Việt Nam nỗ lực xây dựng Chiến lược quốc gia, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Việt Nam mong muốn và hy vọng các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển sẽ tiếp tục hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội nghị.

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Việt Nam quyết tâm mạnh mẽ

Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, là quốc gia chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thời gian qua, Việt Nam luôn tích cực, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Vừa qua, Việt Nam đã tập trung xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, theo các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với các yêu cầu của Thỏa thuận Paris.

Theo đó, Việt Nam sẽ chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu bằng việc nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của tự nhiên, kinh tế-xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, khí hậu cực đoan gia tăng như dự báo và cảnh báo sớm, phát triển các công trình phòng chống thiên tai; di dời dân ở khu vực có rủi ro cao dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.

Về giảm phát thải khí nhà kính, dự thảo chiến lược cũng đã đề cập các nhiệm vụ chung và giảm phát thải khí nhà kính theo từng lĩnh vực cụ thể như năng lượng, nông nghiệp - lâm nghiệp, sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất, chất thải...

Đặc biệt là lộ trình để hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương từ khi xây dựng đề cương chiến lược, khảo sát 63 địa phương và thực hiện phỏng vấn sâu 20 tỉnh, thành phố; các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các nhà khoa học…

Theo ông Thành, việc hoàn thành dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” chỉ 5 tháng sau COP26 đã cho thấy rõ Chính phủ Việt Nam tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tham vọng khí hậu.

Tuy vậy, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý, để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính; hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu...

Quang cảnh Hội nghị. (Nguồn: QĐND)

Quang cảnh Hội nghị. (Nguồn: QĐND)

Cần lộ trình "chuyển đổi xanh"

Trong bài phát biểu của mình, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam chia sẻ mong muốn chiến lược dài hạn về biến đổi khí hậu dài hạn sẽ tạo nền tảng rộng rãi, vững chắc cho các kế hoạch và chính sách khí hậu quan trọng như: Kế hoạch tổng thể về phát triển năng lượng, cập nhật các đóng góp do quốc gia xác định, kế hoạch thích ứng quốc gia, chiến lược tăng trưởng xanh...

Trước mắt, theo kiến nghị của bà Caitlin Wiesen, Việt Nam cần xây dựng luật biến đổi khí hậu nhất quán và đẩy nhanh biện pháp thích ứng là trọng tâm để tăng cường khả năng năng chống chịu cho toàn xã hội, đặc biệt đối với người dân và cộng đồng dân cư tại các khu vực đang trực tiếp bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Theo bà, "điều quan trọng không kém là Việt Nam cần thiết lập được lộ trình chuyển đổi xanh và công bằng, có cơ chế, chính sách minh bạch để theo dõi dòng tài chính công và tư nhân hỗ trợ thực hiện các dự án, chương trình đầu tư xanh".

Cùng quan điểm, Đại diện lâm thời Đại sứ quán Đức tại Hà Nội Weert Börner nhấn mạnh, dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng vào cuộc tranh luận quốc gia, cam kết phát thải ròng bằng “0”.

Tuy nhiên, những cuộc tranh luận đó vẫn cần được tiếp tục sau khi Chiến lược được phê duyệt vào năm 2022 bởi Thủ tướng.

Ông Weert nói thêm: “Với ý nghĩa trên, trong thời gian tới, chính phủ Đức quyết tâm tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng 0 theo hướng công bằng và bền vững".

(theo TTXVN)

An Chu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-no-luc-xay-dung-chien-luoc-quoc-gia-chu-dong-ung-pho-bien-doi-khi-hau-181578.html