Việt Nam-Lào: Song hành chặt chẽ, phát triển mạnh mẽ
Sự hiện diện của của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại thủ đô Vientiane từ ngày 16-18/12 tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán coi trọng quan hệ đặc biệt với Lào, thể hiện quyết tâm tăng cường tin cậy chính trị, đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hợp tác thực chất, hiệu quả.
Chuyến thăm Lào và đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 11 của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tái khẳng định chính sách nhất quán coi trọng quan hệ đặc biệt với Lào, thể hiện quyết tâm tăng cường tin cậy chính trị, đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hợp tác thực chất và hiệu quả.
Ngày 18/12, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phu nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Lào và đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 11 kéo dài ba ngày. Đây là chuyến thăm Lào đầu tiên trên cương vị mới của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và ông cũng là Lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongsavanh Phomvihane tiếp đón sau khi được bổ nhiệm chưa đầy một tháng.
Nỗ lực tạo đột phá
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong triển khai nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng, khẩn trương thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, cũng như các thỏa thuận cấp cao, tuyên bố chung, hiệp định hợp tác giữa hai Đảng, hai Chính phủ đang đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Do đó, chuyến thăm Lào lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong tổng thể quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Trong dòng chảy thông suốt, tốt đẹp của quan hệ giữa hai nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”, Tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Lào là cơ chế thường niên rất quan trọng giữa hai Bộ Ngoại giao. Tại cuộc Tham vấn chính trị ngày 16/12, trọng tâm của chuyến công tác, trên tinh thần tin cậy đặc biệt, hai Bộ trưởng đánh giá kết quả hợp tác giữa hai nước và hai Bộ Ngoại giao thời gian qua và trao đổi phương hướng hợp tác trong thời gian tới; đồng thời trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực, quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Hai bên bày tỏ vui mừng khi quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác chính trị tiếp tục gắn bó, tin cậy và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Hai bên duy trì đều đặn các cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao, các cơ chế hợp tác song phương cũng được quan tâm thúc đẩy triển khai mạnh mẽ. Đáng chú ý, hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao thời gian qua ngày càng gắn bó.
Hợp tác quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố và là trụ cột quan trọng của quan hệ song phương. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư được tăng cường. Kim ngạch thương mại song phương đạt trên 1,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, tăng 28,26% so với cùng kỳ năm 2023; đặc biệt hai bên đã giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại một số dự án trọng điểm.
Hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực… đạt nhiều kết quả quan trọng. Đáng chú ý, nhiều hoạt động giao lưu nhân dân diễn ra sôi động, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiểu biết của thế hệ trẻ hai nước về quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.
Với nền tảng vững chắc của quan hệ song phương, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai các Thỏa thuận cấp cao quý IV/2024 và năm 2025, chuẩn bị tốt cho Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ song phương thời gian tới; làm sâu sắc hơn nữa trụ cột quốc phòng - an ninh; nỗ lực thúc đẩy, tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư…
Trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao giai đoạn 2021-2025, hai bên duy trì đều đặn các cơ chế hợp tác thường niên cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các hình thức trao đổi giữa các đơn vị liên quan của nhau như lãnh sự, công tác biên giới, công tác xây dựng ngành, hợp tác đào tạo cán bộ, thông tin báo chí, hợp tác đa phương, trong đó có hợp tác Mekong...
Trên cơ sở Chương trình hành động về tăng cường hợp tác ngoại giao kinh tế giai đoạn 2020-2025, hai bên đã triển khai nhiều cuộc trao đổi trực tiếp và trực tuyến về công tác ngoại giao kinh tế. Nhân dịp này, lãnh đạo một số đơn vị liên quan của hai Bộ Ngoại giao đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu các vấn đề chiến lược, thông tin báo chí, hợp tác đa phương...
Hai Bộ trưởng nhất trí giao các đơn vị liên quan trao đổi kỹ, sớm xây dựng dự thảo Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao giai đoạn 2026-2031 và Chương trình hành động hợp tác Ngoại giao kinh tế giai đoạn 2026-2030.
Tại cuộc Tham vấn, hai bên cũng chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực, vui mừng trước việc hai nước thường xuyên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là các cơ quan của Liên hợp quốc cũng như trong vấn đề Biển Đông và khuôn khổ hợp tác Mekong. Tiếp tục duy trì cơ chế hiệu quả này, hai bên nhất trí tổ chức Tham vấn chính trị lần thứ 12 tại Việt Nam.
Với nội dung trao đổi bao trùm, sâu rộng và cụ thể, Tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Lào lần thứ 11 đã góp phần thắt chặt gắn bó tin cậy giữa hai Chính phủ nói chung và cá nhân hai Bộ trưởng Ngoại giao nói riêng, tăng cường hiệu quả và thúc đẩy tạo đột phá trong hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước.
Ưu tiên cao nhất
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có các cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Sonexay Siphandone.
Tại các cuộc hội kiến, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chúc mừng Lào đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2024; khẳng định Bộ Ngoại giao hai nước sẽ nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành hai bên tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận, chương trình và dự án hợp tác Việt - Lào, tích cực chuẩn bị cho các hoạt động đối ngoại quan trọng của hai nước trong thời gian tới, trong đó có Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Lào.
Là người đồng sáng lập cơ chế Tham vấn chính trị khi giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Lào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đánh giá cao việc Bộ Ngoại giao hai nước duy trì đều đặn cơ chế hợp tác quan trọng này để trao đổi sâu rộng về các vấn đề quan trọng, chiến lược trong quan hệ hai nước cũng như hợp tác khu vực và quốc tế trên tinh thần thẳng thắn, tin cậy, góp phần tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước của mỗi bên trong công tác đối ngoại.
Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của Việt Nam trong năm Lào đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2024, khẳng định đây là thành công chung của hai nước.
Trong khi đó, Thủ tướng Sonexay Siphandone khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Lào luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Việt Nam; nhấn mạnh tin cậy chính trị cao khi hai Thủ tướng có nhiều cuộc tiếp xúc song phương trong năm 2024; đánh giá cao chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và cơ chế tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước, góp phần tích cực trong thúc đẩy quan hệ song phương cũng như hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Những kết quả nổi bật, thực chất và cụ thể của Tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 11 cùng các cuộc hội kiến song phương chuyển tải thông điệp về đường lối đối ngoại nhất quán, quyết tâm và ưu tiên cao nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em.
Các trao đổi và tiếp xúc trong không khí phấn khởi, trên tinh thần đồng lòng, nhất trí thể hiện quyết tâm tăng cường tin cậy chính trị, góp phần “tiếp lửa” cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng đơm hoa kết trái và phát triển lên tầm cao mới.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-lao-song-hanh-chat-che-phat-trien-manh-me-297921.html