Việt Nam hành động quyết liệt để thực hiện mục tiêu Net Zero
Nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp, chính sách, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong tất cả các lĩnh vực.
Net Zero là gì?
Net Zero hay còn được hiểu là "Phát thải ròng bằng 0" là một mục tiêu môi trường nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính (như CO2, CH4, N2O) do con người gây ra xuống mức cân bằng với khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí thải của Trái Đất, đến mức mà tổng lượng khí thải ròng được giảm xuống bằng không nhằm ngăn chặn tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Mục tiêu đạt được phát thải ròng bằng 0 nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris, với hy vọng giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C và nỗ lực hạn chế sự tăng nhiệt dưới mức 1.5°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Để đạt được điều này, cả chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân đều cần cam kết giảm phát thải và hỗ trợ các giải pháp cho khả năng hấp thụ carbon, tạo ra một nền kinh tế toàn cầu ít carbon hơn và bền vững hơn.
Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ tham vọng sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thông qua xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.
Ngày 26/07/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 896/QĐ - TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tại COP28 (2023), Việt Nam tái khẳng định nỗ lực và quyết tâm của mình để chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đồng thời một lần nữa cho thế giới thấy sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành và người dân trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Từ cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại COP26, Việt Nam đã triển khai nhiều hành động và sáng kiến cụ thể.
Gần đây nhất, trong Chiến lược quốc gia về Về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã công bố mục tiêu giảm phát thải 43,5% vào năm 2030, các mục tiêu phát thải theo ngành cụ thể vào năm 2030 và 2050, cũng như các đề xuất định tính để đạt được các mục tiêu này.
Việt Nam hành động quyết liệt để thực hiện mục tiêu Net Zero
Theo McKinsay & Company - một trong ba công ty tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới của Mỹ nhận định, Việt Nam có nhiều lộ trình tiềm năng để đạt Net Zero, hay phát thải cacbon ròng bằng 0 đến năm 2050.
Để phác thảo một kịch bản có thể giúp Việt Nam đạt được tham vọng về khí hậu, McKinsay & Company đã tiến hành phân tích về các ngành kinh tế trọng điểm của đất nước và quỹ đạo phát thải cần thiết. Các hành động quyết liệt và tập trung thận trọng nhằm giảm lượng khí thải trong các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là năng lượng, có thể đưa Việt Nam vào con đường có khả năng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tại Hội nghị COP28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Thủ tướng khẳng định chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt được định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và các mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần lấy người dân làm trung tâm.
Trước đó, Việt Nam đã có những bước triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ và đầy tham vọng thời gian qua để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Thủ tướng nhấn mạnh 12 hành động cụ thể của Việt Nam, trong đó có việc xây dựng nhiều chiến lược, quy hoạch theo hướng xanh, giảm phát thải, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo…
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết thêm, các thị trường đang thúc đẩy thế giới hướng tới mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch cao nhất. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hiện dự đoán than, dầu và khí đốt sẽ đạt đỉnh cao “trước năm 2030”. Do đó, việc phát triển và mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió, thủy điện và năng lượng sinh học là những bước đi quan trọng để giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch ơ Việt Nam.
Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết năm 2022, đã có 8.908 MW điện mặt trời, 7.660MW điện mặt trời áp mái, 5.059 MW điện gió, 395 MW điện sinh khối và điện chất thải rắn trong tổng công suất nguồn điện. Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, các nguồn điện năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện, điện mặt trời, gió, sinh khối) tăng từ 38,2 GW năm 2020 lên 73,78 GW; tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu công suất chiếm 50,3%, mặc dù tỷ trọng thủy điện ước tính giảm từ 30% xuống 20% do tiềm năng còn ít; điện sản xuất từ nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm 36%. Đến năm 2050, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo là gần 400 GW, chiếm 69,8% tổng công suất nguồn điện. Vì vậy, Quy hoạch điện VIII sẽ là nền tảng cho chính sách năng lượng trong những năm tới.
Ngoài lĩnh vực năng lượng, Việt Nam cũng đã có các nghị quyết, chủ trương chung về phát triển nhanh, bền vững, về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021- 2030 thông qua tại Đại hội XIII cũng như đề cập rất rõ trong các nghị quyết của Đảng. Chính phủ cũng ban hành các chiến lược như Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược Biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, định hướng chính là thực hiện nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; tiếp tục bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững.
Trong lĩnh vực các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp, cần cải tiến, phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển và sử dụng các loại vật liệu xanh; ứng công nghệ mới để giảm phát thải N2O trong công nghiệp hóa chất.
Trong lĩnh vực chất thải, cần giảm phát sinh chất thải thông qua phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu phí theo khối lượng; đẩy mạnh tái chế thông qua cơ chế mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (EPR). Đồng thời, cần hạn chế chôn lấp, tăng cường xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; sản xuất phân compost từ chất thải hữu cơ; đốt chất thải rắn để phát điện; sản xuất viên nén nhiên liệu từ chất thải rắn.
Bên cạnh đó những chủ trương, chính sách của chính phủ, nhiều doanh nghiệp trên cả nước cũng quyết định tham gia xây dựng cụm công nghiệp “Net Zero”. Nhiều doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ đã tiên phong đi đầu trong việc phát triển kinh tế xanh.
Ngày 5/6/2024 tới đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Kinh môi trường phối hợp cùng Tạp chí Việt – Đức; Công ty cổ phần Nature World; Công ty CP Công nghệ và truyền thông Push Media; Công ty CP Life Media Global sẽ tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế xanh và bền vững - Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero" tại Khách sạn JM Marriot (số 8 Đỗ Đức Dục, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Hội thảo sẽ có sự góp mặt của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; Đại diện các tổ chức quốc tế; Đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước (Hiệp hội BĐS, Hiệp hội Công Nghiệp và các Hội ngành nghề liên quan, Ban quản lý các KCN, Các doanh nghiệp sản xuất Công nghiệp, Doanh nghiệp công nghiệp FDI, các Công ty Năng lượng)...