Việt Nam – Người chơi mới đầy năng động trên thị trường đầu tư tác động

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, ngoài tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội cũng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết đối với nền kinh tế. Và đầu tư tác động chính là một trong những giải pháp giúp Việt Nam giải quyết song hành hai vấn đề đó.

Đầu tư tác động là một trong những phương thức hiệu quả giúp Việt Nam phát triển bền vững (Ảnh: Báo Chính Phủ)

Đầu tư tác động là một trong những phương thức hiệu quả giúp Việt Nam phát triển bền vững (Ảnh: Báo Chính Phủ)

Đầu tư tác động là hoạt động đầu tư vào các dự án nhằm tạo ra tác động cho xã hội hoặc môi trường. Đây là những tác động tổng thể có thể đo lường được, đồng thời tạo ra lợi tức về tài chính cho nhà đầu tư. Đây là một phương thức sáng tạo để thúc đẩy đóng góp của khu vực tư nhân vào sự phát triển bền vững.

Hệ sinh thái của đầu tư tác động bao gồm 3 nhóm chủ thể: các nhà đầu tư (bên cung); bên nhận đầu tư (bên cầu) và người hỗ trợ/bên trung gian. Đây cũng là các nhân tố chính ảnh hưởng đến hoạt động và sự phát triển của đầu tư tác động.

Báo cáo của GIIN (Mạng lưới đầu tư tác động toàn cầu) năm 2020 đã chỉ ra rằng xu hướng đầu tư tác động trên toàn cầu đang phát triển theo chiều sâu với phạm vi đầu tư rất đa dạng. Trong đó, 48% nhà đầu tư tác động đến từ thị trường phát triển và 43% đến từ thị trường mới nổi. 55% tài sản đầu tư tác động được hướng đến các thị trường phát triển trong khi 40% được phân bổ cho các thị trường mới nổi.

Hiện nay, trên toàn cầu có 75% nhà đầu tư hướng tới mục tiêu “việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế”, 77% nhà đầu tư tác động có trụ sở tại các thị trường phát triển và 21% có trụ sở tại các thị trường mới nổi; 3% ở khu vực Đông Nam Á và 3% ở Nam Á.

Hầu hết nhà đầu tư tác động đều có trụ sở tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada và Hà Lan. Theo ước tính của GIIN, năm 2019, trên thế giới có khoảng 1.720 tổ chức tham gia đầu tư tác động, với giá trị đầu tư khoảng 715 tỷ USD. Trong đó, khu vực ASEAN hiện mới chỉ tiếp nhận được tất cả 6% tổng vốn đầu tư tác động toàn cầu.

Lĩnh vực năng lượng chiếm 15% tổng số vốn đầu tư tác động, tiếp đến là dịch vụ tài chính (12%), thực phẩm và nông nghiệp là 9%, tài chính vi mô là 8% và chăm sóc sức khỏe là 7%.

Xu hướng đầu tư tạo tác động tại Việt Nam

Không nằm ngoài xu hướng thế giới, Việt Nam cũng có một hệ sinh thái đầu tư tác động sôi động và đang phát triển nhanh chóng.

Theo một báo cáo của UNDP và Bộ KH&ĐT năm 2022, Việt Nam có khoảng 22.000 doanh nghiệp tác động xã hội trên tổng số 638.000 doanh nghiệp và có xu hướng tăng liên tục. Trong đó, số doanh nghiệp tác động xã hội có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm 89%, và có đến 72% doanh nghiệp loại này có doanh thu dưới 5 tỷ đồng/năm.

Mặc dù đây là xu hướng mới trên thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội của Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan nhất định. Cụ thể, theo báo cáo của Hội đồng Anh, trong năm 2022, 64% doanh nghiệp xã hội của Việt Nam có lãi, 75% có kế hoạch thu hút thêm khách hàng mới, 62% xây dựng sản phẩm mới và dịch vụ mới, 58% chủ doanh nghiệp xã hội trẻ có độ tuổi từ 25-44 và 46 % doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy vậy, doanh nghiệp tác động xã hội đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Trong đó, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp này đó là tình trạng thiếu vốn (77%), tiếp đến là thiếu đầu ra và thông tin hỗ trợ tài chính.

Theo Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp là giải pháp tốt nhất mà toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp quốc gia cần phải thực hiện để có thể giải quyết khó khăn của những doanh nghiệp tác động xã hội.

Để làm được điều đó, nhà nước cần thành lập những hệ sinh thái đổi mới sáng tạo dành cho các doanh nghiệp tác động xã hội. Trong hệ sinh thái đó, các cơ quan nhà nước, trường học, doanh nghiệp và các tổ chức ươm tạo sẽ là những yếu tố chính giúp doanh nghiệp tác động xã hội phát triển.

Về phía nhà nước, các bộ, ngành liên quan cần ban hành các chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn và các nguồn lực tài chính khác cho các doanh nghiệp tác động; quy định chi tiết về ưu đãi VAT và CIT và thành lập cơ quan quản lý nhà nước chuyên phát triển khu vực đầu tư tác động. Về giáo dục, hệ thống nhà trường cần đào tạo nâng cao năng lực ĐMST và năng lực chuyên môn cho nguồn nhân lực trong khu vực đầu tư tác động…

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cần tăng cường tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp trong khu vực đầu tư tác động với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng như phối hợp giữa doanh nghiệp trong khu vực đầu tư tạo tác động với các khu vực công lập và tư nhân… Đó là những điều kiện căn bản thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp tác động xã hội.

Trong quá trình đó, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tạo tác động. Trong đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng các tập đoàn công nghệ, các đối tác trong nước và quốc tế để thực hiện sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN). Đây là kế hoạch dài hạn và hứa hẹn tạo nhiều thay đổi lớn trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước.

Sáng kiến được triển khai với bốn mục tiêu lớn:

Thứ nhất, đưa đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột của tăng trưởng kinh tế từ nay đến năm 2030.

Thứ hai, hỗ trợ, phát triển 500 doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo dẫn dắt nền kinh tế vào năm 2030.

Thứ ba, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại các cơ quan trung ương và địa phương.

Thứ tư, thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, để Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư đổi mới sáng tạo và tạo tác động.

Bên cạnh đó, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cũng đã tổ chức nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức, quỹ quốc tế nhằm đẩy mạnh hoạt động đầu tư tác động tại Việt Nam, như: Chương trình sáng kiến chung Việt – Nhật, chương trình hợp tác với quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, dự án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đmst do ADB tài trợ, diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam phối hợp cùng USAID & Google & Meta, hay phối hợp với Viện nghiên cứu Mitsubishi (MRI)… thời gian gần đây.

Đây là những tín hiệu đáng mừng cho lĩnh vực đầu tư tác động còn non trẻ tại Việt Nam.

Hương Giang

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/viet-nam-nguoi-choi-moi-day-nang-dong-tren-thi-truong-dau-tu-tac-dong-1682627292397.htm