Việt Nam đã có kịch bản 50.000 ca mắc Covid-19
Ông Lương Ngọc Khuê khẳng định hệ thống điều trị Covid-19 của Việt Nam đang đáp ứng hiệu quả. Nếu số ca mắc lớn hơn thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn có thể làm chủ tình hình.
Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, Việt Nam đã vượt mốc 10.000 ca mắc Covid-19, 3 tỉnh, thành phố có số lượng bệnh nhân cao nhất là Bắc Giang (5.028), Bắc Ninh (1.454), TP.HCM (1.257). Đây là giai đoạn dịch có số lượng bệnh nhân mới tăng nhanh nhất từ trước đến nay. Kỷ lục là ngày 17/6, nước ta có thêm hơn 500 ca mắc.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết dù có những áp lực nhất định, ngành y tế vẫn có những tín hiệu lạc quan để đối phó nếu số ca mắc lớn được ghi nhận.
Lỗ hổng khiến dịch xâm nhập "thành trì cuối cùng"
- Thưa ông, việc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ghi nhận hàng chục nhân viên mắc Covid-19 có đáng lo ngại?
- Các nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM mắc Covid-19 trước đó đều đã được tiêm vacicne Covid-19. Việc vì sao cùng lúc 55 người nhiễm virus cần phải kiểm tra, xem xét kỹ. Cũng như sự việc cùng một thời điểm mà có tới 9 trường hợp bị phản ứng ở các mức độ sau tiêm chủng ở Sơn La cũng rất cần tìm rõ nguyên nhân. Trong cuộc tập huấn vào cuối tuần, chúng tôi cùng các chuyên gia sẽ trao đổi thêm vấn đề này.
Nhân viên y tế không may mắc Covid-19 không phải là chuyện bất thường. Ở các nước trên thế giới, tỷ lệ này là khá cao. Bởi, họ cũng là người bình thường như bất cứ ai.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê
Thực tế, nhân viên y tế không may bị mắc Covid-19 không phải là chuyện bất thường. Ở các nước trên thế giới, tỷ lệ này là khá cao. Bởi, họ cũng là người bình thường như bất cứ ai. Rời bệnh viện, họ cũng còn có gia đình, cũng cần có việc đi đây đó, có các mối quan hệ.
Trong cuộc chiến đấu với đại dịch này, họ thật sự là những chiến binh trên tuyến đầu. Nói thế để thấy dù nghiêm túc, quyết liệt chống dịch, không dung túng họ nếu nhỡ có sai sót, chúng ta cũng cần khách quan, khoa học, công tâm nhìn nhận sự việc ở nhiều chiều, nhiều góc độ.
- Đây không phải lần đầu tiên dịch tấn công vào cơ sở y tế. Liệu có sự lơ là trong phòng, chống dịch bệnh của các bệnh viện, đặc biệt là tuân thủ quy tắc 5K? Bộ Y tế có chỉ đạo gì về vấn đề này?
- Qua công tác kiểm tra, giám sát tôi nhận thấy hiện nay các bệnh viện, các cán bộ y tế đa số đều nghiêm chỉnh chấp hành cách quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch.
Bộ Y tế đã ban hành nhiều hướng dẫn như: Bộ tiêu chí “Bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” (ban hành tại quyết định 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế); Bộ tiêu chí “Phòng khám an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” (ban hành tại Quyết định 4999/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 1/12/2020).
Ngoài ra, một số các quy tắc các cơ sở y tế cần lưu ý như chia kíp làm việc cho khối nhân viên hành chính và lâm sàng cho phù hợp, làm việc độc lập, làm việc trực tuyến đối với các bộ phận hành chính, qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa với khu vực lâm sàng, hạn chế việc nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp, thực hiện 5K, không đi lại, hạn chế giao lưu giữa các khoa, phòng.
Bệnh viện phải thường xuyên sàng lọc, phát hiện sớm, hướng dẫn khai báo, đánh giá nguy cơ dịch tại bệnh viện, xét nghiệm cho khu vực phòng khám, hồi sức tích cực, điều trị bệnh nhân.
Chúng tôi cũng yêu cầu các nhân viên y tế dù đã được tiêm phòng vaccine, bệnh viện cũng phải thường xuyên tầm soát cho họ. Các nhân viên khi đến bệnh viện phải được kiểm tra các yếu tố nguy cơ, thực hiện đầy đủ hướng dẫn về đeo khẩu trang, mặc trang phục bảo hộ. Đồng thời, họ phải thay trang phục trước khi về nhà. Các phòng làm việc phải thông thoáng, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Nhận định ban đầu theo báo cáo của lãnh đạo đơn vị, đối với vụ việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nhân viên ở khu vực hành chính có thể đã bị lây virus từ ngoài cộng đồng. Khi vào bệnh viện, họ tiếp xúc mọi người trong khu vực ngoài và dịch tiếp tục lây lan. Các nhân viên khối hậu cần, hành chính tại đây đã có sự giao lưu, đi lại giữa các khoa, phòng. Nếu tiếp xúc gần, không tuân thủ 5K thì đó là những yếu tố nguy cơ rất lớn để lây bệnh.
Dịch tấn công liên tiếp vào cơ sở y tế là bài học lớn để các bệnh viện phải cảnh giác hơn, không chỉ chú trọng việc phòng ngừa lây nhiễm chéo trong khối y, bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mà còn đối với tất cả nhân viên trong bệnh viện, kể cả khối hành chính.
- Thưa ông, trong bối cảnh số ca bệnh nhiều, ghi nhận biến chủng mới, chiến lược điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam có thay đổi không?
- Biến chủng SARS-CoV-2 của làn sóng thứ 4 lây lan nhanh. Do đó, các biện pháp hiện nay cần phải nâng cao hơn, cảnh giác hơn một mức. Đặc tính của những biến chủng virus đang được ghi nhận là làm cho người nhiễm chuyển từ thể nhẹ sang nặng nhanh hơn. Nhiều người trẻ tuổi cũng chuyển nặng nhanh hơn.
Nếu như ở những đợt dịch trước, 80% người mắc có tình trạng nhẹ, ít triệu chứng, hiện, tỷ lệ này chỉ còn 65-70%.
Do bệnh nhân Covid-19 tại các tỉnh tăng nhanh, chúng ta không thể chuyển hết về các trung tâm lớn vì vừa không an toàn vừa gây quá tải cục bộ. Quan điểm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế là không chuyển bệnh nhân nhiều mà phải tổ chức đáp ứng 4 tại chỗ. Muốn điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng cần bác sĩ giỏi, có năng lực. Do đó, chúng tôi đang chỉ đạo nâng cao số lượng và chất lượng năng lực hệ thống hồi sức cấp cứu ở địa phương.
- Là người đứng đầu của cơ quan quản lý khám chữa bệnh, đặc biệt khi bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh và nặng như hiện nay, Ông phải chịu áp lực ra sao?
- Trách nhiệm của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, càng phải lớn hơn, áp lực hơn để làm sao thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, lãnh đạo Bộ Y tế cũng như đáp ứng được mong đợi của người bệnh và tâm huyết của các thầy thuốc.
Chúng tôi chỉ ước sao bệnh nhân chóng khỏi bệnh, các cơ sở y tế đủ năng lực đáp ứng điều trị ngày một tăng.
Hệ thống điều trị đang đáp ứng tốt
- Khi số ca nhiễm tiếp tục tăng nhanh, nếu phải đối mặt với kịch bản 30.000 ca nhiễm, hệ thống điều trị Việt Nam có đáp ứng được không?
- Chúng ta có sẵn kịch bản 10.000 đến 30.000 ca mắc. Đến nay, Việt Nam có hơn 11.300 ca mắc và hệ thống điều trị đang đáp ứng hiệu quả. Số bệnh nhân được chữa khỏi là 4.543 và chỉ có 61 trường hợp tử vong (chiếm khoảng 0,54% tổng số ca mắc, tỷ lệ thấp hơn rất nhiều nước trên thế giới).
Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân nhẹ chiếm khoảng 65-70%. Những trường hợp này ít triệu chứng, chỉ cần cách ly thật tốt, điều trị thuốc nâng cao thể trạng miễn dịch, bảo đảm về điều kiện chăm sóc là sẽ khỏi bệnh.
Vậy với kịch bản 30.000 ca mắc, khoảng 19.500-21.000 trường hợp nhẹ sẽ không cần phải có đội ngũ các thầy thuốc quá chuyên sâu và máy móc thiết bị hiện đại hỗ trợ điều trị.
Với tỷ lệ F0 có triệu chứng nhẹ, cộng thêm chiến lược tiêm vaccine, chúng ta hy vọng về khả năng đáp ứng đủ của các cơ sở điều trị.
TTND.PGS.TS Lương Ngọc Khuê
Khoảng 20-25% bệnh nhân còn lại (tương đương 7.000-8.000 người) ở loại trung bình có thể chuyển về thể nhẹ hoặc diễn biến nặng. Họ cần phải có hệ thống điều trị hỗ trợ như theo dõi các diễn biến nguy cơ.
Người bệnh cũng chưa cần thiết phải sử dụng hệ thống máy thở chức năng cao, ECMO, mà chủ yếu theo dõi sát các chỉ số về hệ hô hấp, chức năng, sốt, kết hợp sử dụng thuốc chống đông máu hay tăng cường miễn dịch, điều trị tích cực các bệnh nền, máy thở HFNC (thở máy không xâm nhập - PV).
Khoảng 5-7% của 30.000 ca nhiễm (1.500 người) cần phải đầu tư kỹ thuật cao và nhân lực chuyên môn sâu để có thể can thiệp ECMO, thở máy, thở oxy trung tâm… Việc điều trị cho các bệnh nhân này rất quan trọng, nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong.
Hiện nay, ngành y tế thiết lập các đơn nguyên của bệnh viện dã chiến có đơn vị hồi sức cấp cứu tích cực với đủ trang thiết bị để đáp ứng tình hình dịch. Vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra nhiều địa phương, chủ động lên phương án xây dựng bệnh viện dã chiến tại các địa phương này.
Việt Nam đã có kịch bản 30.000, 50.000 ca mắc. Tôi tin nước ta sẽ đáp ứng được. Thực tế, chúng ta có cơ sở để cách ly số lượng lớn. Với tỷ lệ F0 có triệu chứng nhẹ, cộng thêm chiến lược tiêm vaccine, chúng ta hy vọng về khả năng đáp ứng đủ của các cơ sở điều trị.
Trong đợt dịch bùng phát ở Đà Nẵng, nhiều ca mắc mắc bệnh nền. Còn đợt này chủ yếu là công nhân của các nhà máy nên không nhiều bệnh nhân nặng lắm. Chúng ta đã cấp cứu và cứu chữa khỏi được nhiều bệnh nhân.
- 70-80% bệnh nhân Covid-19 hiện tại là nhẹ và không có triệu chứng. Để giảm tải cho hệ thống điều trị, có nên cân nhắc việc điều trị những bệnh nhân này tại nhà?
- Nếu chúng ta có nhiều ca mắc, chẳng hạn số lượng lên tới 50.000 người, việc xem xét điều trị tại nhà đối với F0, không có diễn biến nặng cũng nên cần được đặt ra để các nhà chuyên môn xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhưng việc này phải đảm bảo các yêu cầu chuyên môn và quy trình kiểm soát nghiêm ngặt để không lây nhiễm ra cộng đồng, an toàn cho người bệnh.
Tuy nhiên, đó là phương án sau cùng, hiện chúng ta còn nhiều bênh viện chưa được huy động và các bệnh viện của quân đội, công an, khu resort cách ly, có thể cho bệnh nhân về đó điều trị mà vẫn đảm bảo yêu cầu về cách ly, không lây nhiễm chéo.
Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 8.994 bệnh nhân Covid-19 trong nước tại 40 tỉnh, thành phố. Dịch không chỉ lây lan trong cộng đồng mà xâm nhập nhiều thành trì y tế như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viet-nam-da-co-kich-ban-50000-ca-mac-covid-19-post1227686.html