Việt Nam – Mông Cổ: Hợp tác nâng tầm, hướng tới mục tiêu thương mại 500 triệu USD
Việt Nam và Mông Cổ cam kết đẩy mạnh hợp tác kinh tế, đặc biệt trong nông nghiệp với mục tiêu nâng kim ngạch song phương lên 500 triệu USD.
Trong khuôn khổ Kỳ họp Ủy ban liên chính phủ (UBLCP 19) Việt Nam – Mông Cổ, được diễn ra tại chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Jadamba Enkhbayar, Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp Công nghiệp nhẹ Mông Cổ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ý nghĩa của Kỳ họp UBLCP 19 giữa hai nước diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, ngay sau chuyến thăm Mông Cổ của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai nước đã nâng cấp “Đối tác toàn diện” về quan hệ ngoại giao.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị hai nước quan tâm hơn việc khai thông các điểm nghẽn để tăng cường và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác kinh tế tiềm năng, như giao thông vận tải, du lịch, nông nghiệp, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp hai nước.
Mông Cổ với lợi thế lớn về sản xuất và xuất khẩu thịt, Bộ trưởng cũng đề xuất việc nghiên cứu, thành lập hiệp hội thịt để có thể tăng cường sự liên kết và chuẩn hóa tiêu chuẩn xuất khẩu.
Về phía Mông Cổ, Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghệ nhẹ Jadamba Enkhbayar bày tỏ vui mừng khi hai nước đã đạt được mối quan hệ ngoại giao lên mức đối tác toàn diện và lãnh đạo hai nước đã nhất trí thúc đẩy thương mại song phương lên 500 triệu USD.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp Công nghiệp nhẹ Mông Cổ nhấn mạnh, Việt Nam và Mông Cổ cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc ký kết hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa 2 nước. Bên cạnh đó, cần khai thông các điểm nghẽn để tăng cường và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác kinh tế tiềm năng như giao thông vận tải (hàng không, đường sắt, đường biển), du lịch, nông nghiệp.
"Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi mong muốn trao đổi nhiều thông tin hơn về chính sách phát triển, nâng cao môi trường pháp lí cho xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh đó, Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Ðối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ đã xác định định hướng và tương lai hai nước. Đây là cơ sở triển khai các sáng kiến, góp phần thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả trong các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước", ông Jadamba Enkhbayar bày tỏ.
Với những kiến nghị cụ thể mà Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp Công nghiệp nhẹ Mông Cổ quan tâm, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, các sản phẩm động vật chế biến, xuất khẩu từ Mông Cổ sang Việt Nam đã được cơ quan thú y hai nước công nhận đủ điều kiện.
Về việc đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thịt dê và thịt cừu đông lạnh của Mông Cổ sang Việt Nam, phía Cục Thú y cho biết đã hướng dẫn thủ tục cấp phép cho các doanh nghiệp Mông Cổ có nhu cầu và trong tháng 11 sẽ cấp phép cho 2 doanh nghiệp xuất khẩu thịt dê, thịt cừu sang Việt Nam.
Việc cấp Giấy phép nhập khẩu bột chiết xuất xương ngựa từ Mông Cổ vào Việt Nam đã hoàn thiện, là thành quả của sự hợp tác của Kỳ họp UBLCP 15. Cục Thú y cho biết phía Mông Cổ có thể thực hiện xuất khẩu sản phẩm này ngay từ tháng 11/2024.
Đồng thời, Cục Thú y cũng đề xuất phía Mông Cổ tạo điều kiện để Việt Nam xuất khẩu sang nước bạn thịt gà tươi/chế biến, trứng gà, thuốc thú y, vắc xin phòng bệnh trên động vật sang Mông Cổ.
Trước Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp Công nghiệp nhẹ Mông Cổ và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, lãnh đạo Cục Thú y cam kết sẽ thúc đẩy việc xử lý để nhanh chóng xuất khẩu sản phẩm động vật giữa hai nước, cũng như thuốc thú y của Việt Nam sang Mông Cổ trong năm 2024.