Việt Nam sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi

Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện tại Việt Nam năm 2019, ngành chăn nuôi nước ta đã phải tiêu hủy khoảng 6 triệu con lợn, thiệt hại về kinh tế khoảng 30.000 tỷ đồng. Với sự phối hợp, hỗ trợ của các nhà khoa học Hoa Kỳ, các nhà khoa học trong lĩnh vực thú y của Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine phòng DTLCP. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã trao đổi với các cơ quan báo chí về quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thành công loại vaccine này.

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, DTLCP đã tồn tại hơn 100 năm mà sao trên thế giới chưa có bất kỳ loại vaccine thương mại nào được sản xuất?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, gây tỷ lệ chết cao, lên đến 100%.

Có một số lý do dẫn đến việc nghiên cứu, sản xuất vaccine DTLCP gặp rất nhiều khó khăn, như: Nhiều công trình nghiên cứu về vaccine DTLCP thất bại; sự hiểu biết về virus, cơ chế gây bệnh, đặc biệt là cơ chế sinh miễn dịch và hoạt động của nó để bảo hộ được động vật nhiễm bệnh còn rất hạn chế; khó khăn trong việc tìm ra dòng tế bào nuôi cấy phù hợp để có thể sản xuất vaccine thương mại với số lượng lớn.

Đầu tháng 11-2019, các nhà khoa học Hoa Kỳ đã công bố nghiên cứu thành công chủng virus DTLCP nhược độc đã được cắt bỏ đoạn gene ASF-G-Delta I177L. Đây là tiền đề rất quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh DTLCP. Từ tháng 2-2020, việc nghiên cứu, sản xuất vaccine của chúng ta chính thức được thực hiện với sự phối hợp của các chuyên gia Hoa Kỳ. Từ tháng 7-2020, Bộ NN&PTNT chỉ đạo cho phép nhập khẩu chủng giống virus DTLCP nhược độc cắt gene dùng để nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh DTLCP tại Việt Nam.

Tiêm thử nghiệm vaccine cho lợn. Ảnh: DIỆP ANH

Tiêm thử nghiệm vaccine cho lợn. Ảnh: DIỆP ANH

PV: Thứ trưởng có thể cho biết những kết quả quan trọng đạt được trong nghiên cứu, sản xuất vaccine DTLCP “made in Việt Nam”?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngay sau khi tiếp nhận chủng giống ASFV-G-∆I177L từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vào tháng 9-2020, Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) đã khẩn trương triển khai nghiên cứu, trải qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Bộ NN&PTNT cũng đã thành lập các hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp bộ và tổ chức hàng chục cuộc họp với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, nhà quản lý và nhà sản xuất vaccine thú y để nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học. Kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine NAVET-ASFVAC của NAVETCO sau khi được các nhà khoa học độc lập đánh giá rất kỹ lưỡng đã được chấp nhận, công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới và Tạp chí Khoa học kỹ thuật thú y của Việt Nam. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện: Cấp Giấy chứng nhận lưu hành đối với vaccine NAVET-ASFVAC của NAVETCO theo quy định; tổ chức giám sát việc sử dụng NAVET-ASFVAC sau khi cấp giấy phép lưu hành. Như vậy, Việt Nam đã chính thức sản xuất được vaccine thương mại phòng bệnh DTLCP, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực; độ dài miễn dịch kéo dài 6 tháng, góp phần bảo vệ an toàn cho chăn nuôi, sản xuất lợn thịt.

PV: Những yếu tố nào dẫn đến thành công trên, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Việc sản xuất thành công vaccine thương mại phòng bệnh DTLCP là sự kiện lịch sử. Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công này, đó là sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm của Bộ NN&PTNT, ngành thú y, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, sản xuất vaccine. Chúng ta đã chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với các nhà khoa học trên thế giới và các quốc gia, cụ thể là các nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học trong nước, đặc biệt là sự quyết tâm của các doanh nghiệp tiên phong, có đủ tiềm lực, đầu tư nghiêm túc để nghiên cứu, làm chủ công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vaccine.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh NGUYỄN KIỂM

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh NGUYỄN KIỂM

PV: Việc sản xuất thành công vaccine thương mại phòng bệnh DTLCP mang lại ý nghĩa gì đối với ngành chăn nuôi nước ta?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Việc sản xuất, đăng ký lưu hành vaccine thương mại phòng bệnh DTLCP là sự kiện lịch sử, góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi lợn phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, phục vụ xuất khẩu.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh xuyên quốc gia, bệnh truyền nhiễm lây qua biên giới, bệnh mới nổi... xâm nhiễm là khó tránh khỏi. Do đó, thành công này chính là bài học kinh nghiệm về việc chủ động hội nhập quốc tế, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với các nhà khoa học thế giới, với sự đồng hành của nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp để làm chủ khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vaccine. Đây là vấn đề cốt lõi, lâu dài, giúp chúng ta chủ động ứng phó với các sự cố dịch bệnh khác trong tương lai.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

NGUYỄN NGHINH XUÂN (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/viet-nam-san-xuat-thanh-cong-vaccine-dich-ta-lon-chau-phi-697588