Việt Nam đề nghị Anh hợp tác chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao
Trên cơ sở Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Anh hợp tác chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Ngày 1/2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã có buổi tiếp và làm việc với ông Greg Hands, Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Anh tại Hà Nội, nhằm bàn thảo về việc thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước trong thời gian tới.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn ông Greg Hands tiếp tục ủng hộ thúc đẩy hợp tác song phương và thương mại nông sản xứng với tiềm năng hai nước.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh từ đầu năm 2021 đến nay tăng trưởng mạnh nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA). Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu.
Thứ trưởng đề nghị Anh hợp tác chuyển giao công nghệ cho Việt Nam do Anh là quốc gia đạt được nhiều thành tựu về công nghệ. Đề nghị phía Anh hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cho cán bộ, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Anh có lợi thế về năng lượng tái tạo và năng lượng gió, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm và cần sự hỗ trợ hợp tác của Anh. Bên cạnh đó, các phương thức tổ chức sản xuất của Anh tại các nông trại là bài học kinh nghiệm rất quý với Việt Nam.
Theo Thứ trưởng NN&PTNT Việt Nam, năm 2022, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp là 3,36%, cao nhất trong nhiều năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD. Thặng dư thương mại là 8,67 tỷ USD. Nông sản Việt Nam được thị trường quốc tế đánh giá cao.
Sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã gắn với việc giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam hiện giảm mạnh lượng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly thuốc được giám sát chặt chẽ.
Sự tiếp cận theo hướng “Một sức khỏe” (nỗ lực hợp tác của nhiều lĩnh vực cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu để đạt được sức khỏe tối ưu cho con người, động vật và môi trường) được áp dụng trong sản xuất chăn nuôi.
Nền tảng sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã tiếp cận với chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, các mô hình sản xuất giảm phát thải trong thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt đã được thực hiện.
Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Greg Hands hoan nghênh những cam kết của Việt Nam tại COP26. Ông Greg Hands bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, hai bên tăng cường hợp tác hơn nữa để phát triển thương mại nông sản giữa hai nước.
“Việt Nam đã có những hành động cụ thể nhằm đạt được những cam kết COP26 từ góc độ nông nghiệp. Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính”, ông Greg Hands khẳng định.