Việt Nam đón cực đại 'mưa sao băng kho báu' vào đêm nay
Thời điểm quan sát tốt nhất mưa sao băng cực đại Orionids là nửa đêm 21/10 đến rạng sáng 22/10 (theo giờ Việt Nam).
Trang Time and Date thông tin, kết quả định vị tại TP.HCM cho thấy đêm cực đỉnh của mưa sao băng Orionids đang tỏa sáng trên bầu trời sẽ rơi vào tối 21, rạng sáng 22/10 theo giờ Việt Nam.
Cụ thể, khoảng 22h30 (10h30 tối) những ngày cuối tháng 10 này, Orionids bắt đầu xuất hiện trọn vẹn trên bầu trời phía Đông và bạn có thể quan sát thấy nó nếu như có góc nhìn thoáng về phía Đông. Mặc dù vậy, thời điểm hợp lý nhất để quan sát hiện tượng này là nửa đêm tức rạng sáng ngày 21 và 22 tháng 10.
Năm nay, việc quan sát sẽ tương đối thuận lợi nếu như không có biến động về thời tiết, bởi ánh Mặt Trăng sẽ lặn sớm và bầu trời sau lúc nửa đêm sẽ không bị ánh Trăng làm lóa.
Như mọi trận mưa sao băng khác, người quan sát không cần sự hỗ trợ của bất cứ dụng cụ đặc biệt nào để quan sát hiện tượng này, chỉ cần một bầu trời đủ trong, một vị trí quan sát an toàn, và một chút kiên nhẫn.
Theo tính toán, mưa sao băng Orionids năm nay sẽ khá nhỏ, với khoảng 20 ngôi sao băng rơi mỗi giờ trong đêm cực đỉnh.
Gọi là "mưa sao băng kho báu" bởi chính phiên bản "song sinh" của cơn mưa sao băng Orionids này - Eta Aquarids - đã giúp một gia đình ở New Jersey - Mỹ "trúng số" lớn vào tháng 5 năm nay.
Một thiên thạch lớn rơi ngay xuống giữa nhà họ, rất may mắn là một phòng ngủ không người. Tuy phải sửa mái nhà nhưng họ đã tìm thấy một kho báu vũ trụ thực sự, bởi thiên thạch được các nhà khoa học cho là một ngôi sao băng từ trận mưa sao băng Eta Aquarids, tức một mảnh của sao chổi Halley.
Được biết vào hồi cuối tháng 5, thiên thạch Eta Aquarids vẫn đang được phân tích, nhưng nếu nó không bị ô nhiễm và được xác định là thuộc về sao chổi Halley, nó sẽ trở thành một kho báu vô song.
Sẽ là điều cực kỳ may mắn nếu một ai đó có cơ hội nhặt được báu vật tương tự từ Orionids.
Theo Hội Thiên văn Việt Nam, mưa sao băng Orionids là hiện tượng hệ quả của sao chổi nổi tiếng Halley. Đây là một sao chổi chu kỳ ngắn, hoàn thành một vòng quỹ đạo trong 76 năm và lần cuối cùng nó tiến tới cận điểm để chúng ta quan sát được là năm 1986.
Tuy tất cả sao băng là thiên thạch từ đuôi của Halley bị đốt cháy, bừng sáng trong bầu khí quyển Trái Đất, nhưng mưa sao băng sẽ được đặt tên theo tên các chòm sao nơi chúng phát sinh.
Với Orionids, nó sẽ như tỏa ra từ chòm sao Lạp Hộ (Orion), tức chòm sao mang hình người thợ săn.