Việt Nam tăng 4 bậc trong báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới 2023
Việt Nam xếp thứ 106 trong số 165 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng trong bộ chỉ số Tự do Kinh tế Thế giới (Economic Freedom of the World Index) do Viện Fraser của Canada phát hành hôm nay – 19/9/2023.
Với thứ hạng 106, so với năm ngoái, Việt Nam đã tăng được 4 bậc. Đây là mức tăng tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh - giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) cho biết, hôm nay, ngày 19/9/2023 Viện Fraser công bố báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới 2023.
Báo cáo này đã xếp hạng chỉ số tự do kinh tế của 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong xếp hạng năm nay, Việt Nam tăng được 4 bậc và đứng ở vị trí 106.
So với năm trước,Việt Nam ghi điểm ở bốn thành phần chính của chỉ số tự do kinh tế (từ 1 đến 10 trong đó giá trị cao hơn cho thấy mức độ tự do kinh tế cao hơn):
Thứ nhất: Quy mô chính phủ (xếp thứ 83): là chỉ số thành phần duy nhất giảm điểm nhẹ từ 6,56 xuống 6,53.
Thứ hai: Hệ thống pháp luật và quyền tài sản (xếp thứ 77): tăng từ 4,96 lên 5,15. Đây là năm đầu tiên, điểm số của chỉ số thành phần này của Việt Nam tăng trên 5 điểm.
Thứ ba: Đồng tiền tốt (xếp thứ 128): tăng từ 6,96 lên 7,02. Đây tiếp tục là chỉ số mà Việt Nam có thứ hạng thấp nhất, chủ yếu liên quan đến việc Việt Nam hạn chế quyền sở hữu ngoại hối trong thanh toán.
Thứ tư: Tự do thương mại quốc tế (xếp thứ 98): tăng từ 6,4 lên 6,52.
Thứ năm: Quy định về tín dụng, lao động và kinh doanh (xếp thứ 103): tăng từ 6,08 lên 6,10.
Viện Fraser công bố báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới hàng năm với sự hợp tác của Mạng lưới Tự do Kinh tế, một nhóm các viện nghiên cứu và giáo dục độc lập ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là thước đo hàng đầu thế giới về tự do kinh tế.
Báo cáo được chuẩn bị bởi Giáo sư James Gwartney của Đại học Bang Florida và các Giáo sư Robert A. Lawson và Ryan Murphy của Đại học Southern Methodist.
Viện Fraser đã hai lần phối hợp với Trường Đại học kinh tế quốc dân và Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) thực hiện đánh giá toàn diện sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam vào năm 2020 và đầu năm 2023 dựa trên bộ chỉ số này.
Từ đó, nhiều khuyến nghị chính sách đã được các chuyên gia đưa ra để giúp Việt Nam cải thiện chỉ số cũng như vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong những năm tới thông qua việc thúc đẩy tự do kinh tế.
Trong xếp hạng năm nay, Singapore xếp thứ nhất, tăng 1 bậc, Malaysia (56, giảm 3 bậc), Thái Lan (64, tăng 8 bậc), Philippines (70, giảm 3 bậc), Indonesia (74, tăng 1 bậc), Cam-pu-chia (78, giảm 3 bậc), Lào (107, tăng 1 bậc).
Cũng theo báo cáo thường niên về Tự do Kinh tế Thế giới của Viện Fraser công bố hôm nay, lần đầu tiên Hồng Kông không phải là quốc gia đứng đầu về tự do kinh tế và dự kiến sẽ còn giảm hơn nữa trong những năm tới.
“Đây là năm duy nhất Hong Kong không đứng số một về chỉ số kể từ khi thành lập”. Tiến sĩ Fred McMahon, Trưởng nhóm Nghiên cứu về Tự do Kinh tế của Viện Fraser cho biết.
Báo cáo Tự do kinh tế thế giới đo lường quyền tự do kinh tế của các cá nhân - khả năng tự đưa ra các quyết định kinh tế của mình - bằng cách phân tích các chính sách và thể chế của 165 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các thể chế và chính sách được xem xét bao gồm: Các quy định quản lý của nhà nước, Quyền tự do thương mại quốc tế, Quy mô của chính phủ, Hệ thống pháp luật và quyền sở hữu, và Chính sách tiền tệ tốt.
Báo cáo năm 2023 dựa trên dữ liệu từ năm 2021 hoặc năm ngoái trong trường hợp có số liệu thống kê có thể so sánh được giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vị trí số một hiện nay thuộc về Singapore, tiếp theo là Hồng Kông, Thụy Sĩ, New Zealand, Hoa Kỳ, Ireland, Đan Mạch, Úc, Vương quốc Anh và Canada. Các quốc gia đáng chú ý khác bao gồm Nhật Bản (thứ 20), Đức (thứ 23), Pháp (thứ 47), Nga (thứ 104) và Trung Quốc (111).
Venezuela một lần nữa xếp cuối cùng. Một số quốc gia như Bắc Triều Tiên và Cuba không thể xếp hạng do thiếu dữ liệu.
Theo nghiên cứu trên các tạp chí học thuật được bình duyệt hàng đầu, người dân sống ở các quốc gia có mức độ tự do kinh tế cao sẽ được hưởng sự thịnh vượng hơn, nhiều quyền tự do về chính trị và dân sự hơn cũng như tuổi thọ lâu hơn.
Ví dụ, các quốc gia thuộc nhóm tự do kinh tế cao nhất có GDP bình quân đầu người là 48.569 USD, so với 6.324 USD của các quốc gia thuộc nhóm cuối cùng. Tỷ lệ nghèo đói thấp hơn. Ở nhóm trên cùng, chưa đến 1% dân số rơi vào cảnh nghèo cùng cực (1,90 USD một ngày) so với 32% ở nhóm thấp nhất. Cuối cùng, tuổi thọ trung bình là 81,1 tuổi ở nhóm đầu của các quốc gia so với 65 tuổi ở nhóm cuối cùng.
Tiến sĩ McMahon nói: “Nơi mọi người được tự do theo đuổi các cơ hội và đưa ra lựa chọn của riêng mình, họ sẽ có cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc và khỏe mạnh hơn”.