Việt Nam được biết đến như là một nơi có nhiều loài động vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng cao

'407 loài động vật vào sách đỏ Việt Nam năm 2007 với các mức độ khác nhau từ hiếm đến nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng. 7 loài động vật của Việt Nam nằm trong danh sách 100 loài bị đe dọa nhất trên thế giới' - ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho biết.

Ông Lê Trọng Đảm phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Lê Trọng Đảm phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo tăng cường sự tham gia của báo chí trong phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) và TRAFFIC tổ chức sáng 13/6.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, được sự đồng ý và cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp do USAID tài trợ, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và Tổ chức TRAFFIC đã ký kết hợp tác triển khai các hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án "Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp".

Một trong những nội dung trọng tâm của dự án là kiện toàn, mở rộng, phát triển mạng lưới phóng viên điều tra về tội phạm động vật hoang dã, thúc đẩy nỗ lực của khối nhà nước, tư nhân trong đấu tranh chống buôn bán động vật hoang dã nhằm phát hiện, đưa tin về tội phạm động vật hoang dã.

Tham gia mạng lưới, các nhà báo, phóng viên điều tra về tội phạm động vật hoang dã sẽ được đào tạo, tập huấn, hỗ trợ từ các tổ chức, các chuyên gia các kiến thức, kinh nghiệm điều tra về hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật, đặc biệt là động vật hoang dã nguy cấp. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho đội ngũ nhà báo, phóng viên lĩnh vực nông nghiệp về khung pháp lý, chính sách về bảo tồn động vật hoang dã; khẳng định vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong vận động sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành Trung ương và địa phương, giải quyết nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.

Ngoài ra, dự án cũng sẽ tiến hành tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng đối với các vụ án liên quan đến tội phạm động vật hoang dã thông qua hoạt động trao giải báo chí hàng năm.

Ông Vương Tiến Mạnh thông tin các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ và xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Vương Tiến Mạnh thông tin các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ và xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: Bích Nguyên

Thông tin về tình hình buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam, ông Vương Tiến Mạnh thông tin: “Số liệu từ các cơ quan truy tố, xét xử cho thấy giai đoạn 2019 đến hết năm 2021 các cơ quan đã xét xử gần 400 vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo Điều 244 của Bộ Luật hình sự với trên 500 bị cáo bị truy tố. Riêng với sừng tê giác, từ tháng 8/2019 đến hết năm 2021, lực lượng Hải quan đã bắt giữ, tịch thu trên 353kg sừng tê giác nhập khẩu trái pháp luật”.

Tại hội thảo, các nhà báo có dịp chia sẻ kinh nghiêm thực hiện đề tài về động vật hoang dã, những khó khăn trong tác nghiệp và nhu cầu hỗ trợ về kỹ năng trong điều tra hoạt động buôn bán động vật hoang dã.

Mạng lưới các nhà báo, phóng viên cam kết tham gia chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật cũng ra mắt tại hội thảo.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-nam-duoc-biet-den-nhu-la-mot-noi-co-nhieu-loai-dong-vat-hoang-da-bi-de-doa-tuyet-chung-cao-post462228.html