Việt Nam - Indonesia còn nhiều tiềm năng phát triển các chuỗi cung ứng

Việt Nam - Indonesia còn nhiều tiềm năng hợp tác duy trì các chuỗi cung ứng hiện có và cùng nhau phát triển các chuỗi cung ứng mới để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Ngày 19/8/2023, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 (AEM 55) đang diễn ra tại thành phố Semarang, Indonesia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC).

Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Chính sách thương mại và đa biên, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Indonesia (KADIN).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Indonesia (KADIN).

Nhiều sáng kiến kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dành thời gian tiếp và làm việc với Phòng Thương mại Công nghiệp Indonesia, ông Arsjad Rasjid cho biết, trong năm 2023, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC), KADIN sẽ giới thiệu 7 chương trình đột phá kế thừa (legacy breakthroughs) triển khai 5 vấn đề ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia gồm chuyển đổi số, phát triển bền vững, an ninh lương thực, tự chủ y tế và tạo thuận lợi thương mại nhằm hiện thực hóa chủ đề năm Indonesia là Chủ tịch ASEAN “Tâm điểm của Tăng trưởng”.

Ông Arsjad Rasjid cho biết, 05 lĩnh vực trên đều là những lĩnh vực được Chính phủ Indonesia quan tâm, mong muốn thực hiện trong năm Indonesia là Chủ tịch ASEAN và kêu gọi các nước thành viên ủng hộ các chương trình này.

Về lĩnh vực Chuyển đổi số, KADIN đang nỗ lực triển khai các chương trình số hóa tập trung vào công nghệ tài chính và thương mại điện tử như mã QR ASEAN, Nền tảng cho vay ASEAN P2P… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy thanh toán trong khu vực, kết nối cộng đồng doanh nghiệp.

Về lĩnh vực Phát triển bền vững, KADIN đề xuất thành lập Trung tâm Trung hòa carbon ASEAN (ASEAN Net Zero Hub) và Trung tâm Ưu việt về Carbon (The Carbon Center of Excellence) nhằm xử lý các vấn đề về môi trường và giúp các nước ASEAN đạt được mục tiêu phát thải bằng 0.

Về lĩnh vực Tự chủ y tế, Chủ tịch ABAC 2023 giới thiệu Chiến dịch tiêm chủng “ASEAN One Shot” nhằm tăng cường năng lực sản xuất, khả năng phục hồi và sự sẵn sàng của hệ thống y tế khu vực trước các đại dịch trong tương lai.

KADIN cũng mong muốn các nước ASEAN hợp tác với nhau để phát triển nguồn nguyên liệu dược phẩm tại chỗ để sản xuất thuốc và dược phẩm, hạn chế việc nhập khẩu thuốc.

Về lĩnh vực An ninh lương thực (Food Security), ABAC sẽ chủ trì các chương trình đảm bảo an ninh lương thực và hỗ trợ nông dân, ngư dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Indonesia cũng đề xuất về khả năng hợp tác với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam về các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

Về lĩnh vực Tạo thuận lợi Thương mại và Đầu tư (Trade and Investment Facilitation), Indonesia sẽ tiếp tục phối hợp với các nước trong ASEAN, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đồng thời tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tham gia sâu hơn vào các hoạt động kinh doanh, giao thương tại khu vực.

Tiềm năng hợp tác, phát triển các chuỗi cung ứng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ và đánh giá cao những sáng kiến, lĩnh vực hợp tác đề xuất của Phòng Thương mại, Công nghiệp Indonesia trong năm là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dưới sự dẫn dắt của KADIN, những sáng kiến hợp tác này được triển khai trên thực tế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nước ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bộ trưởng cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ và các cơ quan, Bộ ngành Việt Nam trong đó có Bộ Công Thương Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển các lĩnh vực trên, trong đó Bộ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng nhằm thực hiện giảm thiểu phát thải ròng, hợp tác y tế với các nước…

Bộ Công Thương cũng chú trọng hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Indonesia thực hiện các hoạt động thương mại và đầu tư.

Hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác, và cần phối hợp chặt chẽ với nhau để duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác để hình thành và cùng nhau phát triển các chuỗi cung ứng mới để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực công nghiệp, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như thủy sản, công nghiệp xe điện, đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp Halal và du lịch…”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển, Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị KADIN cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tiếp cận, thực hiện các hoạt động kinh doanh, giao thương tại thị trường của nhau, tham dự các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại tổ chức tại Indonesia và Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị KADIN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam để có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, thực chất hơn trong thời gian tới.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/viet-nam-indonesia-con-nhieu-tiem-nang-phat-trien-cac-chuoi-cung-ung-109365.htm