Việt Nam là nước tiên phong phát triển tín chỉ carbon từ xe máy điện

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới có tín chỉ carbon cho xe điện hai bánh trên thế giới. Với quy mô 90.000 xe thực hiện, dự kiến sẽ giảm phát thải khoảng 43.000 tấn CO2 mỗi năm trong giai đoạn 2024 - 2028.

Dự án thí điểm tín chỉ carbon từ xe máy điện là một nỗ lực khả thi của các giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông. Ảnh tư liệu

Dự án thí điểm tín chỉ carbon từ xe máy điện là một nỗ lực khả thi của các giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông. Ảnh tư liệu

Dự kiến giảm phát thải 43.000 tấn CO2/năm

Ngày 3/12, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Phát triển dự án tín chỉ carbon thí điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải”, nhằm chia sẻ các bài học và kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai dự án.

Theo kiểm kê khí nhà kính năm 2016, ngành Giao thông vận tải tại Việt Nam phát thải khoảng 35 triệu tấn CO2, tương đương chiếm 11% tổng phát thải quốc gia. Nếu không có các giải pháp hiệu quả, lượng phát thải này có thể tăng lên 88 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030.

Việt Nam hiện đang thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành Giao thông vận tải, với mục tiêu đầy tham vọng là 100% phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh vào năm 2050. Xe máy – phương tiện chiếm 90% tổng số phương tiện giao thông cá nhân cả nước – sẽ đóng vai trò trọng yếu trong quá trình này.

Hỗ trợ mục tiêu này, UNDP đã triển khai dự án “Phát triển dự án tín chỉ carbon thí điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải”. Trong khuôn khổ dự án trên, UNDP hợp tác với nhà sản xuất xe máy điện Selex Motor, để triển khai thí điểm một dự án tín chỉ carbon cho xe máy điện tại Việt Nam và hoàn tất quy trình thẩm định quốc tế theo Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard). Đây là nỗ lực tiên phong nhằm thử nghiệm khả năng sử dụng tín chỉ carbon để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang giao thông phát thải thấp tại Việt Nam. Dự án thí điểm đặt mục tiêu đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính trong bối cảnh ngành giao thông vận tải dự kiến sẽ tăng đáng kể lượng phát thải trong những năm tới nếu không có các biện pháp giảm thiểu phù hợp.

Ông Vũ Thái Trường - quyền Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam chia sẻ: “Dự án thí điểm tín chỉ carbon từ xe máy điện là một nỗ lực bước đầu nhằm đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam. Dự án này không chỉ giúp kiểm nghiệm thực tế mà còn tạo ra những bài học kinh nghiệm hữu ích để tiếp tục phát triển các sáng kiến tương tự trong tương lai”.

Ông Trường cho biết, dự án tín chỉ carbon từ xe máy điện tại Việt Nam cũng là dự án tín chỉ carbon đầu tiên cho xe điện hai bánh trên thế giới. Với quy mô 90.000 xe, dự án dự kiến giảm phát thải khoảng 43.000 tấn CO2 mỗi năm trong giai đoạn 2024 - 2028.

Tạo động lực tài chính đẩy nhanh quá trình chuyển đổi

Chia sẻ về thị trường carbon, bà Đặng Hồng Hạnh - chuyên gia kỹ thuật của PoA Carbon cho biết, cơ chế thị trường cho phép trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon, cung cấp một cách linh hoạt để giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả nhất về chi phí, mang lại doanh thu bổ sung cho các hoạt động giảm phát thải.

Những kết quả đạt được từ dự án

Khung chính sách và quy định: Hỗ trợ phát triển 4 tiêu chuẩn kỹ thuật và tổ chức các đối thoại chính sách cấp cao.

Hoạt động đào tạo: Nâng cao năng lực cho hơn 200 người, đặc biệt chú trọng đến sự tham gia của phụ nữ.

Thí điểm và hỗ trợ tài chính: Thực hiện các thí điểm xe điện tại nhiều địa phương và triển khai chương trình vay ưu đãi giúp 325 người dân tiếp cận xe máy điện.

Bà cũng chỉ ra một số loại hình dự án có tiềm năng tạo tín chỉ carbon trong ngành giao thông vận tải mà Việt Nam có thể áp dụng để đem lại hiệu quả tài chính. Trong đó, về năng lượng tái tạo: lắp đặt điện mặt trời cho vận hành tại sân bay; trạm sạc xe điện năng lượng mặt trời. Về hiệu quả năng lượng: chuyển đổi phương thức vận tải hành khách (BRT, MRT...); chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt,...; cải tiến phương tiện giảm tiêu thụ nhiên liệu. Về chuyển đổi nhiên liệu: sử dụng nhiên liệu sinh học; sử dụng phương tiện điện; cung cấp điện gần bờ cho các tàu neo đậu tại cảng.

Thông tin về thị trường trao đổi các tín chỉ carbon thu được từ các dự án giao thông phát thải thấp, bà Hạnh cho biết, Việt Nam có thể trao đổi các tín chỉ carbon này tại thị trường trong nước qua hệ thống trao đổi hạn ngạch với các cơ sở bắt buộc phải tham gia; qua thị trường tự nguyện (trao đổi với các tổ chức, cá nhân mua tín chỉ carbon vì mục đích tự nguyện) và qua thị trường tuân thủ quốc tế.

Trong năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD. Hiện Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành đang nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon. Tại Hội nghị COP29 vừa qua tại Baku (Azerbaijan), các quốc gia đã đạt được thỏa thuận quan trọng về tài chính khí hậu và nhất trí về các quy tắc cho thị trường carbon toàn cầu. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch tín chỉ carbon, khuyến khích các quốc gia giảm phát thải và đầu tư vào các dự án xanh. Vì vậy, theo chuyên gia, dự án phát triển tín chỉ carbon từ xe máy điện là một trong những nỗ lực tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực này. Nó không chỉ góp phần vào mục tiêu giảm phát thải mà còn tạo động lực tài chính để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.

Sẽ vận hành thị trường carbon trên toàn quốc từ năm 2029

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số bộ, ngành liên quan về việc phát triển thị trường carbon của Việt Nam. Theo dự thảo Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trong giai đoạn năm 2025 - 2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc; chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài; chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc; bổ sung các loại tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch trên thị trường; mở rộng chủ thể được tham gia giao dịch tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon; nghiên cứu khả năng kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới...

Dự thảo đề án đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hàng hóa trên thị trường carbon; chủ thể tham gia thị trường carbon; sàn giao dịch carbon; tổ chức vận hành thị trường carbon; nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực.

Theo dự thảo đề án, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, theo dõi và giám sát liên quan đến hàng hóa trên thị trường carbon (hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon); giải quyết khiếu nại, kiến nghị, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến hàng hóa trên thị trường carbon; xây dựng yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sàn giao dịch carbon…

Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, theo dõi và giám sát liên quan đến hoạt động trao đổi hàng hóa trên thị trường carbon; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động trao đổi hàng hóa trên thị trường carbon...

Hà My

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-la-nuoc-tien-phong-phat-trien-tin-chi-carbon-tu-xe-may-dien-165484-165484.html