Việt Nam nổi lên như một điểm đến an toàn, thu hút đầu tư hiệu quả

Trong bối cảnh kinh tế-địa chính trị toàn cầu biến động mạnh mẽ, dòng tài sản đang chuyển hướng và có xu hướng chọn lọc kỹ lưỡng về điểm đến, nhất là đòi hỏi cần bảo đảm yếu tố sinh sống và thuận lợi cho đầu tư dài hạn.

Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: ĐOÀN ANH TUẤN)

Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: ĐOÀN ANH TUẤN)

Từ các thành phố truyền thống đến những quốc gia mới nổi có chính sách thân thiện, bức tranh phân bổ tài sản đang thay đổi nhanh chóng. Trong xu thế đó, đang nổi lên như một điểm đến tiềm năng nếu nắm bắt cơ hội, cải thiện các điều kiện chính sách, hạ tầng và chất lượng sống.

Chất lượng sống và điều kiện đầu tư sẽ tạo nên sức hút

Trong thời kỳ kinh tế toàn cầu phân mảnh, xu hướng “nearshoring” (chuyển giao các hoạt động sản xuất hoặc dịch vụ đến các quốc gia lân cận hoặc khu vực gần với thị trường tiêu thụ chính) và “onshoring” (sản xuất tại chỗ) trở nên mạnh mẽ, đặc biệt với các ngành công nghệ cao, AI, sản xuất chip và trung tâm dữ liệu vốn đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng và năng lượng ổn định.

Đối với doanh nghiệp, bài toán thành công vẫn xoay quanh ba yếu tố chính: con người, năng lượng và địa điểm. Các ngành sản xuất tiên tiến hiện cần tiếp cận nhanh chóng với nguồn nhân lực phù hợp và năng lượng ổn định, những yếu tố đang ngày càng khan hiếm trong thời đại bùng nổ AI và trung tâm dữ liệu. Họ cũng ưu tiên những hệ sinh thái địa phương, nơi chuỗi cung ứng, đối tác chiến lược và các nguồn lực hỗ trợ cùng hiện diện và tương tác hiệu quả.

Mô hình “cụm đổi mới” (cluster) – nơi Chính phủ, học thuật và doanh nghiệp kết nối chặt chẽ – được xem là chìa khóa cho dòng vốn tương lai. Các trung tâm như Silicon Valley (Mỹ), Golden Triangle (Anh) hay Greater Bay Area (Trung Quốc) không chỉ là nơi đặt trụ sở mà còn là điểm đến sinh sống lý tưởng cho tầng lớp tinh hoa toàn cầu. Sự giao thoa giữa chất lượng sống và điều kiện đầu tư tại đây đã tạo ra sức hút bền vững.

Không chỉ các yếu tố tài chính, họ còn ngày càng quan tâm đến các “yếu tố mềm” như văn hóa, y tế, giáo dục, cộng đồng quốc tế và trải nghiệm sống. Chỉ số Thu hút tài sản của Savills (Savills Dynamic Wealth Indices) – được công bố trong báo cáo Savills Impacts mới đây – đã xác định những thành phố đang hoạt động hiệu quả trong việc thu hút và phát triển tài sản cũng như dòng vốn đầu tư từ cá nhân và doanh nghiệp.

Ông Paul Tostevin, Giám đốc Nghiên cứu toàn cầu của Savills nhận định: “Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế ngày càng biến động, dòng chảy tài sản toàn cầu cũng đang thay đổi, các cá nhân siêu giàu và doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh lại các quyết định về nơi đặt trụ sở và sinh sống. Các yếu tố truyền thống ảnh hưởng đến dòng tài sản toàn cầu, như chính sách chính phủ, ưu đãi thuế, cùng với sự hiện diện của lực lượng lao động sáng tạo hoặc các cộng đồng tương đồng, từ lâu đã là những động lực chính cho các doanh nghiệp và cá nhân linh hoạt, và sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, yếu tố ‘bản sắc địa phương’ và chất lượng sống cao đang ngày càng trở thành nhân tố quyết định trong lựa chọn điểm đến”.

Lợi thế và cơ hội của Việt Nam

Theo Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), dòng vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định bất chấp những biến động đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu.

Báo cáo mới nhất của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 đạt 21,52 tỷ USD, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Lĩnh vực chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, 10,57 tỷ USD, chiếm chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 4,84 tỷ USD, chiếm 26,5%; các ngành còn lại đạt 2,84 tỷ USD, chiếm 30,6%.

 Vẻ đẹp Đà Nẵng trong lễ hội pháo hoa quốc tế 2025. (Ảnh: PV)

Vẻ đẹp Đà Nẵng trong lễ hội pháo hoa quốc tế 2025. (Ảnh: PV)

Nhận định về lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ doanh nghiệp và giới siêu giàu thế giới, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết: “Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn giới siêu giàu, từ vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, cảnh quan tự nhiên hấp dẫn đến môi trường sống đang cải thiện đáng kể. Cùng với đó là nền văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú và tiềm năng đầu tư bất động sản còn nhiều dư địa”.

Các điểm đến như Đà Nẵng, Hội An đang nổi lên với bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf chuẩn quốc tế và khí hậu ôn hòa, chất lượng sống ngày một nâng cao. Việc xuất hiện các dự án bất động sản hàng hiệu như Nobu Residences hay khu phức hợp Hoiana góp phần định hình lại phân khúc cao cấp của thị trường. Trong khi đó, hai trung tâm kinh tế trọng yếu là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản hạng sang, với các dự án đạt chuẩn quốc tế, hạ tầng giao thông được nâng cấp và khả năng kết nối thuận lợi với các trung tâm tài chính khác trong khu vực.

Trong làn sóng tái phân bổ tài sản toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước “cửa sổ cơ hội” để thu hút giới siêu giàu. Sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên và vị trí chiến lược, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm đầu tư, sinh sống và phát triển bền vững.

Chiến lược đầu tư mới ở Việt Nam

Sau nhiều biến động toàn cầu và những thay đổi sâu sắc trong bối cảnh kinh tế-xã hội, toàn cầu đang bước vào một chu kỳ mới, đòi hỏi nhà đầu tư phải tái định vị chiến lược. Tại Việt Nam, sau giai đoạn thanh lọc kéo dài, thị trường cũng đang chứng kiến loạt tín hiệu phục hồi tích cực nhờ cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng.

 Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế-tài chính lớn của cả nước. (Ảnh: PV)

Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế-tài chính lớn của cả nước. (Ảnh: PV)

Trong bối cảnh đó, chiến lược đầu tư bất động sản tại Việt Nam cần được định hướng lại rõ ràng dựa trên những bài học quốc tế và điều kiện thực tiễn trong nước.

Báo cáo Impact 2025 từ Savills chỉ ra rằng chu kỳ tăng trưởng bền vững từng khiến bất động sản trở thành kênh sinh lời ưa chuộng nay đã chững lại. Tác động kéo dài từ đại dịch Covid-19, chính sách tiền tệ thay đổi và nền kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái trì trệ dài hạn khiến thị trường trở nên phân mảnh, khó đoán và đòi hỏi tư duy đầu tư hoàn toàn khác. Lãi suất duy trì ở mức cao khiến lợi suất từ trái phiếu cạnh tranh hơn, trong khi kỳ vọng tăng giá vốn bất động sản bị thu hẹp. Mô hình đầu tư thụ động – vốn phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính và biên lợi suất – không còn bảo đảm hiệu quả như trước. Trong xu thế đó, nhà đầu tư cần dịch chuyển sang chiến lược chủ động, lấy dòng tiền cốt lõi, khả năng vận hành tài sản và định hướng dài hạn làm nền tảng.

Cụ thể, từ năm 2016 đến 2024, thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh ở các phân khúc nhà ở, văn phòng và bán lẻ – đặc biệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh – nhờ quá trình đô thị hóa nhanh và nhu cầu không gian sống hiện đại gia tăng. Tuy nhiên, những gián đoạn do dịch bệnh, chính sách tín dụng thắt chặt và rào cản pháp lý kéo dài đã khiến thị trường bước vào giai đoạn thanh lọc sâu, với nhiều dự án bị đình trệ và tâm lý đầu tư dần thận trọng.

Phản ứng trước thực trạng đó, các cải cách mang tính cấu trúc đã được đẩy mạnh. Việc triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi từ tháng 8/2024 giúp tháo gỡ các điểm nghẽn trong thủ tục phê duyệt, tăng cường tính minh bạch – yếu tố then chốt để thu hút dòng vốn dài hạn. Song song đó, đầu tư công vào hạ tầng được tăng tốc trên quy mô toàn quốc, từ sân bay Long Thành, cao tốc bắc-nam cho đến các tuyến vành đai tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh – tạo điều kiện kết nối vùng, kích hoạt làn sóng phát triển mới tại các đô thị vệ tinh.

Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam nhận định: “Tâm lý nhà đầu tư sẽ được cải thiện đáng kể khi các phê duyệt quy hoạch được thông qua và các dự án có thể triển khai ra thị trường. Việc tiếp cận đất đai thuận lợi hơn thông qua đấu giá và đơn giản hóa quy trình giải phóng mặt bằng sẽ giúp tăng mạnh lượng vốn đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam.”

Ông cũng cho biết, các thị trường vùng ven sẽ được hưởng lợi rõ rệt khi hạ tầng được cải thiện, đặc biệt là những khu vực có thể cung cấp nhà ở với giá hợp lý. Trong khi đó, tại các vị trí trung tâm, mô hình branded residences (căn hộ có thương hiệu) được kỳ vọng sẽ nhận được sự quan tâm lớn, tương tự như tại Bangkok hay Trung Đông, thu hút tầng lớp siêu giàu trong và ngoài nước – đặc biệt khi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vị thế quốc tế.

LÊ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nam-noi-len-nhu-mot-diem-den-an-toan-thu-hut-dau-tu-hieu-qua-post892527.html