Việt Nam sẽ đàm phán phiên đầu tiên về thuế với Hoa Kỳ vào ngày 7-5

Theo Thủ tướng, trước việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực, khi Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Hoa Kỳ đồng ý đàm phán và ngày 7-5 tới sẽ triển khai đàm phán.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024. Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024. Ảnh: QUANG PHÚC

Tại phiên khai mạc Quốc hội kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 5-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, so với báo cáo tại kỳ họp thứ 8, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển năm 2024 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn. Trong đó, đã hoàn thành vượt và đạt 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội, cao hơn 1 chỉ tiêu so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (đã báo cáo vượt và đạt 14/15 chỉ tiêu)… Tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo ước đạt 6,8% - 7%), cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, tăng ba bậc vươn lên vị trí thứ 32 trên thế giới…

Theo Thủ tướng, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao, sau đó hoãn 90 ngày với các đối tác thương mại (trừ Trung Quốc) và mức thuế tạm áp dụng là 10%. Việc này tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế.

Trong bối cảnh đó, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, với tinh thần kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thông suốt; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật…

 Các đại biểu dự phiên khai mạc, sáng 5-5. Ảnh QUANG PHÚC

Các đại biểu dự phiên khai mạc, sáng 5-5. Ảnh QUANG PHÚC

Theo Thủ tướng, trước việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực, khi Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Hoa Kỳ đồng ý đàm phán và ngày 7-5 tới sẽ triển khai đàm phán.

Cũng theo báo cáo, tăng trưởng GDP quý 1-2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025, nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số. Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực, kết cấu hạ tầng được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên cho các dự án trọng điểm...

 Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024. Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024. Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên (quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD, dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc; GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000USD), các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực. Trong đó, cần thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị; cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần "không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để".

Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong năm 2025 và nhiệm kỳ 2025-2030; bảo đảm đúng lộ trình, tiến độ xây dựng đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp...

 Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên khai mạc, sáng 5-5. Ảnh QUANG PHÚC

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên khai mạc, sáng 5-5. Ảnh QUANG PHÚC

Thủ tướng cũng nêu rõ yêu cầu về việc chủ động rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp năm 2013 sửa đổi (dự kiến ngày 1-7-2025), bảo đảm chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) đi vào hoạt động thông suốt, liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý khi không còn tổ chức chính quyền địa phương cấp huyện; kịp thời hướng dẫn, tổ chức thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo tiến độ được Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác chính trị, tư tưởng chế độ, chính sách đối với cán bộ bị tác động, ảnh hưởng; bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan theo tinh thần "từ việc chọn người", giữ được những cán bộ có năng lực, không để "chảy máu chất xám", không để phát sinh những vấn đề phức tạp về nội bộ; nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị và chính sách đặc biệt đối với cán bộ, công chức đạt thành tích xuất sắc trong công việc; đồng thời có cơ chế đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất; cụ thể hóa hơn nữa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm…

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/viet-nam-se-dam-phan-phien-dau-tien-ve-thue-voi-hoa-ky-vao-ngay-7-5-post793824.html