Việt Nam – Lào cụ thể hóa tiềm năng hợp tác đầu tư thương mại
Việt Nam – Lào có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác kinh tế một cách toàn diện cả về thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa phản ánh đúng tiềm năng và mong muốn của đôi bên. Đây là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam – Lào 2024 do UBND Tp. Hồ Chí Minh phối hợp Tổng Lãnh sự quán Lào tại Tp. Hồ Chí Minh tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 27/12.
Ông Vansy KouaMoua Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào thông tin, Việt Nam – Lào đã có mối quan hệ hữu nghị được vun đắp suốt 60 năm, đó là nền tảng để hai tăng cường hợp tác kinh tế một cách toàn diện, hiệu quả hơn. Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam – Lào được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin hợp tác, đẩy mạnh trao đổi thương mại buôn bán, đầu tư trong thời gian tới.
Tính đến hết tháng 9/2024, trao đổi thương mại song phương hai nước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2023; trong đó, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 499 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ. Giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 1,01 tỷ USD, tăng 26% so với 2023. Về đầu tư, Việt Nam hiện nằm trong top 3 quốc gia đầu tư trực tiếp vào Lào với tổng vốn gần 5 tỷ USD. Các lĩnh vực chính mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư là du lịch, khai thác khoáng sản, năng lượng điện, nông nghiệp…
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, quan hệ chính trị tốt đẹp đã tạo dựng nền tảng để hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước Việt Nam – Lào tiến triển tích cực và hiệu quả. Hai nước đang hướng đến tăng giá trị thương mại song phương lên 2 tỷ USD trong tương lai gần bằng cách tối đa hóa tiềm năng hợp tác thương mại thông qua Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào được ký kết vào tháng 4/2024. Hiện nay, Lào tiếp tục là thị trường đầu tư nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong số 80 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 245 dự án có tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, Tp. Hồ Chí Minh ưu tiên quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với nước bạn Lào nói chung và với các địa phương Lào nói riêng, đóng góp vào nỗ lực chung của hai nước nhằm tạo bước đột phá trong tiến trình nâng cấp hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ cho tương ứng với quan hệ chính trị, trên cơ sở duy trì khả năng và thế mạnh của mỗi nước. Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam – Lào là nơi để các doanh nghiệp Việt Nam và Lào tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác kinh doanh và đầu tư vào thị trường của nhau. Đặc biệt, những thỏa thuận được tạo ra từ diễn đàn sẽ là bước đi quan trọng để Việt Nam và Lào khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng đẩy mạnh tăng cường hợp tác kinh tế và tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các bên.
Ông Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, dư địa hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam – Lào nói chung, Tp. Hồ Chí Minh - Lào nói riêng còn rất lớn. Tuy nhiên để biến tiềm năng đó thành những con số cụ thể, hai bên cần tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể.
Điển hình như hợp tác đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường; công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản. Các địa phương tại Lào có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp trong khi Tp. Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp lớn, tiềm năng về vốn, kỹ thuật. Do đó, cần tiếp tục hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp của hai bên tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại mỗi địa phương; phối hợp tổ chức định kỳ các hội nghị xúc tiến đầu tư. Ngoài ra, hai bên cũng có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; du lịch và trao đổi văn hóa nhằm khai thác tối đa các lợi thế của mỗi bên để cùng phát triển thịnh vượng.
Thông tin về chính sách thu hút đầu tư, ông Phaophongsavath Phouvong, Cục Xúc tiến Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết, Chính phủ Lào kêu gọi doanh nghiệp đến từ Tp. Hồ Chí Minh cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và nghiên cứu các cơ hội đầu tư tại Lào trong lĩnh vực tiềm năng như: Sản xuất nông nghiệp hiện đại, chế bến nông sản, năng lượng sạch, chế biến khoáng sản, du lịch, logistics, nghiên cứu tiềm năng phát triển dự án đường sắt Lào-Việt cũng như cơ sở hạ tầng của khu vực.
Doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trên sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế thuê hoặc nhượng quyền sử dụng đất nhà nước; miễn thuế nhập khẩu đối với các vật liệu và thiết bị không thể sản xuất trong nước và máy móc sử dụng vào việc sản xuất trực tiếp. Tỷ lệ ưu đãi phụ thuộc vào lĩnh vực và địa điểm của dự án.
Ngoài ra, việc đầu tư phát triển khu vực kinh tế đặc biệt cũng sẽ nhận được các chính sách khuyến khích đầu tư bổ sung. Đồng thời, các nhà phát triển và nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc đăng ký kinh doanh, xin giấy phép hoạt động, sử dụng lao động, thẻ cư trú và visa kinh doanh nhập cảnh - xuất cảnh.