Việt Nam nỗ lực loại bỏ các chất độc hại ảnh hưởng tới tầng ozone

Sau 25 năm thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ được 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất làm suy giảm tầng ozone, đặc biệt là các chất HCFC.

Loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong 25 năm qua, thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozone (như CFC, Halon, CTC) và HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu. Qua đó, đã loại trừ được 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC.

Thông tin trên vừa được Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ tại Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2019 với chủ đề “32 năm tiếp nối hành trình bảo vệ tầng ozone,” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình môi trường Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 16/9, tại Hà Nội.

Giảm 10% mức tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozone

Chia sẻ thêm tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, cùng với sự chung tay nỗ lực bảo vệ tầng ozone của cộng đồng quốc tế, sau 32 năm thực hiện Nghị định thư Montreal, đã loại bỏ được 99% các chất làm suy giảm tầng ozone có trong tủ lạnh, điều hòa và nhiều sản phẩm khác, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kể từ tháng 1/1994, Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, cam kết tuân thủ các quy định của Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Trong 25 năm qua, Việt Nam đã chủ động tham gia bảo vệ tầng ozone và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozone CFC, Halon và CTC từ ngày 1/1/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ ngày 1/1/2015. Qua đó đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC.

Tuy vậy, bên cạnh những nỗ lực loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ozone,Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao như hydro-fluoro-carbon (HFC), là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozone trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, dập cháy.

Theo lộ trình đã được thông qua, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ ngưng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 ở mức cơ sở và loại trừ các chất HFC. Đến năm 2045 lượng tiêu thụ các chất HFC sẽ giảm 80% so với lượng tiêu thụ cơ sở.

Trong điều kiện của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao trong các hoạt động bảo vệ tầng ozone, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Montreal và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, ngày 4/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan, các tổ chức quốc tế triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali đã được phê duyệt.

Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua, bà Caitlin Wesen - Quyền điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (UNDP), Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam, cho biết, với việc Chính phủ phê chuẩn Bản sửa đổi bổ sung Kiagali, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 82 phê chuẩn nhằm kiểm soát và loại trừ các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao HFC.

Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất HFC, là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozone trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí.

“Để giải quyết thách thức này rất cần sự hợp tác hơn nữa giữa các chính phủ ở cấp độ toàn cầu, giữa các bộ ngành, địa phương, sự tham gia của các đối tác quốc tế và đặc biệt là doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan,” bà Caitlin Wesen nhấn mạnh.

Đại diện UNDP cũng cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam thực hiện thành công Nghị định thư Montreal và tập trung vào bản sửa đổi, bổ sung Kigali trong thời gian tới. Các hoạt động này cũng sẽ tạo ra các đồng lợi ích trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam, là chìa khóa thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng như Chương trình nghị sự 2030.

Ngày 15/9, bầu không khí ở thủ đô Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng ở hầu hết các quận. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Ngày 15/9, bầu không khí ở thủ đô Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng ở hầu hết các quận. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khởi động Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II).

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2018-2023, nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC.

Dự án HPMP II được thiết kế với 3 hợp phần. Hợp phần 1 sẽ hỗ trợ hơn 80 doanh nghiệp trong việc chuyển đổi, thay thế công nghệ, nhằm đạt mục tiêu loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 và loại trừ hoàn toàn HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong sản xuất xốp cách nhiệt.

Hợp phần 2 hỗ trợ các cơ quan nhà nước có liên quan xây dựng, phổ biến rộng rãi và hướng dẫn áp dụng các quy định và kỹ thuật để loại trừ các chất HCFC theo quy định của Nghị định thư Montreal, tăng cường năng lực chuyên môn cho các doanh nghiệp sử dụng thiết bị làm lạnh và đội ngũ cán bộ kỹ thuật.

Dự án cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường năng lực về quản lý, loại trừ các chất HCFC; nâng cao nhận thức của các ngành, người dân và các bên liên quan về loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam hoàn thành đề xuất Dự án giai đoạn III từ 2023 -2030, trình Quỹ Đa phương xem xét tài trợ cho việc loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất HCFC theo đúng lộ trình.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp đã cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất sáng kiến cho công tác bảo vệ tầng ozone nói chung và việc loại trừ các chất HCFC, HFC ở Việt Nam nói riêng theo lộ trình thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto.

Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các bên liên quan trao đổi, thảo luận, có những ý kiến đóng góp, đề xuất sáng kiến cho công tác bảo vệ tầng ozone ở Việt Nam nói chung và loại trừ các chất HCFC, HFC ở Việt Nam nói riêng theo đúng lộ trình thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal.

Theo báo cáo đánh giá năm 2018, cứ mỗi thập kỷ trôi qua tính từ năm 2000, tỷ lệ phục hồi của tầng ozone là 1-3%. Với tỷ lệ phục hồi như vậy, tầng ozone ở Bắc Bán Cầu sẽ được phục hồi hoàn toàn vào năm 2030. Đến năm 2050, tầng ozone tại Nam Bán cầu và đến năm 2060 tại những vùng cực Nam bán cầu sẽ được khôi phục hoàn toàn.

Những nỗ lực bảo vệ tầng ozone đã đóng góp cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua ngăn ngừa phát thải khoảng 135 tỷ tấn CO2 tương đương từ năm 1990 đến năm 2010./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-no-luc-loai-bo-cac-chat-doc-hai-anh-huong-toi-tang-ozone/595542.vnp