Việt Nam là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài

Bất chấp kinh tế và thương mại thế giới đang chịu nhiều ảnh hưởng lớn từ những bất ổn trên toàn cầu, với các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam tiếp tục là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đang có “làn sóng” đầu tư vào Việt Nam với các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, điện tử…

Đang có “làn sóng” đầu tư vào Việt Nam với các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, điện tử…

Là trung tâm sản xuất được các Tập đoàn đa quốc gia lựa chọn

Theo con số thống kê, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm. Tính đến cuối tháng 4-2024, cả nước có gần 1.000 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài, tăng gần 29% về số dự án và tăng hơn 73% về số vốn so với cùng kỳ năm 2023.

Kết quả trên trước hết là do nền kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu. Nghiên cứu “Thế giới năm 2050” của Hãng tư vấn PwC nhận định: Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm cao thứ hai trên toàn thế giới và GDP sẽ tăng trung bình 5,3% mỗi năm trong giai đoạn kéo dài 36 năm từ 2014 - 2050. Chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng này là minh chứng cho mức độ thành công trong công tác điều hành của Chính phủ trong việc phục hồi và duy trì sự phát triển ổn định của nền kinh tế.

Cùng với đó, Việt Nam có nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Môi trường thể chế được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là cởi mở và thân thiện nhất. Các rào cản trong kinh doanh, đầu tư được dỡ bỏ, mở đường cho môi trường thông thoáng, minh bạch và đầy cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Từ năm 2015, Chính phủ đã cho phép nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết lên tới 100% trong một số trường hợp, cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư không giới hạn vào trái phiếu Chính phủ.

Đặc biệt, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới. Việt Nam đã ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Với 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán, Việt Nam là “giao điểm”, “mắt xích” quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực và là 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Xét về mức độ tự do hóa tiếp cận thị trường, theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam ngang hàng với Singapore - quốc gia phát triển nhất khu vực Đông Nam Á.

Ông Andrew Amoils - chuyên gia phân tích của Công ty phân tích sự thịnh vượng trên toàn cầu (NWW) nhận định: “Việt Nam là trung tâm sản xuất ngày càng được ưa thích đối với các Tập đoàn đa quốc gia về công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may. Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú USD và 58 cá nhân có tài sản trị giá hàng trăm triệu USD. Việt Nam cũng được coi là quốc gia an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này giúp các công ty có thêm động lực để thiết lập các hoạt động sản xuất tại Việt Nam”.

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nêu ý kiến: “Dân số Việt Nam đang là dân số vàng. Rất nhiều người đang có đủ khả năng về tiêu dùng. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Năm nay cũng có rất nhiều dự án quy mô lớn đang chuẩn bị đầu tư. Chúng tôi rất tin tưởng lãnh đạo của đất nước Việt Nam”. Thị trường Việt Nam tỏ ra hấp dẫn với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Năm ngoái, tập đoàn Lotte của Hàn Quốc vừa khánh thành tổ hợp thương mại lớn nhất Việt Nam với số tiền đầu tư lên tới 600 triệu USD, mỗi ngày đón tới hơn 30.000 lượt khách, thu về gần 73 triệu USD chỉ sau 4 tháng.

Với châu Âu, khảo sát mới đây cho thấy có tới 2/3 trong tổng số hơn 1.400 các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nhận định tích cực về triển vọng dài hạn trong 5 năm tới tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm đầu tư cũng đã giảm từ 23% trước đó xuống 15%. Ông Dominik Meichle - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: “Quá trình chuyển dịch đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam tăng cao trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ít phát thải, bán dẫn, sản xuất điện tử, ô tô điện. Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh sự tham gia sâu hơn của các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng bền vững”.

Cần giải pháp mang tính đột phá để thu hút FDI

Theo Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến 2029. IMF kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế. Từ nay đến năm 2030, Việt Nam cũng sẽ là một trong những thị trường có quy mô người tiêu dùng lớn nhất châu Á, góp phần định hình thị trường bán lẻ toàn cầu, tiếp tục là điểm đến đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, không phải không có những khó khăn. Trong năm 2024, bối cảnh quốc tế dự kiến sẽ còn nhiều thách thức. Sau đợt suy thoái toàn cầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc hơn nữa vào năm 2024, bao gồm cả các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ. Ông

Andrea Coppola - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng nhẹ nhưng sẽ rất khó đạt được mức 6 hoặc 6,5% trừ khi nhu cầu, tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng tốc mạnh hơn nữa.

Trong bối cảnh như vậy, để tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, điều quan trọng là Việt Nam phải tìm cách giảm thiểu khả năng dễ bị “tổn thương” trước các “cú sốc” bên ngoài và ngày càng tận dụng sức mạnh nội tại và năng suất trong nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trước hết, Việt Nam cần xây dựng các kế hoạch, giải pháp mang tính đột phá để thu hút FDI đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Tiếp đó, cần thực hiện việc đặt và lồng ghép mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…

Việt Nam cũng cần xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư công nghệ cao, cải thiện hơn nữa thủ tục hành chính, bởi đây là những yếu tố mà giới chuyên môn cho rằng sẽ giúp cải thiện chất lượng vốn FDI vào Việt Nam. Đặc biệt năm 2024, khi thuế tối thiểu toàn cầu chính thức có hiệu lực, các ưu đãi thuế không còn là công cụ hàng đầu để thu hút vốn FDI. Do đó, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các chính sách hỗ trợ tổng thể. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt trong một số lĩnh vực như thanh kiểm tra, thủ tục tố tụng tòa án và thủ tục hành chính đất đai. Có chính sách cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cùng với việc đảm bảo nguồn cung lao động của các địa phương có các doanh nghiệp FDI…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-la-diem-den-tiem-nang-cho-cac-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-post577587.antd