Việt Nam được bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO, sẵn sàng với trách nhiệm kép
Việt Nam sẽ tiếp tục đảm đương tốt trách nhiệm kép, với UNESCO và với cộng đồng quốc tế, trong thời gian tới.
Trong phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO ngày 17.11 tại trụ sở ở thủ đô Paris, Pháp, Việt Nam chính thức được các nước thành viên UNESCO bầu vào Hội đồng chấp hành, một trong những cơ quan điều hành quyền lực nhất của Tổ chức.
Với số phiếu nhận được là 163 trên tổng số 178 phiếu bầu, Việt Nam là một trong những nước giành số phiếu cao nhất trong đợt bầu cử này. Ngoài Việt Nam, 5 nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trúng cử được UNESCO thông báo là Trung Quốc, đảo Cook, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines.
Với kết quả bầu cử lần này, Việt Nam cũng sẽ lần thứ 5 trở thành thành viên của Hội đồng chấp hành, một trong hai cơ quan quyền lực quan trọng nhất của UNESCO. Hội đồng chấp hành UNESCO bao gồm 58 thành viên, là cơ quan thay mặt Đại hội đồng UNESCO trong thời gian giữa hai kỳ họp, giám sát việc thực hiện chương trình hoạt động và quản lý ngân sách, duy trì quan hệ với LHQ và các tổ chức quốc tế khác thuộc LHQ, lập chương trình nghị sự và chuẩn bị cho Đại hội đồng, đề nghị kết nạp thành viên mới, giới thiệu người ứng cử vào chức vụ Tổng Giám đốc đồng thời bầu Tổng Giám đốc...
Các ủy viên Hội đồng chấp hành có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược và xây dựng chương trình hành động của UNESCO. Do Hội đồng chấp hành UNESCO có vai trò và quyền lực rất lớn trong việc hoạch định chính sách của tổ chức nên sức ép và trách nhiệm của các nước được bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO cũng sẽ rất lớn.
Theo ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, với uy tín và kinh nghiệm của mình, Việt Nam sẽ tiếp tục đảm đương tốt trách nhiệm kép, với UNESCO và với cộng đồng quốc tế, trong thời gian tới.
Về các ưu tiên hành động cũng như các đóng góp của Việt Nam đối với UNESCO trong vai trò mới, ông Mai Phan Dũng cho biết: “Việt Nam sẽ có những đóng góp của mình cho những vấn đề lớn, cho việc thực hiện các chương trình hoạt động lớn mà UNESCO dự kiến triển khai trong thời gian tới, đó là kế hoạch tiếp tục cải tổ UNESCO để tổ chức hoạt động dân chủ, hiệu quả hơn, sát hơn với nhu cầu của các quốc gia thành viên. Tiếp đến là triển khai chiến lược trung hạn của UNESCO với những định hướng lớn đã được xác định rất cụ thể trên tất cả các lĩnh vực của UNESO, trong giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin-truyền thông, ví dụ như trong kỳ Đại hội đồng lần này UNESCO đã xác định các định hướng lớn về khoa học mở, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo hay tương lai của giáo dục”.