sử dụng để gia công sản phẩm. Vàng 9999 tương đương với 24K giữ giá tốt nhất vì có độ tinh khiết cao. Vàng 18K, 14K có tỷ lệ vàng nguyên chất thấp hơn nên khi bán lại giá cũng rẻ hơn.
Xếp sau hàm lượng vàng trong các sản phẩm trang sức là thương hiệu vàng. Các thương hiệu vàng lớn như SJC, PNJ, DOJI, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu, Mi Hồng... thường có chính sách thu mua tốt hơn với các sản phẩm do chính thương hiệu này chế tác. Do đó, để tối ưu, người dân nên bán vàng tại chính cửa hàng đã mua trước đó.
Tiếp theo là mẫu mã và độ tinh xảo. Vàng trang sức có thiết kế quá cầu kỳ hoặc mang tính thời trang cao có thể khó bán lại hơn. Ngược lại, các mẫu phổ biến như nhẫn trơn, dây chuyền trơn có thể dễ dàng bán lại với mức giá tốt.
Ngoài ra, giá bán lại vàng trang sức cũng chịu ảnh hưởng từ thị trường vàng tại thời điểm bán. Với các sản phẩm vàng trang sức 24K, giá mua - bán thường không chênh lệch nhiều so với các sản phẩm vàng miếng và vàng nhẫn trơn ép vỉ.
Trường hợp người dân muốn mua vàng trang sức mà không muốn chịu lỗ quá nhiều khi bán lại, có thể cân nhắc chọn vàng với hàm lượng cao như vàng 24K thay vì vàng 18K hay 14K. Ngoài ra, nên ưu tiên mua vàng tại các thương hiệu lớn, uy tín.
Với những người mua vàng chỉ để phục vụ mục đích đầu tư nên cân nhắc chuyển sang vàng miếng hoặc vàng nhẫn trơn ép vỉ để tối ưu lợi nhuận trên mỗi sản phẩm.