Việt Nam khẳng định cam kết đối với 'Hiến pháp của đại dương' UNCLOS

Là một thành viên có trách nhiệm của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp hiệu quả, thiết thực trong thực hiện Công ước được xem là bản 'Hiến pháp của đại dương', là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển, đóng vai trò nền tảng cho hợp tác và hành động của quốc gia, khu vực và toàn cầu trên biển.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị lần thứ 33 các quốc gia thành viên UNCLOS 1982

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị lần thứ 33 các quốc gia thành viên UNCLOS 1982

Điều kiện tiên quyết bảo đảm hòa bình, an ninh ở Biển Đông

Tại Hội nghị lần thứ 33 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 diễn ra từ ngày 12 đến 16-6 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), đại diện của 169 quốc gia thành viên đã cùng nhau xem xét tình hình thực thi UNCLOS 1982 trong năm qua cũng như báo cáo hoạt động của các cơ quan thành lập theo UNCLOS 1982 như Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Ủy ban ranh giới thềm lục địa, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương và bầu cử một số thẩm phán ITLOS. Hội nghị cũng đã xem xét Báo cáo thường niên của Tổng thư ký Liên hợp quốc mang tên “Các đại dương và Luật biển,” trong đó cho rằng “sức khỏe của đại dương tiếp tục suy giảm do nhiều tác nhân như tăng axít hóa đại dương, thừa dưỡng chất trong nước biển, ô nhiễm rác thải nhựa, đe dọa hệ sinh thái lớn nhất hành tinh và ảnh hưởng tới sinh kế của hàng tỷ người…

Báo cáo kêu gọi cần có ngay những nỗ lực khẩn cấp để ứng phó các thách thức đối với các nước đang phát triển, trong đó có việc xây dựng năng lực, phát triển nền kinh tế biển bền vững và giải pháp tài chính đổi mới sáng tạo. Nhân kỷ niệm 40 năm thông qua UNCLOS 1982, Báo cáo cho rằng cần thổi một luồng gió mới vào nỗ lực của các quốc gia và tổ chức quốc tế để tăng cường thực thi đầy đủ và hiệu quả Công ước và các Hiệp định thực thi văn kiện này.

Đa số phát biểu tại Hội nghị năm nay tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS 1982, với vai trò là khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh các hoạt động và các vấn đề liên quan đến biển. Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ Công ước này, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực biển và đại dương, ứng phó với các thách thức như ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, đóng góp vào thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững biển và đại dương.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam - khẳng định, với vai trò “Hiến pháp của đại dương” trong suốt hơn 40 năm qua và là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển, UNCLOS 1982 và các Hiệp định thực thi đã đóng vai trò nền tảng cho hợp tác và hành động của quốc gia, khu vực và toàn cầu trên biển. Đại sứ nêu rõ, là một trong những thành viên sáng lập của Nhóm bạn bè UNCLOS 1982, Việt Nam tiếp tục tái khẳng định cam kết đối với Công ước và gìn giữ sự phổ quát, toàn vẹn và thực thi đầy đủ Công ước này.

Liên quan đến tình hình Biển Đông, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhắc lại quan điểm của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, đồng thời bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây trên Biển Đông có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.

Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định, việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển trên vùng biển được thiết lập theo UNCLOS 1982 là điều kiện tiên quyết cho việc duy trì và bảo đảm hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Biển Đông. Trên cơ sở đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan kiềm chế và tránh thực hiện các hoạt động gây phức tạp tình hình hoặc leo thang căng thẳng trong khu vực.

Thúc đẩy thực hiện đầy đủ UNCLOS trên khắp các đại dương

Tham gia và đóng góp tích cực tại Hội nghị lần thứ 33 các quốc gia thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam một lần nữa chứng tỏ là một thành viên có trách nhiệm của Công ước được xem là “Hiến pháp của đại dương” này. Với rất nhiều điều khoản bao trùm tất cả các lĩnh vực của Luật Biển quốc tế, UNCLOS 1982 là một bộ các quy định về sử dụng các đại dương của thế giới vốn chiếm tới 70% diện tích bề mặt Trái đất. Công ước quy định quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong việc sử dụng biển, thiết lập các hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và cải thiện quản lý các tài nguyên thiên nhiên đại dương.

Công ước UNCLOS đóng vai trò quan trọng trong đời sống luật pháp quốc tế, giúp khẳng định chủ quyền trên biển của các quốc gia, từ đó góp phần gìn giữ môi trường biển, an toàn và hòa bình. Công ước đã tạo nền móng để thiết lập một trật tự quốc tế mới trên biển và cân bằng lợi ích của tất cả các quốc gia đã phát triển và đang phát triển.

Là một trong số 117 quốc gia đầu tiên ký kết công ước kể từ khi văn kiện này được mở ký vào ngày 10-12-1982, Việt Nam bằng những đóng góp và hành động thực tế của mình đã cho thấy những nỗ lực đáng kể để thông qua và thực thi các điều khoản của công ước này. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã kêu gọi các nước khác trong khu vực Đông Nam Á tôn trọng và tuân thủ UNCLOS 1982.

Hàng năm, Việt Nam luôn tích cực tham gia thảo luận cùng với các nước về Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về “Đại dương và Luật Biển”; tham gia tiến trình tư vấn không chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc về đại dương và Luật Biển. Là thành viên Hội đồng Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương (ISA) của hai nhiệm kỳ (2007-2011) và (2011-2014), Việt Nam đã có những đóng góp trong xây dựng các văn kiện của ISA.

Cùng với đó, Việt Nam còn tham dự, chia sẻ thông tin và lập trường về tình hình Biển Đông tại các Hội nghị thường niên của các quốc gia thành viên UNCLOS 1982, ủng hộ hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS), tham gia tích cực vào hoạt động của Nhóm Công tác về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ), trong đó có tiến trình đàm phán xây dựng văn kiện pháp lý về BBNJ trong khuôn khổ Công ước; đề cao vai trò của Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS) trong việc bảo vệ các quy định của UNCLOS 1982; đồng thời đóng góp đầy đủ niên liễm cho hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước.

Tại các diễn đàn quốc tế liên quan, Việt Nam luôn kêu gọi các quốc gia phải tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982, sử dụng biển một cách hòa bình, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác ở trong và ngoài khu vực. Việt Nam cũng luôn đề cao hợp tác quốc tế về biển, đặt vấn đề này trong tổng thể chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, phù hợp với phương châm “chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển”. Việc tăng cường hợp tác quốc tế về biển nhằm mục đích khai thác tối đa các tiềm năng mà biển đem lại cũng như để giải quyết, xử lý các thách thức đặt ra nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước.

Một trong những đóng góp thiết thực, hiệu quả và được đánh giá cao trong việc thực thi UNCLOS là việc Việt Nam khởi xướng thành lập “Nhóm bạn bè UNCLOS” vào ngày 30-6-2021 để thúc đẩy, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia cùng chí hướng đối với những mục tiêu chung trên đại dương. Đến nay, sau gần 2 năm thành lập, “Nhóm bạn bè UNCLOS” đã có sự tham gia của 115 quốc gia, đại diện cho tất cả các khu vực địa lý trên thế giới. Nhóm bạn bè UNCLOS được trông đợi tạo ra một diễn đàn cởi mở, thân thiện để các nước cùng trao đổi không chỉ vấn đề về biển và đại dương mà còn các vấn đề quan tâm chung khác, qua đó đóng góp chung vào việc thực hiện đầy đủ UNCLOS trên khắp các đại dương.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-khang-dinh-cam-ket-doi-voi-hien-phap-cua-dai-duong-unclos-post543229.antd