Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu dệt may

Dự kiến đến cuối năm 2024 tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may sẽ cán đích gần 44 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu dệt may, chỉ xếp sau Ấn Độ.

Toàn cảnh buổi họp thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai năm 2025. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh buổi họp thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai năm 2025. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ngày 25/12, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức họp thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai năm 2025.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho hay, đến nay các doanh nghiệp dệt may tận dụng thị trường và có đơn hàng đến hết quý I, thậm chí quý II/2025. Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất, với mức trên 10% và dự kiến đến cuối năm 2024 tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ cán đích gần 44 tỷ USD.

Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu dệt may, chỉ xếp sau Ấn Độ khi nước này đạt tăng trưởng gần 7%. Trung Quốc có tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng là 273,4 tỷ USD, chỉ tăng 2%; Bangladesh tăng trưởng xuất khẩu giảm và chỉ xuất được 27,7 tỷ USD.

Ông Hiếu cho biết: Năm 2025, Vinatex sẽ phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột môi trường - xã hội - quản trị và tài chính (ESGF). Cụ thể, Vinatex đẩy nhanh tốc độ đổi mới phương thức quản trị thông qua chuyển đổi số và áp dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp tốt nhất đang có trong Tập đoàn đến tất cả các doanh nghiệp. Đồng thời, ứng dụng công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo để giảm sự phụ thuộc vào lao động, đưa giá trị một người lao động trong ngành dệt may theo kịp bước tiến của kinh tế cả nước; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, thị trường ngách, tạo những giá trị riêng ngoài sản xuất hàng dệt may thông thường, tự xây dựng rào cản công nghệ và thị trường để bảo vệ sự bền vững của Tập đoàn. Bên cạnh đó, từng bước cân bằng giữa khu vực sản xuất cạnh tranh cao với khu vực có giá trị sáng tạo lớn.

Ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó chánh Văn phòng Vinatex chia sẻ, tín hiệu tăng trưởng tốt hơn khi thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU phục hồi kinh tế, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện với triển vọng cho ngành dệt may tốt hơn. Về việc dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh, ông Cầm nhìn nhận đây là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may.

Tuy nhiên, đơn hàng từ Bangladesh chủ yếu là những mặt hàng cơ bản, giá thấp với lợi thế cạnh tranh từ tiền lương nên không phải đơn vị nào cũng tận dụng được. Bởi chi phí lao động, tiền lương của Bangladesh ở mức thấp, chỉ bằng 30% của Việt Nam, dao động 100 - 120 USD/tháng, trong khi Việt Nam là 400 USD/tháng. Vì vậy, các đơn hàng có giá trị gia tăng không nhiều, song những đơn hàng này mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp làm các mặt hàng cơ bản.

Với ngành dệt may Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024 thị trường tuy có khá hơn nhưng vẫn là mạch trầm lắng khó khăn của 2023 kéo dài. Trong 6 tháng cuối năm đơn hàng vào Việt Nam tăng đột biến do những biến động chính trị bất ngờ tại các quốc gia cạnh tranh. Vượt qua một năm nhiều khó khăn, tập đoàn và ngành dệt may vẫn giữ được đà tăng trưởng và không có đơn vị nào bị lỗ. Theo đó, doanh thu hợp nhất ước đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 2,8%. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2023. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 10,3 triệu đồng/tháng, tăng 8,9%.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex phát biểu tại buổi họp thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai năm 2025. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex phát biểu tại buổi họp thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai năm 2025. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Để đạt lược được kết quả đáng nghi nhận trên, ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ, năm 2024, Vinatex đã tập trung khai thác thị trường mới, thị trường ngách bằng các sản phẩm đặc biệt, kỹ thuật cao như vải và trang phục chống cháy (hợp tác kinh doanh với Tập đoàn COATS, Vương Quốc Anh), nghiên cứu phát triển các loại sợi lõi Filament, sợi pha mới; triển khai triệt để hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp trên nền tảng số (ERP).

Đồng thời, triển khai các hoạt động về phát triển bền vững trong doanh nghiệp dệt may đáp ứng yêu cầu xanh hóa ngành dệt may như: tổ chức hội nghị, hội thảo về phát triển bền vững, báo cáo ESG (môi trường, xã hội và quản trị); chỉ đạo đầu tư thêm nhà máy xử lý nước thải số 2 công suất 8.000 m3/ngày đêm bên cạnh Nhà máy xử lý nước thải số 1 công suất 10.000 m3/ngày đêm cho ngành dệt nhuộm tại Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối Hưng Yên, hướng tới xây dựng khu công nghiệp dệt may xanh kiểu mẫu tại khu vực phía Bắc...

Vinatex cũng đổi mới cách thức quản lý, đánh giá người đại diện vốn tại các doanh nghiệp, qua đó tạo mạng lưới kết nối giữa các đơn vị trong Tập đoàn thông qua người đại diện vốn nhằm chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm quản trị. Đặc biệt, Tập đoàn kiên trì chiến lược liên kết chuỗi vì mọi nhận định đều cho thấy hoạt động theo chuỗi có hiệu quả rõ rệt hơn. Công tác dự báo thị trường được thực hiện thường xuyên, kịp thời; quản trị sản xuất và hệ thống hoạt động tích cực tại từng đơn vị. Ngoài ra, Tập đoàn triển khai nhiều giải pháp quản trị sản xuất đối với các đơn vị may còn yếu; công tác tổ chức, tái cơ cấu một số nhà máy, hoạt động khảo sát, đánh giá hệ thống sản xuất và máy móc thiết bị công nghệ được thực hiện tại các đơn vị bước đầu có hiệu quả…

Ngọc Trần/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/viet-nam-dung-thu-hai-the-gioi-ve-xuat-khau-det-may/358004.html