Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 9

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử 'Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 9

Quốc vương hoàng tử Lê Tư Tề bước ra:

-Bẩm phụ vương, thần có tấu.

-Dạ bẩm phụ vương, hài nhi tán thành ý kiến của q uan Hành Khiển Nguyễn Trãi. Hơn nữa lời của ngài Đinh Bang Bảng không đủ chứng cớ, xin giao thư lại cho văn phòng hình sự để kiểm tra chữ của ai viết và mạo danh Đèo Cát Hãn. Xin phụ hoàng minh xét.

Lời tâu của Nguyễn Trãi và của Lê Tư Tề cũng giống suy nghĩ của Lê Thái Tổ nhưng ngài chưa biết quyết thế nào. Các quan văn võ thì sục sôi nhìn bọn gian thần Đinh Bang Bảng với những ánh mắt căm thù, Bọn Đinh Bang Bảng, Lê Quốc Khí... vênh mặt đắc thắng cười. Không khí đang nhốn nháo căng thẳng như vậy thì quan nội thị vào báo:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, có thám mã ở Cao Bằng về báo tin khẩn cấp.

-Cho vào ngay.

-Dạ, tuân chỉ.

Quan nội thị đi ra, một thám mã mệt nhọc, quần áo đầy gió bụi vào quỳ hành lễ:

-Hoàng Thượng vạn tuế, vạn tuế.

-Miễn lễ, có gì đứng dậy nói ngay đi.

-Dạ bẩm Hoàng thượng, Thổ ty châu Thạch Lãm, trấn Thái Nguyên (gồm Thái Nguyên-Cao Bằng) Bế Khắc Thiện, Nông Đắc Thái nổi dậy làm phản, trung tâm chính là thành Na Lữ, Cao Bằng ạ.

- Cho ngươi lui về dịch quán nghỉ ngơi ăn uống, đi một mạch 400 dặm về kinh đô báo tin đã rất mệt.

-Đa tạ Hoàng thượng.

Lê Thái Tổ nói:

- Tình hình khẩn cấp phải đem quân ứng chiến dẹp phản loạn. Ta sẽ thân chinh làm chủ soái. Quốc vương Lê Tư Tề nghe chỉ:

-Có Tề nhi, bẩm phụ hoàng.

-Quốc vương ở nhà thay ta điều hành và trông coi triều chính những ngày ta vắng mặt.

-Dạ, Tề nhi tuân chỉ.

-Trịnh Khả nghe chỉ:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, có thần.

-Khanh cầm 1 vạn quân đi tiên phong.

-Thần tuân chỉ.

-Nguyễn Xí nghe chỉ.

-Dạ bẩm Hoàng thượng, có thần.

-Khanh lĩnh 1 vạn quân đi hậu quân.

-Thần tuân chỉ.

-Lê Thụ nghe chỉ.

-Dạ bẩm Hoàng thượng có thần.

-Khanh dẫn 3 vạn quân đi trung quân cùng ta dẹp loạn.

-Thần tuân chỉ.

- Còn quan Thái bảo Phạm Văn Xảo, có thể khanh bị oan nhưng đã có lời tố cáo nên cần phải làm rõ vấn đề cho nên khanh chịu khó chờ ta diệt xong quân phiến loạn sẽ tra xét tiếp vụ án này.

Phạm Văn Xảo kêu:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, thần bị oan.

-Ta đã nói rồi. Đã có tố cáo nếu để khanh tại ngoại thì chính ta cũng phạm luật. Khanh định đẩy ta phạm luật chăng?

-Vậy vì Hoàng thượng thần tuân chỉ.

-Bay đâu.

Hai võ sĩ bước vào.

-Dạ, Hoàng thượng.

-Đem quan Thái bảo quản thúc ở tư dinh, đợi ta dẹp xong loạn về sẽ tra xét cho rõ.

-Tuân lệnh Hoàng thượng.

Hai võ sĩ dẫn Phạm Văn Xảo đi. Các quan nhìn theo thương xót. Đinh Liệt bước đến trước mặt bọn Đinh Bang Bảng, Lê Quốc Khí, Trịnh Hoành Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư nhổ một bãi nước bọt trước bọn chúng. Bọn Đinh Bang Bảng đang hí hửng vì Phạm Văn Xảo bị quản thúc tại nhà, liền sa sầm bộ mặt đen tối gian xảo của chúng. Nguyễn Tông Chí nói:

-Liệu hồn, sẽ đến lượt ngài đó.

Đinh Liệt khinh bỉ bỏ đi, mặc bọn gian thần đứng nhìn tức tối căm thù.

Sau buổi thiết triều định mệnh đó, Phạm Văn Xảo từ Huyện thượng hầu, Khu mật đại sứ, Thái bảo bị lính dẫn về nhà. Bốn lính cấm vệ thay nhau canh ngoài cổng đêm ngày. Phạm Văn Xảo được tự do trong tư dinh. Nhưng đang là mùa đông nên tư dinh như lạnh lẽo thêm. Sau những bữa cơm, Phạm Văn Xảo ngồi uống nước và buồn bã nhìn ra ngoài khung cửa sắt hiện ra không gian mùa đông u ám mờ mờ ảo ảo như tâm tư của ông. Phạm Văn Xảo ngồi tựa lưng vào ghế tràng kỷ, nhâm nhi ly nước trà, đăm chiêu suy nghĩ, hồi tưởng lại những tháng ngày đã qua...

Phạm Văn Xảo quê ở Đông Kinh, có tinh thần yêu nước thương dân. Tuy nghe tiếng có cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ lâu nhưng do hoàn cảnh gia đình có cha mẹ già không ai chăm sóc. Mãi tới đầu năm 1426 ông mới vào Nghệ An tham gia, khi đó nghĩa quân đã làm chủ từ Thanh Hóa đến Tân Bình-Thuận Hóa, thế lực hùng mạnh. Tháng 8 năm 1426 Lê Lợi cho ba đạo quân, mỗi đạo 1 vạn tiến ra giải phóng miền Bắc, vây hãm Đông Quan. Phạm Văn Xảo được ở trong đạo quân của Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lê Triện tiến ra phía Tây Bắc Đông Quan, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị tiến ra phía Đông Bắc, Đinh Lễ, Nguyễn Xí đánh ra thẳng Đông Quan. Số quân còn lại của Lam Sơn khoảng 15 vạn người bao vây quân Minh ở các thành Tân Bình, Nghệ An, Tây Đô (Thanh Hóa), Cổ Lộng, Chí Linh. Cánh quân Tây Bắc do Phạm Văn Xảo chỉ huy tiến đến Tam Giang (Phú Thọ) chặn đánh 1 vạn quân Minh do Đô ty Vân Nam Vương An Lão chỉ huy tiến đến cầu Xa Lộc. Quân Minh đại bại rút vào thành Tam Giang cố thủ.

Khi đó quân Minh thất bại liên tục nên vua Minh sai Sơn thành hầu Vương Thông đem 5 vạn quân sang tiếp viện. Vương Thông vào nhập với 5 vạn quân ở thành Đông Quan là 10 vạn, nắm quyền Tổng Binh thay Trần Trí. Vương Thông đem 10 vạn quân ra hướng Ninh Kiều để tiêu diệt quân Lam Sơn do Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lý Triện chỉ huy. Đinh Lễ, Lý Triện, Nguyện Xí đã đánh lừa Vương Thông và dụ 10 vạn quân Minh vào trận địa mai phục Tốt Động-Chúc Động (Chương Mỹ) và tiêu diệt 6 vạn địch, giết nhiều võ quan cao cấp. Tổng binh Vương Thông cũng bị thương, đem tàn quân chạy vào Đông Quan cố thủ. Lê Lợi ra lệnh cho quân Lam Sơn bao vây bốn mặt thành Đông Quan. Vương Thông cầu cứu viện binh. Tháng 9 năm 1427, vua Minh Tuyên Tông cử 15 vạn quân chia làm hai đường tiến vào Đông Quan. Đạo thứ nhất gồm 10 vạn quân do An Viễn hầu Liễu Thăng, một viên tướng trẻ theo đường Quỷ Môn Quan Lạng Sơn tiến vào, đạo thứ hai do Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh, một lão tướng già chỉ huy 5 vạn quân từ Vân Nam vào phủ Quy Hóa (Lào Cai) tiến xuống. Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả giữ ải Lê Hoa, châu Thủy Vĩ chặn đạo quân Mộc Thạnh.

Khi hay tin đạo quân Liễu Thăng cùng nhiều võ quan cao cấp bị tiêu diệt ở chiến dịch Chi Lăng-Xương Giang, cả 10 vạn quân chỉ một tên sống sót chạy được về nước, Mộc Thạnh ở đạo Tây bắc khiếp đảm bỏ chạy. Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả tung quân ra đánh, phá địch ở Lãnh Câu-Đan Xá, chém 2 vạn, bắt sống hơn 1.000 tên, thu nhiều quân lương, vũ khí.

Sau chiến thắng, nước nhà sạch bóng quân thù. Năm 1428 Lê Lợi luận công ban thưởng cho các tướng lĩnh. Phạm Văn Xảo được phong làm Thái bảo, được ban Quốc tính nên còn gọi là Lê Văn Xảo. Ngày 1tháng 5 năm 1429 Lê Thái Tổ cho khắc biển ghi tên các công thần và phong tước, Phạm Văn Xảo được phong tước Huyện thượng hầu, tên ông xếp thứ ba sau Phạm Vấn, Lê Sát, thăng hàm Thái úy. Ông trở thành Đại thần, khai quốc công thần được triều đình và thiên hạ trọng vọng.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-4b-bi-su-nha-le-so-1428-1527-ky-9-a20278.html