Việt Nam nỗ lực chuyển dịch sang năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu

Việt Nam đã và đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050. Nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sẽ được chuyển dần sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu (BĐKH).

Chuyển dịch sang năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới. (Nguồn: EVN)

Chuyển dịch sang năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới. (Nguồn: EVN)

Nỗ lực của Chính phủ

Theo Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi đầu tháng 7, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước BĐKH. Các tác động của BĐKH biến động lớn hơn, đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu sự tăng trưởng của Việt Nam.

Theo tính toán, Việt Nam mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của BĐKH. Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính BĐKH sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế. Do đó, chủ trương chủ động thích ứng với BĐKH đã được Đảng và Nhà nước luôn đề cao.

Ngày 26/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050”. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ngày 25/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã ký Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH (COP26).

Chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh

Tại Hội thảo "Tác động của COP 26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh" ngày 17/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, nhu cầu năng lượng và điện của Việt Nam những năm tới sẽ tăng nhanh theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

S&P Global Rating vừa nâng xếp hạng mức tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định" và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức 6,9%, cùng xu hướng dài hạn là 6,5-7% từ năm 2023.

Do đó, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An: "Để đáp ứng đòi hỏi của phát triển kinh tế và mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam đã và đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050. Những nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sẽ được chuyển dần sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống BĐKH".

Được biết, 3 năm gần đây, Việt Nam phát triển mạnh năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, với hơn 16,5 GW công suất điện mặt trời được kết nối vào lưới điện quốc gia, gần 4 GW điện gió trên bờ và gần bờ. Nếu tính cả 20,6 GW thủy điện, nguồn điện từ NLTT ở Việt Nam hiện chiếm đến 52,2% công suất lắp đặt toàn quốc.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương) cho biết, để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với BĐKH, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện NLTT, năng lượng mới và sạch.

Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới 4 mục tiêu: Giảm phát thải khí nhà kính; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa quá trình chuyển đổi (bình đẳng, bao trùm, năng lực chống chịu); Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Nhằm cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, ngày 22/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với 18 nhóm chủ đề, trong đó 10 chủ đề ưu tiên.

Dự án Điện gió số 5 - Ninh Thuận của Trungnam Group tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. (Nguồn: Trungnam Group)

Dự án Điện gió số 5 - Ninh Thuận của Trungnam Group tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. (Nguồn: Trungnam Group)

Cũng tại hội thảo trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh tới lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững để vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch trên các ngành, lĩnh vực.

Để chuyển dịch năng lượng một cách bền vững, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến cáo sự trợ giúp từ các quốc gia phát triển, thông qua những hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật. Song song với đó, là công tác kiểm tra, giám sát để xây dựng lộ trình thay thế, đóng cửa các cơ sở sản xuất ô nhiễm, hạ tầng phát thải nhiều các bon.

Được biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Dự thảo có định hướng chủ yếu là khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, NLTT; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch sử dụng than sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Các nhà máy nhiệt điện than, khí sẽ chuyển dần sang dùng biomass, amoniac hoặc hydrogen khi các công nghệ đã được kiểm chứng và thương mại hóa. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời, ưu tiên phát triển các dự án điện NLTT cấp điện trực tiếp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và dân sinh, các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, điện sinh khối, điện chất thải rắn và NLTT khác,...

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, cần có các biện pháp chủ động hơn nữa trong sử dụng năng lượng hiệu quả trên phạm vi toàn quốc và cần tăng cường năng lực tốt hơn cho địa phương về vấn đề này. Quá trình chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững của Việt Nam cần nhận được sự đồng hành và hỗ trợ thỏa đáng từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và công ty, tập đoàn lớn của thế giới.

8 nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP 26:

1- Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

2- Tập trung phát triển các nguồn NLTT, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng các-bon.

3- Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh.

4- Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng.

5- Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.

6- Chủ động thích ứng với BĐKH.

7- Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông.

8- Thúc đẩy ngoại giao khí hậu.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-no-luc-chuyen-dich-sang-nang-luong-xanh-chong-bien-doi-khi-hau-194869.html