Việt Nam dự kiến đạt 2,7 tỷ USD ở lĩnh vực game và ứng dụng năm 2026
Việt Nam nằm trong top 5 về phát hành game trên thế giới với 4,2 tỷ lượt tải. Dự kiến năm 2026, doanh thu từ game và ứng dụng tại Việt Nam sẽ đạt 2,7 tỷ USD.
Đây là những thông tin được ông Zuy Nguyen, Cố vấn phát triển thị trường quốc tế, game và ứng dụng, phụ trách thị trường Đông Nam Á, Google châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ tại sự kiện GameVerse 2024 vừa qua.
Nói về câu chuyện phát triển game Made in Vietnam, ông Zuy Nguyen nhắc lại câu chuyện của Flappy Bird, một game được phát triển trong 3 ngày nhưng đạt tới 66,5 triệu tải trên các kho ứng dụng và nằm trong top bảng xếp hạng thị trường Mỹ và Trung Quốc vào tháng 1/2014. Mặc dù nhà phát triển Nguyễn Hà Đông đã gỡ game khỏi các kho ứng dụng sau đó, nhưng Flappy Bird vẫn tiếp tục được quan tâm, thậm chí có người đã trả 90.000 USD trên eBay để mua một chiếc điện thoại có cài game này.
Sự thành công của Flappy Bird đã thúc đẩy ngành game Việt phát triển mạnh mẽ và ngày nay Việt Nam đang nằm trong top 5 về phát hành game trên thị trường toàn cầu, với 4,2 tỷ lượt tải và có tốc độ tăng trưởng nhanh gấp 2,5 lần so với thế giới.
Theo đại diện Google, yếu tố đầu tiên làm nên thành công của các game Made in Vietnam đó là các nhà phát triển game rất trẻ, không có tâm lý sợ hãi và sẵn sàng làm cái mới. Đây là một lợi thế. Họ cũng cho thấy sự linh hoạt khi sẵn sàng thử các phương án khác để đem lại hiệu quả cao hơn.
Thứ hai, hiện Chính phủ cũng xem game là mảng xuất khẩu quan trọng, đang nỗ lực đầu tư và hỗ trợ cho ngành. Sự kết hợp giữa doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan quản lý đang đưa ngành công nghiệp game phát triển mạnh mẽ.
Tiếp theo, các doanh nghiệp game đã có sự kết hợp với nhau để cùng phát triển, sự xuất hiện của liên minh các nhà phát triển game Việt Nam đã đưa hệ sinh thái game lên một tầm cao mới.
Cuối cùng là lập trình viên Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp quyết liệt, sáng tạo, tìm ra các hướng đi mới, biết tạo ra các sản phẩm đặc thù, mà điển hình là sự xuất hiện của game Axie Infinity đem về doanh thu hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, các công ty như Amanotes, Topebox hay OneSoft… có những thế mạnh riêng và luôn đổi mới không ngừng, tạo ra sức mạnh để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Zuy Nguyen cho biết, tiềm năng để các nhà phát triển game ở Việt Nam chinh phục thế giới vẫn còn rất nhiều, điển hình là sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi như Ấn Độ sẽ mang đến hàng tỷ người dùng tiếp theo, với dân số trẻ và khả năng chi tiêu mua hàng trong game ngày càng cao.
Gaming đang trở thành một xu hướng. Nếu trước đây lĩnh vực này chỉ tập trung vào giới thích chơi game, thì giờ đây nó là một hoạt động giải trí dành cho tất cả mọi người, mở ra nhóm người dùng mới. Tuy nhiên, thị trường sẽ ngày càng cạnh tranh, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có cách tiếp thị và kết nối cộng đồng để thu hút người chơi, cạnh tranh với đối thủ.
Bên cạnh đó, các game ngày nay cũng đòi hỏi phải có sự chuyên môn hóa sâu hơn. Trước đây, một người có thể làm ra được game, nhưng giờ đây cần một đội ngũ có chuyên môn sâu mới tạo ra được các sản phẩm thành công, trong bối cảnh thị trường ngày càng trở nên khốc liệt.
Để hỗ trợ phát triển thị trường game Việt vươn lên mạnh mẽ trên toàn cầu, thời gian vừa qua, Google đã đồng hành với các nhà phát triển game Việt Nam, giúp họ cải thiện chất lượng game, tối ưu hóa mảng doanh thu, xây những game có vòng đời dài hơn và có chiều sâu. Bên cạnh đó, "ông lớn" công nghệ này cũng có các hoạt động tập trung nuôi dưỡng thế hệ sau, nâng cao kỹ năng cho lập trình viên với các chương trình đào tạo, mang các doanh nghiệp game, chuyên gia hàng đầu thế giới về hỗ trợ và đào tạo cho các nhà phát hành trong nước.
Google cũng giới thiệu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ cho ngành game, đặc biệt là với AI tạo sinh, giúp các nhà phát hành game Việt Nam đưa vào game các tính năng đặc sắc, tối ưu về quảng cáo… thu hẹp khoảng cách với các nhà phát triển game trên thế giới.
Với những yếu tố trên, đại diện Google dự kiến, đến năm 2026, ngành game và ứng dụng tại Việt Nam sẽ đạt doanh thu lên đến 2,7 tỷ USD.